Ngành Nông nghiệp: Phát triển bền vững, thân thiện với môi trường

Thứ Hai, 22/02/2021 | 14:12

Có thể nói, lĩnh vực nông nghiệp ngày càng phát triển và khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Bởi, tăng trưởng nông nghiệp một cách bền vững không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn nâng cao và cải thiện chất lượng cuộc sống của nông dân trong sự phát triển mạnh mẽ của các ngành khác. Do đó, chung tay phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong bối cảnh hiện nay.

Nông dân huyện Phước Long thu hoạch lúa trên đất luân canh tôm - lúa.

NHIỀU THÁCH THỨC

Nếu như khoảng 10 năm trước, cụm từ “biến đổi khí hậu” (BĐKH), “nước biển dâng”, “hạn mặn”… còn lạ lẫm với người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và Bạc Liêu nói riêng, thì nay, những tác động của nó đã và đang hiện hữu khiến nhiều người dân đứng ngồi không yên. Hiện tượng thời tiết bất lợi với chu kỳ thường xuyên và quy mô lớn đã kéo theo tình hình dịch bệnh xuất hiện trên cây trồng, vật nuôi phức tạp hơn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Theo dự báo, nguồn nước phục vụ sản xuất trong năm 2021 có khả năng bị thiếu hụt, nguy cơ xảy ra tình trạng hạn, mặn như trong vụ đông xuân năm 2020 là rất cao. Ông Lê Hoàng Duyên (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp và khó đoán khiến cho sản xuất nông nghiệp của nông dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc xác định thời điểm xuống giống và tốn nhiều công chăm sóc, vốn đầu tư ban đầu vụ sau thường cao hơn vụ trước, trong khi giá cả các mặt hàng nông sản luôn biến động nên lợi nhuận cũng vì vậy mà bấp bênh”.

Nhìn tổng thể, ngành Nông nghiệp tỉnh vẫn còn trong tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, quy mô nông hộ là chính, chưa chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thiếu sự gắn kết giữa sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ, hiệu quả sản xuất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và nền kinh tế còn thấp. Mặt khác, sự biến động về giá do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 cũng có tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất chung của tỉnh. Không chỉ vậy, BĐKH với hiện tượng nắng nóng kéo dài, mưa bão liên tục còn tác động trực tiếp tới sự sinh trưởng, phát triển của đàn gia súc, gia cầm, làm giảm hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, khiến phát sinh một số dịch bệnh.

Trình diễn máy sạ lúa theo khóm trên vùng chuyển đổi tôm - lúa ở huyện Hồng Dân. Ảnh: C.L

THAY ĐỔI ĐỂ THÍCH ỨNG

BĐKH không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sao cho hài hòa và thuận với thiên nhiên; tổ chức, sắp xếp lại không gian phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Từ khi Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH ra đời (năm 2017), đây được xem là chính sách đòn bẩy giúp ĐBSCL nói chung, Bạc Liêu nói riêng định vị lại sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tổ chức lại sản xuất nông nghiệp một cách hợp lý và bền vững hơn. Điều đáng nói, Nghị quyết còn mang tính “đột phá mạnh” về tư duy chiến lược chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tạo thế liên kết vững chắc giữa các tỉnh trong vùng, tiểu vùng, chủ động hơn trong việc “sống chung với hạn mặn”, ứng phó tốt hơn với BĐKH.

Thực hiện nghị quyết của Chính phủ, thời gian qua, Bạc Liêu rất quan tâm và đang nỗ lực giảm thiểu những tác động của BĐKH đến sản xuất nông nghiệp, xây dựng kế hoạch hành động trong nông nghiệp để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, giảm sử dụng các hóa chất độc hại. Trong đó, ngành Nông nghiệp đã đưa ra các sáng kiến nhằm hiện đại hóa nền nông nghiệp thân thiện với môi trường; khuyến khích và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là huy động mọi nguồn lực để nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và phổ biến thông tin, tạo điều kiện cho phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.

Song song đó, triển khai có hiệu quả các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tập trung hướng dẫn nông dân sản xuất liên kết, xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, hữu cơ. Trong thời gian tới, những chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp sẽ tiếp tục được tỉnh quan tâm, đồng thời tăng cường áp dụng công nghệ tiến bộ vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó chú trọng đến hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp theo chuẩn quốc tế. Đây sẽ là khâu đột phá để tạo ra nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung chỉ đạo quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, phù hợp với khả năng, nguồn lực đầu tư và phương thức sản xuất của các chủ thể tham gia sản xuất. Cụ thể, hình thành 3 vùng sản xuất: vùng ưu tiên cho nông dân sản xuất theo kiểu nông hộ, trong cánh đồng mẫu lớn, có sự hỗ trợ và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn theo các chương trình khuyến nông; vùng sản xuất hàng hóa dành cho những người nông dân có khả năng về vốn, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất, có khát vọng vươn lên làm giàu. Ngành cũng sẽ quan tâm chỉ đạo và có chính sách ưu đãi đặc biệt để phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đầu tư kết cấu hạ tầng và giải quyết các điều kiện thiết yếu cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, là nhân tố quan trọng bảo đảm và thúc đẩy tiến trình xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả bền vững”.

Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung theo hướng hữu cơ là chủ trương đúng đắn và phù hợp với xu thế hiện nay, vì vậy rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển nông nghiệp một cách bền vững.

SONG NGUYÊN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.