Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Đẩy mạnh liên kết phát triển mô hình tôm sạch, lúa an toàn
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh và giá trị mang lại từ mô hình sản xuất lúa - tôm, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung phát triển, nâng cao chất lượng mô hình và đẩy mạnh liên kết chuỗi. Mô hình sản xuất lúa - tôm được xác định là khâu đột phá để góp phần tăng trưởng, phát triển sản xuất.
Tập đoàn thủy sản Bồ Đề ký kết hợp tác với các HTX sản xuất lúa - tôm trong tỉnh.
Ưu tiên cho sản xuất sạch
Vùng Bắc Quốc lộ (QL) 1A với điều kiện sinh thái đặc thù đã cho ra đời mô hình sản xuất lúa - tôm. Với diện tích sản xuất hơn 70.200ha (chiếm 51,47% diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh), lúa - tôm được khẳng định là mô hình sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Lợi thế và ưu điểm của mô hình là tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, một thực tế phải thừa nhận là mô hình lúa - tôm vẫn chưa phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có, nhất là hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Về lâu dài, mô hình đứng trước nhiều rủi ro, thách thức, nhất là bài toán về môi trường cho phát triển bền vững; chưa xây dựng được mô hình liên kết chuỗi giá trị, từ đó kìm hãm sự phát triển bền vững lẫn hiệu quả kinh tế của mô hình.
Do vậy, một trong những giải pháp quan trọng được Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo trong thực hiện “Kế hoạch phát triển mô hình tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ áp dụng trên hệ thống canh tác tôm - lúa vùng phía Bắc QL1A đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” chính là xây dựng mô hình liên kết chuỗi thông qua phát huy vai trò của doanh nghiệp và nông dân.
Thực hiện chủ trương này, năm 2019, các ngành, địa phương đã mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất với nông dân, bước đầu mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Điển hình là liên kết sản xuất của một số tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) với Tập đoàn thủy sản Bồ Đề (gọi tắt là Tập đoàn Bồ Đề). Theo đó, Tập đoàn Bồ Đề đầu tư và chuyển giao toàn bộ quy trình nuôi tôm theo công nghệ sạch, thân thiện với môi trường nhằm tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng, cạnh tranh về giá và thị trường. Đồng thời thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân; đặc biệt là khi phát sinh rủi ro trong quá trình nuôi, tập đoàn sẽ xóa trắng nợ cho nông dân và tiếp tục tái đầu tư vụ nuôi mới.
Một trong những ưu điểm và mang lại nhiều lợi ích cho liên kết sản xuất chính là làm thay đổi tập quán, tư duy sản xuất theo kiểu truyền thống của nông dân (sử dụng vôi hay các loại hóa chất khác trong xử lý môi trường ao nuôi). Tập quán và thói quen canh tác này về lâu dài sẽ làm cho đất bị “vôi hóa” và ô nhiễm môi trường từ các hóa chất xử lý không rõ nguồn gốc. Ngược lại, sử dụng các chế phẩm vi sinh sẽ góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và góp phần tạo ra sản phẩm sạch.
Ông Dương Văn Hào, Chủ nhiệm HTX Quyết Tâm (xã Phước Long, huyện Phước Long), cho biết: “Trước đây, nông dân hay sử dụng vôi để xử lý môi trường ao nuôi thì nay đã sử dụng chế phẩm vi sinh của Tập đoàn Bồ Đề. Qua sử dụng chế phẩm này, chất lượng nước, môi trường cải thiện đáng kể và có trên 80% nông dân nuôi tôm hiệu quả. Năm 2020, HTX Quyết Tâm sẽ áp dụng quy trình và sử dụng sản phẩm của Tập đoàn Bồ Đề cho tất cả diện tích sản xuất lúa - tôm”.
Vừa qua, Tập đoàn Bồ Đề đã tổ chức ký kết hợp tác sản xuất theo chuỗi với các THT, HTX sản xuất lúa - tôm, thu hút 5.000 hộ nông dân tham gia với diện tích 5.000ha. Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bồ Đề: “Để phát huy giá trị mang lại từ con tôm, ngoài việc đồng hành cùng nông dân, doanh nghiệp sẽ xây dựng thương hiệu cho con tôm sạch Bạc Liêu và giúp nông dân làm giàu từ con tôm”.
Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch tôm trên đất lúa. Ảnh: K.T
Đẩy mạnh liên kết
Sản xuất sạch và bền vững để thích ứng với biến đổi khí hậu đã trở thành nhu cầu và xu thế tất yếu trong hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay. Điều đó được cụ thể hóa trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị đối thoại với nông dân khu vực ĐBSCL (tại Cần Thơ) vào tháng 12/2019. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các ngành, địa phương khuyến khích nông dân tham gia sản xuất theo chuỗi và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm…
Để thực hiện tốt sự chỉ đạo này, các ngành, địa phương và cả người nông dân cần phải thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy về thị trường, xem khoa học - công nghệ là khâu đột phá, chất lượng làm thước đo và cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm…
Nhằm phát huy thế mạnh và đẩy mạnh việc liên kết sản xuất, Bạc Liêu đề ra mục tiêu chung là xây dựng, hình thành và lan tỏa mô hình sản xuất tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ (áp dụng trên hệ thống canh tác tôm - lúa); sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm bảo vệ môi trường, an sinh xã hội và lợi ích kinh tế. Qua đó góp phần phát triển ngành tôm Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh trạnh của sản phẩm tôm, lúa Bạc Liêu, xứng đáng là hai sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Năm 2020, Bạc Liêu sẽ xây dựng 3 vùng sản xuất tôm sạch, lúa an toàn với diện tích khoảng 150ha. Sau khi có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm sẽ làm cơ sở lan tỏa, nhân rộng vào những năm tiếp theo với khoảng 1.200ha. Đến năm 2025, phấn đấu diện tích tôm - lúa đạt 41.000ha, năng suất tôm (mô hình tôm - lúa) 0,5 tấn/ha/năm, sản lượng phấn đấu đạt 20.500 tấn; năng suất lúa (mô hình tôm - lúa) đạt 4,64 tấn/ha, sản lượng phấn đấu 190.240 tấn lúa. Qua đó góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn vùng phía Bắc QL1A đạt 400 triệu USD vào năm 2020, và đạt 500 triệu USD vào năm 2025 (chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh).
Để hoàn thành mục tiêu trên và liên kết chuỗi trở nên bền vững, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người nông dân trong liên kết là khâu quan trọng nhất. Bởi, người nông dân phải thấy được những lợi ích thiết thực và bền vững khi tham gia các THT và HTX, không chạy theo lợi nhuận đơn thuần hoặc phá vỡ liên kết.
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cũng cần tích cực chỉ đạo, vận động nông dân tham gia sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi nhằm tạo ra hàng hóa lớn, chất lượng đồng nhất và dễ tiêu thụ. Đó là thành lập mỗi xã ít nhất 1 THT gắn với doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sản phẩm cho THT. Đẩy mạnh công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, thủy lợi, giao thông, điện, vốn… cho vùng sản xuất lúa - tôm. Xây dựng những vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ASC, Organic… để xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật hoặc các thị trường tiềm năng khác nhằm tăng giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân…
Kim Trung
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong