Huyện Đông Hải: Nuôi trồng và khai thác thủy sản tăng trưởng khá

Thứ Sáu, 04/10/2019 | 14:20

Từ đầu năm đến nay, nhờ tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nên hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản trên địa bàn huyện Đông Hải tiếp tục tăng trưởng khá. Phát huy thế mạnh này, huyện sẽ dồn sức cho 3 tháng cuối năm với mục tiêu đạt và vượt kế hoạch về tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản.

Ngư dân vận chuyển thủy sản lên Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải) sau chuyến ra khơi đánh bắt. Ảnh: L.D

Sản lượng tăng

Những tháng đầu năm, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng giá tôm xuống thấp, tạo tâm lý bất an cho người nuôi. Song, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và quyết liệt chỉ đạo phát triển sản xuất nên diện tích nuôi trồng, sản lượng thủy sản đều đạt kế hoạch đề ra. Tính đến tháng 9/2019, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản của huyện hơn 113.818 tấn, đạt 82% kế hoạch, tăng 6,1% so với cùng kỳ.

Diện tích nuôi trồng thủy sản tiếp tục giữ ổn định với 39.387ha, trong đó, áp dụng mô hình nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh trên 3.905ha và áp dụng mô hình quảng canh cải tiến - kết hợp (QCCT - KH) là 35.398ha, tổng sản lượng 54.949 tấn, đạt 71,3% kế hoạch, tăng 6,7% so với cùng kỳ.

Về hoạt động khai thác, huyện có tổng số 559 chiếc tàu thuyền đăng ký, đăng kiểm, cho tổng sản lượng khai thác 58.869 tấn (tôm 9.244 tấn, cá 33.814 tấn, thủy sản khác 15.811 tấn), đạt 95% kế hoạch, tăng 5,5%  so với cùng kỳ.           

Để hỗ trợ hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản, ngành Nông nghiệp huyện cũng tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi và mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - công nghệ cho nông, ngư dân. Đến nay, đã nạo vét 15 tuyến kênh thủy lợi - thủy nông nội đồng với chiều dài 27,08km, khối lượng 224.013m3. Đồng thời mở 24 lớp tập huấn kỹ thuật với hơn 1.430 lượt nông dân tham dự; cấp phát 25 tấn Chlorine cho nông dân có tôm nuôi bị thiệt hại để xử lý mầm bệnh…

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản cũng còn gặp nhiều vướng mắc. Đó là việc triển khai Nghị định 17/2018/NĐ - CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ về một số chính sách phát triển thủy sản) gặp khó khăn do chính sách hỗ trợ tàu đóng mới là tàu vỏ thép, vỏ composite; trong khi tàu khai thác trên địa bàn huyện chủ yếu là tàu vỏ gỗ; vốn đầu tư của ngư dân còn hạn chế.

Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học - kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả chưa cao. Việc cải tạo ao vuông, xả thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước vẫn còn xảy ra, nhất là đối với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh. Sự gắn kết giữa các hộ nuôi tôm chưa chặt chẽ, chưa mang tính cộng đồng trong sản xuất cũng như bán sản phẩm sau thu hoạch. Việc nạo vét một số kênh thủy lợi - thủy nông nội đồng chưa kịp thời làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sản xuất. Tiến độ thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp còn chậm, chưa phù hợp với tiềm năng của vùng; quản lý chuỗi giá trị trong sản xuất thủy sản còn nhiều bất cập…

Người dân huyện Đông Hải thu hoạch tôm nuôi công nghiệp. Ảnh: L.D

Tập trung chỉ đạo sản xuất

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế và phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2019, từ nay đến cuối năm, huyện Đông Hải sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất. Trong đó, chỉ đạo ngành chức năng thông báo kịp thời đến nông dân tình hình khí tượng - thủy văn, triều cường; công tác phòng chống dịch bệnh khẩn cấp đối với một số loại bệnh trên cây trồng, vật nuôi… để bà con chủ động sản xuất.

Bên cạnh đó, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tiếp tục rà soát diện tích chuyển đổi; hướng dẫn bà con chủ động phòng ngừa dịch bệnh, quản lý tốt môi trường ao nuôi. Theo dõi mô hình QCCT - KH sử dụng vi sinh, thực hiện chuỗi liên kết ở các xã. Khuyến khích người nuôi trồng thủy sản bám sát lịch thời vụ thả giống; chủ động sản xuất trong tình hình thời tiết diễn biến phức tạp. Phối hợp với UBND các xã: Định Thành, An Phúc, Long Điền Đông… thường xuyên theo dõi quá trình thu mua tôm của Công ty TNHH MTV Chế biến thủy hải sản Xuất nhập khẩu Thiên Phú và Công ty Cổ phần Tôm miền Nam. Đẩy mạnh thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư mở rộng diện tích sản xuất theo chuỗi liên kết nuôi tôm ở các xã, thị trấn. Triển khai, nhân rộng mô hình nuôi tôm QCCT - KH sử dụng vi sinh ở các xã. Thường xuyên theo dõi việc triển khai nạo vét kênh cấp III vượt cấp theo kế hoạch năm 2019 nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất.

Đặc biệt, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế biển gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; thực hiện Nghị quyết số 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về xây dựng Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển, phấn đấu từng bước đạt các tiêu chí để huyện trở thành thị xã. Thường xuyên theo dõi diễn biến bất thường của thời tiết (bão, áp thấp nhiệt đới, vùng có điều kiện thời tiết xấu) những tháng cuối năm; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng nắm chắc diễn biến tình hình an ninh trên biển để kịp thời chỉ đạo và đề xuất các giải pháp phù hợp hỗ trợ ngư dân yên tâm khai thác trên biển...

Hoàng Bảo

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.