Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Tăng cường quản lý việc gây nuôi động vật hoang dã
Cùng với khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân và các chủ cơ sở gây nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) trên địa bàn tỉnh phát triển, việc quản lý gây nuôi ĐVHD luôn được các ngành chức năng trong tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý gây nuôi ĐVHD vẫn còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế, cần sớm được khắc phục.
Anh Lê Văn Dự (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long) kiểm tra sự tăng trưởng của đàn rắn nuôi.
Mô hình nuôi cua đinh của người dân huyện Vĩnh Lợi.
Mô hình nuôi cá sấu ở huyện Phước Long. Ảnh: C.L, M.Đ
Toàn tỉnh hiện có 2.433 cơ sở và trại nuôi sinh sản, sinh trưởng ĐVHD được cấp phép, với các loài phổ biến như: cá sấu, nhím, rắn, trăn, heo rừng, cua đinh, ba ba, kỳ đà, gấu… Thời gian qua, nhiều địa phương cùng các cơ quan chức năng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, hộ gia đình đăng ký gây nuôi sinh sản, sinh trưởng các loài ĐVHD, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình, giảm áp lực săn bắt các loài ĐVHD trong tự nhiên.
Song, bên cạnh đó vẫn còn không ít hộ chăn nuôi ĐVHD chưa tuân thủ quy định của pháp luật về nuôi ÐVHD như chưa khai báo tăng, giảm số lượng cá thể nuôi. Mặt khác, việc sử dụng các sản phẩm của ĐVHD làm thực phẩm không có nguồn gốc hợp pháp tại các nhà hàng, quán ăn vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi; hoạt động mua bán, vận chuyển ĐVHD và các sản phẩm trái pháp luật thường diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi, gây khó khăn cho công tác quản lý ĐVHD.
Ông Đặng Văn Xê, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lợi, cho biết: “Hiện nay, việc quản lý gây nuôi ĐVHD trên địa bàn gặp khá nhiều khó khăn do bà con chỉ nuôi nhỏ lẻ, tự phát. Chỉ khi vật nuôi bị bệnh hoặc gặp khó khăn về đầu ra thì bà con mới nhờ đến cơ quan chuyên môn hỗ trợ”.
Anh Lê Văn Dự (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long) chia sẻ: “Để tăng thêm thu nhập cho gia đình, mấy năm nay tôi xây chuồng để nuôi rắn thương phẩm. Lúc mới nuôi tôi có trình báo với chính quyền địa phương. Tôi cứ tưởng vậy là xong thủ tục, chứ đâu biết phải làm thêm giấy đăng ký chuồng trại, đảm bảo vệ sinh môi trường mới được nuôi…”.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh: “Để khắc phục những bất cập, tồn tại trên, các địa phương cần tăng cường hướng dẫn người dân thực hiện đúng các quy định về gây nuôi đối với các loại ĐVHD. Đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể, nắm chi tiết từng hộ nuôi để khi có biến động về đàn hoặc có sự cố xảy ra thì kịp thời hỗ trợ người dân, từ đó, làm cơ sở định hướng sản xuất bền vững”.
Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp cùng ngành chức năng và chính quyền các địa phương tổ chức hướng dẫn các cơ sở, hộ dân gây nuôi ÐVHD hoàn thiện khâu xử lý nước thải, chất thải theo quy định; tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát việc gây nuôi ÐVHD nhằm ngăn ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Đồng thời chỉ đạo các Hạt kiểm lâm thường xuyên phối hợp với các ngành, Hội, đoàn thể ở địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người dân các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước về quản lý, bảo vệ ĐVHD. Vận động cán bộ, công chức và nhân dân không sử dụng các sản phẩm ĐVHD không có nguồn gốc hợp pháp; vận động nhân dân tự giao nộp ĐVHD bắt được và thả về với môi trường tự nhiên hoặc chuyển giao Trung tâm cứu hộ ĐVHD để chăm sóc cứu chữa các cá thể bị thương trước khi thả về tự nhiên. Tăng cường hoạt động kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hành vi săn bắt, vận chuyển trái phép các loài ÐVHD; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo, nuôi nhốt, kinh doanh, sử dụng trái phép các loài ÐVHD và sản phẩm, mẫu vật của các loài ÐVHD.
Khôi Nguyên
--------------------------------------
Thủ tục xin cấp phép nuôi sinh sản ĐVHD
- Thời gian xin cấp phép nuôi sinh sản ĐVHD quý hiếm là 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ.
- Hồ sơ xin cấp phép nuôi sinh sản ĐVHD quý hiếm gồm: Văn bản đề nghị xin cấp giấy phép nuôi sinh sản ĐVHD quý hiếm; tài liệu chứng minh các con giống đó được đánh bắt hợp pháp theo quy định hiện hành, hoặc nếu nhập khẩu thì phải chứng minh được việc nhập khẩu đó phù hợp với các quy định của Công ước CITES và luật pháp quốc gia; bản đánh giá nhu cầu và nguồn cung cấp mẫu vật để tăng cường nguồn giống sinh sản nhằm phát triển nguồn gen.
- Mô tả cơ sở hạ tầng của trại nuôi: Diện tích, công nghệ chăn nuôi, cung cấp thức ăn, khả năng thú y, vệ sinh môi trường và cách thức lưu trữ thông tin, giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người xin phép.
- Khánh thành cầu giao thông nông thôn và tặng quà Tết cho gia đình chính sách huyện Đông Hải
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Họp mặt kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
- Khánh thành trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
- Huyện Hòa Bình: Gần 200 học sinh tham gia Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” năm học 2024 - 2025
- Giải Vô địch Cử tạ thanh thiếu niên và Vô địch Cử tạ trẻ châu Á năm 2024: Vận động viên Thạch Hoàng Sang của Bạc Liêu đoạt 3 huy chương