Tạo sức bật mới cho lúa Tài nguyên Vĩnh Lợi

Thứ Hai, 05/09/2022 | 14:44

Với điều kiện sinh thái và thổ nhưỡng đặc thù, vùng đất Bạc Liêu đã sản sinh ra nhiều đặc sản. Trong đó, lúa Tài nguyên Vĩnh Lợi là một trong những đặc sản khá điển hình. Với xu thế hội nhập, cạnh tranh về chất lượng, thương hiệu như hiện nay, việc chọn ra một sản phẩm mang thương hiệu Bạc Liêu không chỉ là nhu cầu để quảng bá hình ảnh, mà còn tác động tích cực đến phát triển của ngành Du lịch.

Nông dân huyện Vĩnh Lợi thu hoạch lúa Tài nguyên.

CẦN BẢO TỒN

Có thể nói, lúa Tài nguyên Vĩnh Lợi là một đặc sản được trồng và phát triển hơn 40 năm qua, chủ yếu canh tác ở các xã Châu Hưng A, Hưng Thành, Hưng Hội, Châu Thới và thị trấn Châu Hưng.

Trong thời gian qua, tuy có nhiều giống lúa mùa đã được thay thế hoàn toàn bằng giống lúa ngắn ngày, nhưng riêng giống lúa Tài nguyên vẫn được nông dân huyện Vĩnh Lợi duy trì sản xuất ổn định đến nay với diện tích khoảng 4.500ha. Với đặc điểm vượt trội là năng suất cao, ổn định, dễ tiêu thụ, giá bán tương đối cao nên diện tích sản xuất lúa Tài nguyên cơ bản được giữ vững.

Trong những năm qua, lúa Tài nguyên không ngừng được huyện Vĩnh Lợi quan tâm đầu tư nâng chất và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất. Đơn cử như năm 2007 - 2008, đã thực hiện một đề tài nghiên cứu cấp tỉnh về ảnh hưởng của mật độ cấy, thời điểm cấy và sử dụng hoạt chất Paclobutrazol đến năng suất và chất lượng gạo Tài nguyên; năm 2010 lúa Tài nguyên được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể với tên Gạo Tài nguyên VL, Bạc Liêu; năm 2016 huyện đã chuyển giao giống lúa Tài nguyên cấp xác nhận để nhân giống trong cộng đồng (nguồn giống phục tráng từ Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long)…

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, việc chạy theo số lượng và lạm dụng các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng nguyên bản của lúa Tài nguyên gốc. Đó là mùi ít thơm và không còn mềm dẻo cơm như trước đây.

Xuất phát từ thực trạng này, việc bảo tồn và phát triển giống lúa mùa đặc sản Tài nguyên Vĩnh Lợi không chỉ được xem là nhiệm vụ quan trọng của huyện, mà còn của cả tỉnh Bạc Liêu. Nhiệm vụ chủ yếu trong việc bảo tồn và phát triển lúa đặc sản Tài nguyên là: cải thiện chất lượng gạo để có phẩm chất như gạo Tài nguyên gốc trước đây; xây dựng và được chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo Tài nguyên; đánh giá chuỗi giá trị ngành hàng gạo Tài nguyên để đề xuất các giải pháp tác động nâng cao giá trị…

Giải quyết tốt các vấn đề cơ bản này, Bạc Liêu ngoài “cứu” lấy một giống lúa đặc sản mang thương hiệu Bạc Liêu, còn mở ra cơ hội cho hạt gạo Bạc Liêu tự mang cho mình thương hiệu Bạc Liêu thay vì các giống lúa sản xuất tại Bạc Liêu mang thương hiệu ST?! Mặt khác, góp phần phát huy giá trị thương hiệu cho sản phẩm này, bởi lúa Tài nguyên Vĩnh Lợi đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp thương hiệu từ năm 2010 với diện tích khoảng 9.000ha, tập trung ở 5 xã, thị trấn.

Thế nhưng, từ khi có thương hiệu đến nay, giá bán lúa Tài nguyên trên thị trường không những không cải thiện, mà còn giảm. Thực trạng là thế, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để giúp cải thiện giá lúa Tài nguyên trên thị trường. Một số nguyên nhân được chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn và người dân chỉ ra là: cơm nấu từ gạo Tài nguyên hiện nay ít thơm và không mềm như Tài nguyên gốc trước đây; tổ chức sản xuất không tập trung, thiếu liên kết trong tiêu thụ nên khó nâng cao giá bán gạo Tài nguyên; trong các khâu chế biến, tiêu thụ gạo Tài nguyên chưa được nghiên cứu, theo dõi về đối tượng người tiêu dùng ở đâu và sử dụng vào mục đích như thế nào…

Từ những bất cập trên, thiết nghĩ tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo tồn và phát triển bền vững sản phẩm lúa Tài nguyên Vĩnh Lợi.

Quảng bá gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi tại Hội chợ Thương mại và Du lịch. Ảnh: K.T

TRẢ LẠI NGUYÊN BẢN

Với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị mang lại từ hạt lúa, đồng thời hướng đến xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm lúa gạo mang tên “Công tử Bạc Liêu”, UBND huyện Vĩnh Lợi đã mời Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp Bạc Liêu (gọi tắt là Công ty) đầu tư xây dựng quy trình và nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi theo mô hình sản xuất liên kết chuỗi khép kín. Theo đó, Công ty sẽ đưa ra quy trình sản xuất hữu cơ theo hướng sạch, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao và trả lại nguyên bản của lúa Tài nguyên.

Để khuyến khích nông dân sản xuất theo quy trình này, Công ty sẽ đầu tư toàn bộ vật tư nông nghiệp, lúa giống và cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho nông dân trong suốt quá trình sản xuất cho đến khi thu hoạch và bao tiêu sản phẩm; đặc biệt sản phẩm được Công ty bao tiêu cao hơn giá thị trường từ 200 - 500 đồng/kg.

Bên cạnh đó, nhằm tạo thêm động lực và hướng nông dân vào sản xuất hàng hóa lớn, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn gắn với thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, Công ty sẽ phối hợp với các địa phương thành lập 20 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở các xã, thị trấn và xem đây là động lực quan trọng trong phát triển tam nông (nông nghiệp - nông dân - nông thôn). Đồng thời, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Theo ông Trần Minh Hải - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi: “Để phát huy giá trị lúa gạo Tài nguyên, cùng với xây dựng chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhà máy chế biến gạo, Vĩnh Lợi cũng đang xây dựng thương hiệu gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi mang tên Công tử Bạc Liêu cho phát triển du lịch”.

Với những định hướng chiến lược này, tin rằng lúa tạo Tài nguyên Vĩnh Lợi sẽ tạo ra sức bật mới và trở lại thời vàng son.

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.