Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi: Tiếp sức cho nông dân làm giàu

Thứ Sáu, 11/10/2019 | 16:33

Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SX-KDG), đoàn kết giúp nhau vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng luôn được các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo thực hiện. Phong trào này tạo động lực, giúp hội viên, nông dân thi đua sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao cuộc sống.

Bà Lê Thanh Giang, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh (bìa phải) thăm và động viên hội viên, nông dân xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ

Trong 3 năm qua (2016 - 2018), các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tuyên truyền, phát động hội viên, nông dân thực hiện phong trào Nông dân thi đua SX-KDG hơn 10.000 cuộc, với 229.096 lượt hội viên, nông dân tham dự; và có 203.858 hộ đăng ký thực hiện phong trào. Qua đó, các cấp Hội Nông dân đã bình xét và công nhận 113.612 hộ nông dân SX-KDG các cấp. Trong đó, nông dân SX-KDG cấp Trung ương là 458 hộ, cấp tỉnh là 5.906 hộ; cấp huyện là 21.516 hộ, cấp cơ sở là 85.732 hộ.

Để tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế gia đình, các cấp Hội có nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Theo đó, đã có 28.329 hộ nông dân vay vốn với số tiền hơn 1.772 tỷ đồng. Ngoài ra, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh còn đầu tư 54 dự án gồm 478 hộ vay với số tiền 13 tỷ đồng. Các chi hội nông dân trong tỉnh còn thành lập 513 tổ hùn vốn, tổ tiết kiệm với số tiền hơn 2 tỷ đồng cho hội viên, nông dân mượn vốn…

Mô hình nuôi dê của nông dân huyện Đông Hải. Ảnh: L.D

Các cấp Hội cũng đã phối hợp với các ngành chức năng trong tỉnh mở lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân ứng dụng vào sản xuất. Hỗ trợ nông dân cây, con giống, thức ăn, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, bao tiêu nông sản... Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang tính bền vững, hiệu quả kinh tế cao.

Đơn cử như mô hình tôm - lúa - cá của hộ ông Tăng Văn Dũng (xã Phước Long, huyện Phước Long) lợi nhuận 260 triệu đồng/ha/năm. Còn hộ ông Trương Công Đạt (thị trấn Phước Long, huyện Phước Long) áp dụng mô hình tôm - lúa - cá sấu - cá bống tượng cho thu nhập trên 500 triệu đồng/ha/năm. Hay mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) kết hợp được nông dân ở một số xã của huyện Phước Long, TX. Giá Rai, huyện Vĩnh Lợi áp dụng cho thu nhập từ 200 - 500 triệu đồng/ha/năm. Nhiều hộ nông dân vừa trồng lúa vừa kết hợp với kinh doanh dịch vụ (như dịch vụ máy cày, máy gặt đập liên hợp, lò sấy lúa) cho thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng/năm…

Đồng hành cùng nông dân, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong hội viên, nông dân về sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ; đưa nông dân tham quan học hỏi các mô hình sản xuất hiệu quả; thành lập các câu lạc bộ, tổ hợp tác để hội viên, nông dân chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các sở, ngành, các doanh nghiệp tranh thủ về vốn, vật tư, tư vấn kỹ thuật nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân, thúc đẩy phát triển sản xuất. Củng cố, nâng chất, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trong các cánh đồng mẫu lớn; hình thành vùng lúa, vùng tôm nguyên liệu để các công ty, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân được đầu tư đầu vào, bao tiêu đầu ra cho nông sản.

Bà Lê Thanh Giang, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: “Từ phong trào Nông dân thi đua SX-KDG đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững, hướng đến sản xuất hữu cơ và liên kết theo chuỗi. Từ đó, giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Minh Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.