Chủ động nhiều giải pháp phòng chống hạn, mặn

Thứ Sáu, 29/11/2019 | 16:00

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tổng lượng mưa từ nay đến cuối năm 2019 ở khu vực Nam bộ thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 10 - 30%. Đặc biệt, dòng chảy trên các sông từ tháng 11/2019 - tháng 4/2020 các khu vực Nam bộ thiếu hụt so với TBNN từ 20 - 50%.

Một trong những dự báo đáng quan tâm khác là khả năng sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2019 - 2020 ở nhiều vùng trên cả nước, đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL sẽ sớm và nặng hơn so với TBNN.

Với những dự báo này, sản xuất nông nghiệp của tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là sản xuất lúa vụ 3 sẽ kéo dài từ nay cho đến những tháng đầu năm 2020. Đồng thời gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất vụ đông xuân và cả diện tích nuôi tôm cần nguồn nước ngọt để dung hòa.

Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ban hành Chỉ thị số 8008 về tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh mùa khô năm 2019 - 2020.

Kiểm tra độ mặn trên tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: L.D

Theo đó, đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện nhiều giải pháp như: Xây dựng kế hoạch tổng thể phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2019 - 2020 phù hợp với thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Trong đó, cần xác định khả năng bị ảnh hưởng đến từng vùng, từng khu vực để có giải pháp cụ thể. Thường xuyên kiểm tra nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm) và sản xuất nông nghiệp cho cả mùa khô năm 2019 - 2020.

Bên cạnh đó, bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất. Khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang canh tác nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng. Bố trí vùng sản xuất cây trồng có cùng khả năng chịu mặn và nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc điều tiết nước. Tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt trong hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước. Thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao. Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống thủy lợi, công trình cấp nước tập trung, đặc biệt là công trình cấp nước, ngăn mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước và hiệu quả khai thác công trình thủy lợi. Trường hợp nguồn kinh phí vượt quá khả năng của địa phương, báo cáo Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính để tổng hợp, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ theo quy định…

TÚ ANH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.