Chủ động phòng chống sâu bệnh trên các trà lúa thu đông

Thứ Hai, 04/11/2019 | 16:54

Vụ lúa thu đông là một trong những vụ quan trọng của năm, cho năng suất, sản lượng và chất lượng cao so với các vụ lúa khác. Để có một vụ mùa thắng lợi, từ đầu mùa vụ, ngành Nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo nông dân làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh hại lúa.

Cán bộ Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh hại lúa (mô hình lúa - tôm).

Nông dân huyện Hồng Dân bón phân cho lúa. Ảnh: C.L

Đến nay, nông dân trong tỉnh đã xuống giống lúa thu đông 44.399ha với các giống lúa như: Đài thơm 8, Nàng hoa 9, RVT, OM 5451, OM 4900, OM 6976, OM 2517. Đối với vụ lúa lấp lại vụ hè thu, bà con đã xuống giống 42.484ha. Riêng vụ lúa mùa 2019 - 2020 (lúa trên đất nuôi tôm), bà con xuống giống được 38.500ha.

Những ngày qua, các loại sâu bệnh phát triển và gây hại các trà lúa. Hầu hết các huyện, thị xã trong tỉnh đều có diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá gây hại cục bộ trên lúa đẻ nhánh, làm đòng. Bên cạnh đó, ốc bươu vàng cắn phá trên lúa mới sạ (tập trung ở những vùng trũng, thấp hoặc ngập do triều cường).

Anh Trần Thanh Tân (xã Hưng Phú, huyện Phước Long) chia sẻ: “Ở xã Hưng Phú, tình hình sâu bệnh diễn biến khá phức tạp, nhất là dịch bệnh sâu cuốn lá, rầy nâu. Song, nhờ được Phòng NN&PTNT huyện hướng dẫn cách phòng trị nên lúa không bị thiệt hại”. 

Ông Trương Phước Hiền, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long, cho biết: “Phần lớn nông dân trong huyện tuân thủ sản xuất theo lịch thời vụ nên trà lúa thu đông phát triển tốt. Huyện thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo bà con chủ động phòng chống sâu bệnh nhằm hạn chế thiệt hại cho lúa”.

Sở NN&PTNT khuyến cáo nông dân trước khi gieo sạ cần vệ sinh đồng ruộng thật kỹ (nhằm hạn chế cỏ dại, lúa chét, chuột, ốc bươu vàng…). Cày vùi rơm rạ kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học (như Trichoderma, Sumitri, Dascella) để giúp rơm rạ phân hủy nhanh, tăng độ phì nhiêu cho đất, hạn chế lúa bị ngộ độc hữu cơ, đồng thời cắt đứt mầm sâu bệnh. Xuống giống tập trung từng vùng, từng cánh đồng theo lịch thời vụ gieo sạ đồng loạt và né rầy; không gieo sạ tự phát, phân tán; bảo đảm thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa ít nhất 3 tuần. Đây là biện pháp quan trọng, có tính quyết định sự xuất hiện cũng như tỷ lệ gây hại của sâu bệnh. Các địa phương tùy theo điều kiện cụ thể về đất đai, thời tiết, chế độ nước, diễn biến rầy nâu để xác định thời điểm gieo sạ trong khung thời vụ chung của tỉnh. Đặc biệt, các huyện phía Nam Quốc lộ 1A chú ý theo dõi những khu vực dễ bị ảnh hưởng của triều cường và xâm nhập mặn có thể gây thiếu nước cuối vụ.

Theo đề nghị của Sở NN&PTNT, các địa phương cần ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường; chú ý các loại giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn; tăng cường sử dụng giống xác nhận và giảm lượng giống gieo sạ còn 100 - 120kg/ha nhằm hưởng ứng chương trình “Giảm lượng giống lúa gieo sạ ở vùng ĐBSCL” do Bộ NN&PTNT phát động. Hướng dẫn nông dân thường xuyên theo dõi đồng ruộng để phát hiện sớm dịch hại trên cây lúa và có biện pháp phòng trừ đạt hiệu quả; nhổ và tiêu hủy cây lúa khi thấy bệnh vàng lùn - vàng xoắn lá xuất hiện để tránh lây lan trên diện rộng. Cử cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, đẩy mạnh tập huấn để nông dân áp dụng chương trình “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); củng cố hệ thống bẫy đèn, theo dõi sát các đợt rầy nâu di trú. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp nhằm phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các loại vật tư nông nghiệp không bảo đảm chất lượng, hàng gian, hàng giả trên thị trường.

CHÍ LINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.