Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Cần quản lý và khai thác tốt nghề nuôi chim yến
Những năm gần đây, nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, hơn 80% nhà nuôi yến nằm trong nội thành, nội thị và hầu hết xây dựng theo hình thức tự phát, không phép. Đây là vấn đề khó khăn, thách thức trong công tác quản lý và phát huy nguồn lợi từ chim yến.
Nhà nuôi yến nằm trong khu dân cư phường 5 (TP. Bạc Liêu).
Bạc Liêu được xem là nơi giàu tiềm năng, thế mạnh về phát triển nghề nuôi chim yến. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1.100 nhà yến, trong đó, tập trung chủ yếu ở địa bàn TP. Bạc Liêu.
Nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, việc nuôi chim yến tự phát cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Đó là làm xáo trộn đời sống, sinh hoạt của nhiều người, do các loa dẫn dụ chim yến phát với cường độ lớn.
Chim yến là động vật hoang dã được quản lý theo quy định tạm thời tại Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, thế nhưng, có nhiều văn bản pháp luật khác nhau với nhiều cơ quan quản lý nên gây khó khăn trong việc thực hiện. Việc gây nuôi chim yến còn mang tính tự phát, phong trào, chưa có định hướng phát triển dài hạn, vì vậy vấn đề quản lý an toàn dịch bệnh, an toàn cho người dân chưa được đảm bảo. Cùng với đó, việc quản lý điều kiện nuôi với đối tượng chim yến còn thiếu và chưa có quy định về điều kiện chuồng trại phù hợp với tập tính chim yến. Giao dịch thương mại, mua bán sản phẩm tổ yến chưa có thị trường ổn định; việc đầu tư vào khâu chế biến chưa được chú trọng, nhiều sản phẩm chủ yếu xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô nên giá trị chưa cao. Trong khi nghề nuôi chim yến cần vốn đầu tư lớn, rủi ro cao, nên nhiều hộ nuôi dễ lâm vào cảnh nợ nần.
Sản phẩm yến Bạc Liêu. Ảnh: K.T
Điều đáng quan tâm là việc kiểm soát dịch bệnh đối với chim yến còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn sinh học, dịch bệnh cho động vật và sức khỏe con người, nhất là các cơ sở nuôi chim yến tự phát, nằm trong khu dân cư, gây khó khăn trong phòng chống dịch bệnh. Khu vực nuôi chim yến ẩm ướt, tối tăm, có nhiều phân yến nên có thể gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân.
Để nghề nuôi chim yến phát triển, Bạc Liêu cần có định hướng, kế hoạch, quy hoạch ngành nghề nuôi chim yến, tránh tình trạng xây dựng nhà yến tự phát. Đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát việc thực hiện đăng ký nuôi chim yến theo Thông tư 35 của Bộ NN&PTNT quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến. Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng tổ yến, truy xuất nguồn gốc. Thực hiện và kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường trong các vùng nuôi chim yến. Thực hiện phân cấp và phối hợp giữa chính quyền các cấp trong quản lý nhà nước thống nhất theo hệ thống. Kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và xử phạt nghiêm theo thẩm quyền được pháp luật quy định. Xây dựng quy chế phối hợp quản lý nghề nuôi chim yến giữa các địa phương để hoạt động nuôi chim yến được đồng bộ và phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp trong quản lý nghề nuôi chim yến, thẩm định cấp giấy phép xây dựng nhà nuôi chim yến, chính sách hỗ trợ về đất đai, nguồn vốn... tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát triển nghề nuôi chim yến; thành lập Hiệp hội nuôi chim yến của tỉnh. Phát triển thị trường gắn với đổi mới khoa học - công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm từ tổ yến; xây dựng thương hiệu, phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm, gắn kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm tổ yến.
Nguyễn Hồng
- Sức sống mới ở những vùng căn cứ cách mạng
- Thế hệ sinh năm 1975: Trưởng thành cùng quê hương Bạc Liêu
- Đại thắng mùa Xuân 1975: Minh chứng thuyết phục về sức mạnh đoàn kết dân tộc
- Bạc Liêu - Cà Mau chiếm gần 30% tiềm năng điện gió ven bờ cả nước
- Bàn giao 101 máy quét Căn cước và thiết bị sinh trắc học cho các cơ sở y tế