Tôm rớt giá, nông dân gặp khó

Thứ Sáu, 03/04/2020 | 17:16

Dịch bệnh COVID-19 đã và đang tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất của người dân cả nước nói chung và ở Bạc Liêu nói riêng, nhất là việc các mặt hàng nông, thủy sản hiện nay không tìm được đầu ra ổn định. Tôm rớt giá, người nuôi không có lãi, nhiều hộ đã phải "treo" ao, chờ giá.

Một số hộ "treo" ao (không nuôi tôm) do tôm rớt giá.

Gần một tháng nay, giá tôm giảm kỷ lục, thậm chí có nơi bán một ký tôm không mua được một ký thịt. Đó là thực trạng đáng buồn với nhiều người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.

Theo bà con nông dân, chưa bao giờ trong thời gian ngắn mà giá tôm giảm mạnh như hiện nay - chỉ hơn một tuần, giá tôm giảm 50%. Trước tết Nguyên đán 2020, giá tôm sú (loại 30 con/kg) là 300.000 đồng/kg, thì nay thương lái mua 130.000 - 150.000 đồng/kg, giảm khoảng 50%. Nếu so với cùng kỳ năm trước thì giá tôm sú (tùy loại) giảm từ 100.000 - 150.000 đồng/kg. Còn giá tôm thẻ chân trắng nuôi ao phủ bạt (loại 100 con/kg) hiện nay chỉ từ 75.000 - 80.000 đồng/kg (giảm gần 25.000 đồng/kg).

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra độ mặn khu vực nuôi tôm xã Phước Long (huyện Phước Long).

Trong khi giá tôm giống, giá vật tư thủy sản, giá nhân công tăng nhưng giá tôm lại giảm sâu khiến cho các hộ nuôi tôm lao đao. Anh Lê Thanh Tiện (ấp 16, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) đầu tư hơn 500 triệu đồng để nuôi 4 ao tôm. Do nắng nóng, độ mặn tăng nên 3 ao tôm nuôi chết, chỉ còn 1 ao, nhưng tôm lại rớt giá. Tính ra, vụ tôm nuôi này, anh Tiện lỗ hơn 300 triệu đồng.

Bên cạnh giá tôm giảm mạnh, thời điểm này chuẩn bị bước vào vụ tôm chính nhưng do kênh mương bị bồi lắng, việc lấy nước nuôi tôm gặp khó khăn, vì vậy một số hộ ở xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình) có khả năng "treo" ao. Tính đến cuối tháng 3/2020, bà con nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã xuống giống 115.572ha và đã có hơn 1.800ha tôm nuôi bị thiệt hại.

Nông dân kiểm tra tôm giống trước khi mua về thả nuôi. Ảnh: Đ.L

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, người nuôi tôm nên bình tĩnh, làm theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, đó là cải tạo ao đầm để thả giống theo lịch thời vụ được khuyến cáo. Bởi, dịch bệnh rồi sẽ qua, việc xuất khẩu tôm sẽ trở lại bình thường và khả năng giá tôm sẽ tăng trở lại.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên việc xuất khẩu tôm chựng lại, đối tác đề nghị chậm giao hàng. Đây cũng là một nguyên nhân làm giá tôm nguyên liệu sụt giảm. Song, không vì khó khăn mà người nuôi tôm "treo" ao. Theo dự báo, thời gian tới giá tôm sẽ tăng trở lại vì hợp đồng ký kết xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến thủy sản với các đối tác nước ngoài vẫn bình thường. Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan nắm bắt tình hình và đưa ra các khuyến cáo về thời điểm xuống giống, mật độ thả tôm nuôi phù hợp cho bà con”.

Đạt Linh

Trong chuyến công tác kiểm tra sản xuất và nuôi trồng thủy sản tại Bạc Liêu, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam cho rằng: Để giúp bà con nuôi tôm vượt qua khó khăn như hiện nay, tỉnh cần xem xét diễn biến cung, cầu và giá tôm ở thị trường xuất khẩu để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Phát triển các kênh phân phối nhằm đẩy mạnh tiêu thụ tôm thị trường nội địa. Tăng cường xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm tôm ở thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng để thúc đẩy tiêu thụ tôm. Xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm tôm nuôi để phát triển nghề nuôi tôm bền vững; đẩy nhanh tiến độ xây dựng thương hiệu ngành tôm Việt Nam.

-----------------------------------------------------------------------------------

NHỮNG DỰ BÁO LẠC QUAN

Tình hình dịch bệnh COVID-19 của thế giới diễn biến như thế nào và kéo dài bao lâu thì không ai biết chính xác. Tuy nhiên, có một số yếu tố giúp chúng ta duy trì sản xuất nuôi tôm ở một mức độ nào đó trong khi chờ một bức tranh sáng hơn và lạc quan trong tương lai do: Tôm là thực phẩm cơ bản, nó không phải là hàng xa xỉ nên nhu cầu tiêu thụ vẫn có trên thế giới và nội địa trong thời gian tới cho dù dịch bệnh kéo dài. Tình hình chống dịch COVID-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đang có chiều hướng tốt hơn sẽ có thêm hy vọng cho người nuôi và nhà máy chế biến khi đầu ra được tháo gỡ phần nào. Nếu Việt Nam chống dịch thành công thì cũng là cơ hội tăng cường cung ứng hàng hóa thiết yếu như nông sản, thực phẩm cho thế giới, tất nhiên có tôm.

Vì vậy, trên cơ sở đó người nuôi nên tiến hành nuôi rải vụ chứ không thả ồ ạt để đánh giá tình hình. Người nuôi cũng phải có một chút mạo hiểm để sản xuất đón đầu dựa trên phân tích và dự đoán tình hình những tháng tới nếu dịch COVID-19 sẽ được khống chế toàn thế giới, các nước nhập khẩu tôm chính đang thực hiện các gói kích cầu… như vậy nhu cầu tiêu thụ tôm sẽ tăng cao và giá sẽ tăng theo. Người nuôi cần chọn các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm đầu vào chất lượng và uy tín lâu năm, cũng như có dịch vụ hỗ trợ tốt về giải pháp kỹ thuật nuôi. Các hộ nuôi tôm cũng cần đồng lòng không dùng kháng sinh, hóa chất bị cấm để nâng tầm chất lượng hàng Việt Nam, qua đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

M.Đ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.