Quyết liệt phòng chống ngập úng, bảo vệ sản xuất

Thứ Sáu, 23/10/2020 | 14:52

Do ảnh hưởng hoàn lưu các cơn bão, mưa liên tục đã làm cho hàng ngàn héc-ta lúa hè thu trong giai đoạn thu hoạch bị thiệt hại nặng và nhiều diện tích lúa thu đông vừa xuống giống bị ngập úng. Trước tình hình trên, lãnh đạo tỉnh đã đi khảo sát thực tế tại các địa phương và đưa ra nhiều giải pháp khắc phục.

Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng (bìa phải) khảo sát tình hình lúa bị ngập úng ở huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: M.Đ

Sau khi đi các điểm kiểm tra thực tế, Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng chỉ đạo: Ngành Nông nghiệp nhanh chóng tìm giải pháp để mở các cống tháo nước chống ngập. Những diện tích lúa còn thu hoạch được thì các địa phương vận động người dân nhanh chóng bắt tay thu hoạch. Đồng thời, cùng các địa phương thống kê cụ thể diện tích bị thiệt hại để báo cáo UBND tỉnh đề xuất Chính phủ hỗ trợ cho nông dân…

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung (bìa trái) khảo sát việc mở cống Hộ Phòng (TX. Giá Rai) tiêu nước chống ngập.

ƯU TIÊN XẢ NƯỚC CHỐNG NGẬP

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, đến nay tổng diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái bị ngập úng là hơn 24.000ha; trong đó diện tích bị thiệt hại gần 12.400ha. Huyện Vĩnh Lợi là địa phương bị thiệt hại nhiều nhất với hơn 10.600ha. Riêng huyện Hòa Bình có gần 6.200ha lúa thu đông vừa xuống giống bị thiệt hại do ngập úng. Nhiều cánh đồng ngập sâu, trong khi mực nước dưới kênh khá cao nên việc bơm tát gặp rất nhiều khó khăn. Ngành NN&PTNT tỉnh cùng các địa phương đang triển khai các biện pháp mở các cống xổ nước chống ngập…

Về sản xuất thủy sản, theo thống kê, các địa phương như Hòa Bình, Đông Hải, TP. Bạc Liêu chưa có thiệt hại. Song, do mưa liên tục nên một số nơi xảy ra hiện tượng tôm bỏ ăn; một số diện tích được người dân thu hoạch sớm để tránh thiệt hại. Mặt khác, mưa giông, lốc xoáy đã làm 9 căn nhà bị tốc mái, thiệt hại hơn 73 triệu đồng.

Hệ thống cống ở địa bàn TX. Giá Rai vận hành để tiêu nước chống ngập.

Trước tình hình trên, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đi khảo sát thực tế tại các địa phương, đồng thời chỉ đạo ngành Nông nghiệp mở toàn bộ các cống xổ nước ra để chống ngập. Đặc biệt, tại cuộc họp khẩn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung cho rằng, giải pháp ưu tiên số một phải thực hiện hiện nay là tiêu thoát nước, vận hành mở toàn bộ hệ thống cống để đẩy nước ra. Trong nội bộ từng ô đê bao khép kín thì bơm nước quyết liệt. Xác định nơi nào cứu được lúa thì dồn sức, tập trung huy động máy móc bơm tát; đồng thời tập trung hỗ trợ người dân thu hoạch lúa. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tính lại lịch thời vụ cụ thể cho người dân ở từng khu vực, nếu thấy trễ thì vận động nông dân cắt vụ, tập trung cải tạo đồng ruộng sản xuất 2 vụ ăn chắc…

Hiện nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố đang thực hiện quyết liệt các biện pháp chống ngập trên địa bàn. Theo đó, vận hành các cống phân ranh; huy động các trạm bơm, máy bơm tại các ô thủy lợi để bơm tát tiêu úng cho từng tiểu vùng; vận động nông dân ngưng xuống giống, chủ động bảo vệ sản xuất...

Trạm bơm ô đê bao khép kín vận hành 24/24 tháo xổ nước chống ngập.

SẢN XUẤT 2 VỤ ĂN CHẮC

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Theo lịch thời vụ, chậm nhất nông dân phải sạ dứt điểm vụ lúa thu đông vào cuối tháng 10. Nhưng trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp khuyến cáo những nơi không đủ điều kiện, địa phương cần vận động nông dân bỏ vụ thu đông, sản xuất 2 vụ ăn chắc.

Theo ông Lê Văn Tần - Chủ tịch UBND huyện Phước Long, để đảm bảo sản xuất 2 vụ lúa ăn chắc, huyện đã vận động nông dân bỏ sản xuất vụ thu đông, chỉ sản xuất vụ hè thu sớm và đông xuân sớm.

Cánh đồng hè thu ở Phường 8 (TP. Bạc Liêu) bông lúa ngập sâu trong nước và nảy mầm.

Hiện nay, các địa phương đang phối hợp với Sở NN&PTNT triển khai quyết liệt phương án bảo vệ sản xuất, phương án điều tiết nước để hạn chế ngập úng đối với diện tích sản xuất lúa; huy động lực lượng xuống địa bàn giúp dân nhằm giảm thiệt hại đối với lúa bị ngập úng.

Về lịch thời vụ, Sở NN&PTNT khuyến cáo: Ở những vùng có điều kiện bơm tát, sau khi nước rút thì đề nghị tiến hành xuống giống hoặc sạ lại vụ thu đông dứt điểm trước ngày 5/11/2020 để đảm bảo vụ lúa đông xuân 2020 - 2021 thu hoạch dứt điểm trong đầu tháng 5/2021, tránh tình trạng thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn ở cuối vụ. Chú ý những vùng làm 3 vụ lúa/năm thường thiếu nước ngọt, dễ xâm nhập mặn trong vụ đông xuân như vùng ven Quốc lộ 1A, vùng giáp ranh mặn ở huyện Phước Long, TX. Giá Rai, nên bỏ vụ thu đông, tiến hành xuống giống vụ đông xuân sớm vào khoảng đầu tháng 12/2020.

MINH ĐẠT

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.