Liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản: Những tín hiệu vui

Thứ Hai, 30/09/2019 | 17:17

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Sau 7 năm thực hiện hình thức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, sản lượng lúa tăng chưa nhiều. Vì vậy, ngành chức năng cần chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới đề nông dân áp dụng vào sản xuất.

Cùng với đó, các cấp chính quyền cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và nông dân thực hiện mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản. Cần có những chính sách hỗ trợ HTX thiết thực hơn, từng bước xây dựng nhiều HTX lớn, đủ mạnh để thực hiện tốt việc liên kết bao tiêu sản phẩm với nông dân.

Tiếp tục ưu tiên nguồn vốn để kiện toàn hệ thống ô đê bao khép kín; quan tâm chọn lọc, nâng cao chất lượng lúa giống, ưu tiên giống lúa sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các điểm sản xuất giống lúa chất lượng cao, có hiệu quả và nhân rộng trong nông dân.

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung (thứ hai từ phải sang) trao đổi với HTX Nông nghiệp Vĩnh Cường về việc bao tiêu lúa cho nông dân.

Thương lái thu mua lúa của nông dân huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: M.Đ

Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã vận động, liên kết nông dân thành lập các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) và kêu gọi các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nhiều mô hình cánh đồng lớn (CĐL) liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản được hình thành.

Từ năm 2012 - 2019, toàn tỉnh đã xây dựng 26 CĐL với diện tích 50.000ha lúa. Trong đó, huyện Vĩnh Lợi có 6 CĐL gồm 6.600ha; huyện Hồng Dân có 5 CĐL với hơn 5.700ha; huyện Phước Long có 8 CĐL với hơn 21.600ha; huyện Hòa Bình 6 CĐL với hơn 15.700 ha; TX. Giá Rai 1 CĐL với 330ha.

Đi đầu trong việc liên kết sản xuất thực hiện chuỗi giá trị bao tiêu nông sản là huyện Hòa Bình. Trong 3 năm (từ 2016 - 2018), huyện đã kêu gọi các THT, HTX, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài huyện ký kết hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân với gần 30.000ha (ở các vụ lúa).

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình: “Huyện đã chuyển đổi phương thức sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm trong nông nghiệp; mời gọi các công ty, doanh nghiệp, HTX liên kết sản xuất, bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa nông dân với HTX; giữa HTX với các công ty, doanh nghiệp. Từng bước nhân rộng các mô hình CĐL, đẩy mạnh thành lập THT, HTX để thực hiện chuỗi liên kết bao tiêu nông sản cho nông dân”.

Còn Phước Long - huyện nông thôn mới, đã đầu tư xây dựng 28 trạm bơm nước, 27 ô đê bao khép kín gắn với các CĐL với tổng diện tích hơn 3.734ha. Ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện Phước Long, cho biết: “Các mô hình liên kết thực hiện chuỗi giá trị của các THT, HTX gắn với xây dựng CĐL trong các ô đê bao khép kín đạt hiệu quả rất cao. Nông dân đã từng bước chủ động sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu lớn để các HTX, công ty, doanh nghiệp thuận tiện bao tiêu nông sản”.

Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 30 cá nhân, THT, HTX, công ty và doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu lúa cho nông dân, như HTX Nông nghiệp Vĩnh Cường (huyện Hòa Bình), Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc (huyện Hồng Dân), Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp tỉnh...

Anh Trịnh Vĩnh Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Vĩnh Cường, cho biết: “HTX Nông nghiệp Vĩnh Cường xây dựng HTX kiểu mới. Không chỉ bao tiêu lúa, mà HTX còn cung ứng lúa giống, vật tư nông nghiệp, dịch vụ tiêu thụ lúa, dịch vụ gặt đập với tổng diện tích 6.000ha. HTX thu mua lúa của thành viên và nông dân để bán lại cho các công ty xuất khẩu gạo tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL. Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã đem lại lợi ích cho HTX cũng như nông dân, góp phần giảm nhiều khâu trung gian, giảm chi phí, hạ giá thành, tăng giá trị sản phẩm”.

Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc cũng là một trong những đơn vị hợp đồng bao tiêu sản lượng lúa khá lớn cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2013 - 2018, Công ty đã xây dựng vùng lúa nguyên liệu và bao tiêu hơn 53.600ha lúa cho nông dân. Công ty có kho chứa lúa 40.000 tấn nên còn thực hiện việc ký gửi lúa cho nông dân hoặc doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, năm 2020 tỉnh sẽ xây dựng thêm 10 CĐL, liên kết bao tiêu 26.000ha, nâng tổng số toàn tỉnh có 36 CĐL với tổng diện tích liên kết sản xuất, bao tiêu 76.000ha lúa. Đồng thời, thành lập mới 15 HTX gắn với các CĐL để đại diện nông dân ký kết với các doanh nghiệp bao tiêu lúa cho nông dân.

Ông Trịnh Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, khẳng định: “Diện tích CĐL tuy chưa đạt như mong muốn, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng là nâng cao nhận thức của người nông dân, giúp họ thấy được lợi ích của việc liên kết sản xuất, bao tiêu lúa gạo. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình CĐL, mở rộng liên kết sản xuất, tăng diện tích CĐL để việc thực hiện chuỗi giá trị liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm ngày càng hiệu quả, nâng cao đời sống nông dân”.

MINH CHÂU

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.