Ứng phó với biến đổi khí hậu: Xây dựng các mô hình thích ứng “sống chung”

Thứ Hai, 04/01/2021 | 16:46

Với vị trí địa lý giáp biển và nằm cuối nguồn nước ngọt nên Bạc Liêu được xác định là tỉnh chịu tác động trực tiếp từ biến đổi khí hậu (BĐKH), nhất là tình trạng xâm nhập mặn và nước biển dâng. Sự tác động này đã và đang làm ảnh hưởng đến sinh kế của hàng ngàn hộ nông dân và việc nghiên cứu các giải pháp ứng phó được coi là nhu cầu bức thiết cho phát triển bền vững.

Nông dân huyện Hồng Dân trúng tôm càng xanh trên đất lúa.

MẶN LÀ LỢI THẾ

Trong bối cảnh Bạc Liêu chịu tác động trực tiếp của BĐKH, nước biển dâng, việc chủ động thích ứng để “sống chung” đã trở thành vấn đề mang tính sống còn và không thể né tránh. Nếu như trước đây, nhiều địa phương xem nước mặn là thiên tai và triển khai các giải pháp để ứng phó, thì hiện nay nước mặn được xem là lợi thế và được ví như tài nguyên quý giá. Hàng năm, nông dân ở vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A thay nhau đón dòng nước mặn về để thả nuôi con tôm trên đất lúa, vì thu nhập chính của người nông dân ở vùng chuyển đổi sản xuất đều nhờ vào 2 vụ tôm/năm, còn cây lúa chỉ làm một vụ với chức năng tạo ra nguồn thức ăn tự nhiên cho con tôm trên đất lúa.

Xuất phát từ thực tiễn này, trong những năm qua Bạc Liêu đã ra sức thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất mà trọng tâm là chuyển từ sản xuất lúa kém hiệu quả sang phát triển con tôm, với phương châm biến “nguy cơ” thành “thời cơ”, tăng diện tích canh tác trên nền tảng nước lợ và nước mặn, thúc đẩy phát triển bền vững theo hướng gắn kết chuỗi giá trị gia tăng.

Với quan điểm chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất, thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản của tỉnh đã được phát huy và diện tích không ngừng được mở rộng. Như mô hình canh tác tôm - lúa đều tăng qua từng năm về diện tích, năng suất và giá trị gia tăng. Cụ thể năm 2020, diện tích đạt 39.578ha, tăng 10.000ha so với năm 2015 và đây là mô hình phát triển bền vững, lợi nhuận cao hơn 15 - 30% so với độc canh cây lúa.

Các mô hình nuôi tôm phát triển đã góp phần đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh có diện tích và sản lượng nuôi tôm lớn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh là điểm nhấn, tạo bước đột phá trong nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Năm 2020, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh là 25.800ha (tăng 31,41% so với năm 2015); tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác hải sản năm 2020 đạt 400.000 tấn (tăng 34% so với năm 2015 và tăng 8,10% so với mục tiêu Nghị quyết). Trong đó, sản lượng tôm đạt 200.000 tấn (tăng 68,57% so với năm 2015 và tăng 36% so với mục tiêu Nghị quyết). Hiện tỉnh có gần 30 công ty, đơn vị đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, áp dụng công nghệ nhà màng của Israel; công nghệ cho ăn tự động của Úc; công nghệ sinh học xác định tình trạng sức khỏe của tôm và 467 hộ dân nuôi tôm hai giai đoạn với tổng diện tích 2.250ha (tăng gấp 29,6 lần so với năm 2015); sản lượng thu hoạch 47.500 tấn (năng suất bình quân 21,11 tấn/ha).

Với các mô hình trên, Bạc Liêu cũng trở thành địa phương có nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao hàng đầu quốc gia, có thứ hạng cao trong khu vực Đông Nam Á. Hiện Bạc Liêu có 4 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và có 7 đơn vị được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, Bạc Liêu còn là tỉnh đứng đầu khu vực ĐBSCL và cả nước trong sản xuất tôm giống chất lượng cao (chiếm hơn 50% vùng ĐBSCL và khoảng 22% cả nước)…

Tất cả những thành công đó đều bắt nguồn từ việc Bạc Liêu đã khai thác, phát huy tốt nguồn tài nguyên nước mặn và chủ động xây dựng các mô hình thích ứng “sống chung”.

Nông dân huyện Phước Long cấy lúa trên đất tôm.

CẦN LINH HOẠT TRONG ỨNG PHÓ

Khai thác tốt nguồn nước mặn là cần thiết, nhưng với điều kiện sinh thái đặc thù như Bạc Liêu thì việc nghiên cứu các mô hình, giải pháp ứng phó với hạn mặn cũng cần phải linh hoạt và chủ động hơn, nhất là khi độ mặn tăng cao vượt ngưỡng sinh tồn của con tôm, cây lúa và các loại cây trồng, vật nuôi khác.

Thực tiễn trong những năm gần đây cho thấy, hiện tượng thời tiết cực đoan có xu hướng xảy ra nhiều và mạnh hơn, đặc biệt xâm nhập mặn, hạn hán vào mùa khô và đầu mùa mưa diễn biến khá phức tạp. Như vào thời điểm tháng 5/2020, tại các xã Phong Thạnh, Phong Thạnh A (TX. Giá Rai), độ mặn đạt đỉnh 45‰, và vùng Nam Quốc lộ 1A đã có lúc vượt ngưỡng 56‰, thậm chí trong các ao nuôi tôm, độ mặn ngoài kênh cũng vượt hơn 35 - 37‰. Kéo theo đó là hiện tượng tôm chết hàng loạt do độ mặn và nhiệt độ vượt ngưỡng quá sức chịu đựng của tôm. Độ mặn tăng cao còn làm xuất hiện dịch bệnh trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi và có chiều hướng gia tăng phức tạp nhưng chưa có giải pháp kiểm soát hiệu quả, gây thiệt hại không nhỏ cho người sản xuất…

Quan tâm đến vấn đề này, vì theo dự báo tình hình mặn sẽ còn diễn biến phức tạp và độ mặn cũng tiếp tục tăng cao. Theo kịch bản BĐKH ở khu vực ĐBSCL với mức phát thải cao, nhiệt độ trung bình năm có khả năng tăng 1,60C (vào năm 2050) và 3,70C (vào năm 2100), lượng mưa thời kỳ tháng 12 đến tháng 5 đều giảm (tháng 3 đến tháng 5 có mức giảm cao nhất) từ 8% (vào năm 2050) đến 19,6% (vào năm 2100).

Ngược lại, thời kỳ tháng 6 đến tháng 11, lượng mưa đều tăng, cao nhất vào thời kỳ tháng 9 đến tháng 11, tăng 10,6% (vào năm 2050) và tới 26% (vào năm 2100). Mực nước biển dâng 330mm (vào năm 2050) và 621mm (vào năm 2100). Với mức độ tăng nhiệt độ và tan băng vĩnh cửu ở Bắc và Nam cực hiện nay, khả năng mực nước biển tại Việt Nam tăng cao 1m và trên 1m là có thể xảy ra.

Từ cảnh báo trên cho thấy, việc nghiên cứu và xây dựng các mô hình ứng phó với hạn mặn và nước biển dâng cần được khẩn trương. Trong đó, cần ưu tiên cho các công trình, dự án về thủy lợi vốn được xem là giải pháp hàng đầu trong việc ứng phó với hạn mặn ở tỉnh Bạc Liêu hiện nay. Đồng thời, đây cũng là giải pháp mang tính quyết định đến việc giải quyết có hiệu quả trong việc sử dụng, phát huy nguồn nước mặn cung cấp cho phát triển con tôm và ngăn mặn, giữ ngọt cho sự sinh tồn ổn định của cây lúa.

LƯ TRUNG

Nông dân TX. Giá Rai phản ánh độ mặn tăng cao gây thiệt hại trong nuôi tôm. Ảnh: T.A

TS. Nguyễn Xuân Khoa, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoc học - Kỹ thuật Bạc Liêu: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác để giảm các thiệt hại do BĐKH gây ra

Để ứng phó với BĐKH, Bạc Liêu cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác để giúp người nông dân tăng thu nhập, phát triển sản xuất, nhằm làm giảm các thiệt hại do BĐKH gây ra. Cụ thể về chính sách, để nông nghiệp phát triển một cách bền vững và thích ứng với BĐKH, Nhà nước cần tiếp tục cụ thể hóa một số chủ trương, chính sách về đất đai, về kinh tế hợp tác, nhất là HTX, khuyến khích hỗ trợ đăng ký thương hiệu một số mặt hàng nông sản, hỗ trợ một số doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh khi gặp rủi ro do biến động quá nhanh của giá cả thị tường, hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho nông dân - ngư dân một cách bài bản. Hỗ trợ việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất…

Trong phát triển nông nghiệp bền vững, cần ưu tiên sử dụng công nghệ cao (CNC) - là một trong những mục tiêu chính của Chính phủ. Thông qua việc tăng cường phát triển bền vững, Việt Nam có thể duy trì ngành sản xuất nông nghiệp mà không bị tác động bởi môi trường cũng như năng suất tiềm năng trong tương lai. Khi những bước tiến của Việt Nam đều hướng tới sự công nhận của quốc tế thì điều quan trọng là phải giải quyết những vấn đề về môi trường và tính bền vững khi mà đây thường là yêu cầu của các nhà nhập khẩu và cũng được đề cập trong các thỏa thuận như Hiệp định Thương mại tự do FTA.

Song song đó, ứng dụng CNC trong nông nghiệp cũng là giải pháp hết sức hữu hiệu, có giá trị và tác động thay đổi căn cơ nền nông nghiệp, cần được đặc biệt quan tâm và có những chính sách khuyến khích để thúc đẩy phát triển sản xuất một cách xanh - sạch, bền vững hơn. Ngoài việc thực hiện đồng bộ các giải pháp thích ứng BĐKH như trên thì phải tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Bởi ở Bạc Liêu hiện nay chưa có mô hình liên kết chuỗi giá trị đúng nghĩa.

KIM TRUNG (thực hiện)

Kỹ sư Lê Hữu Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu: Tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo các giống cây trồng có khả năng chịu hạn, mặn cao

Nhiều năm qua Bạc Liêu đã gánh chịu những hậu quả nặng nề do BĐKH gây ra. Do nằm ở vị trí tiếp giáp với biển Đông, lại có hệ thống sông ngòi chằng chịt ăn sâu vào nội đồng, cộng với địa hình tương đối thấp, với cao độ phổ biến từ 0,2 - 1,3m so với mực nước biển nên rất dễ bị tác động tiêu cực từ nước biển dâng. Vào mùa khô, kết hợp với mực nước biển dâng có khả năng gây ra tình trạng thiếu nước ngọt và sự xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống người dân.

Thực tiễn cho thấy, tác hại của mặn đối với đất là rất lớn. Khi nước mặn xâm nhập vào ao, mương trong vườn hoặc khi tưới nước mặn vào ruộng lúa sẽ tích tụ các muối hòa tan trong đất (tưới 1.000m3 nước có độ mặn 2‰, sau khi nước rút để lại khoảng 2 tấn muối sẽ làm hư cơ cấu đất). Cường độ của quá trình bốc thoát và quá trình tích tụ của muối trong đất và trong nước gia tăng với độ tiếp xúc của nguồn nước mặn, quá trình tích tụ muối càng tăng ở những nơi khô hạn. Do lượng nước không đủ để rửa trôi các dạng muối dễ hòa tan dẫn đến đất nhiễm mặn.

Đất bị nhiễm mặn gây trở ngại cho sinh trưởng và phát triển cây trồng, gây xáo trộn và mất cân đối sự hấp thu nước và chất dinh dưỡng của cây trồng, mặn gây phá hủy cấu trúc đất, đất bị nén chặt, sự phát triển rễ bị giảm, giảm tính thấm nước và thoát nước, thiếu sự thoáng khí cho vùng rễ. Tác hại của mặn trên cây trồng có thể được xếp vào 3 nhóm chính như: gây thiếu nước, gây thiếu dinh dưỡng và gây ngộ độc.

Khi cây trồng bị thiếu nước (chết khát), muối mặn trong nước làm tăng áp suất thẩm thấu của môi trường nước quanh rễ làm rễ không hấp thụ được nước. Chỉ một thời gian ngắn sau khi bị mặn (thường không quá 1 giờ), cây trồng có triệu chứng thiếu nước. Khi thiếu nước, lá non của lúa cuộn tròn, còn lá già mo lại; còn ở cây ăn trái, thiếu nước làm lá bị mềm và hơi rũ xuống, nếu bị nặng sẽ rụng lá. Thiếu nước làm cho các tiến trình biến dưỡng trong cây bị rối loạn.

Do đó, sau một thời gian bị mặn, cây trồng thể hiện triệu chứng thiếu dinh dưỡng. Dễ thấy nhất là lá bị mất diệp lục tố, vàng đi rồi chết. Sự sinh trưởng của cây bị đình trệ. Triệu chứng này không xảy ra tức thì, thường thì sau vài tuần bị mặn. Nếu độ mặn cao, cây trồng thể hiện triệu chứng ngộ độc trước khi thể hiện triệu chứng thiếu dinh dưỡng.

Cây trồng bị ngộ độc (chết ngộ độc): Sau khi rễ cây hấp thụ muối mặn, muối được đưa lên lá. Ở đây tiến trình thải loại như ứa nước, thoát hơi nước diễn ra làm cho nồng độ muối tăng cao đến ngưỡng gây độc làm chết tế bào, gây cháy lá. Triệu chứng dễ thấy nhất là chóp lá bị cháy khô. Bên cạnh việc ngộ độc trực tiếp do muối, cây trồng còn bị một ngộ độc khác là không giải tán được những chất ôxy hóa mạnh như hydrogen peroxide (H2O2), gốc superoxide (O2-)… Trong điều kiện bị stress mặn, hậu quả là hình thành những gốc độc hydroxyl làm chết tế bào dẫn đến cháy lá. Triệu chứng dễ thấy nhất là những lá già bị chết khô.

Để giải quyết các khó khăn này, cần tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo các giống cây trồng có khả năng chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập úng, và có sức đề kháng sâu bệnh cao.

Về mùa vụ, đối với lúa thì cần giảm diện tích vụ xuân hè vì đây là vụ lúa dễ bị nước mặn xâm nhập làm giảm năng suất và là vụ lúa làm trung gian lưu truyền mầm mống sâu bệnh cho vụ hè thu. Nên chuyển đổi những cây trồng cạn, sử dụng ít nước và những loại cây có khả năng chịu hạn hay chịu ngập úng tốt.

Về kỹ thuật, ngoài việc nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với BĐKH, các quy trình kỹ thuật cũng cần phải được thay đổi hay cải tiến, hoàn thiện nâng cao hiệu quả và tính bền vững của mô hình sản xuất. Chẳng hạn quy trình tưới nước tiết kiệm đối với cây trồng, quy trình chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, quy trình tiết kiệm điện năng trong sưởi ấm gia súc, gia cầm non; tiết kiệm nước trong vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; tận dụng phần gia súc, gia cầm để tạo khí sinh học làm chất đốt hay chạy máy phát điện công suất nhỏ phục vụ lại chăn nuôi...

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu trồng các cây rau, màu trên bờ liếp vuông tôm (trong mùa mưa) để làm thức ăn chăn nuôi. Mở rộng, hoàn thiện mô hình lúa - tôm sú, lúa - tôm càng xanh; đa dạng hóa các loài thủy sản. Nghiên cứu trồng các cây chịu mặn, cây thủy sinh trong vuông tôm như cây năn tượng (hến biển) để vừa cải tạo môi trường vuông nuôi tôm, vừa có thêm nguyên liệu chế biến hàng thủ công mỹ nghệ. Nghiên cứu chế biến rơm, rạ, năn tượng, thân cây bắp, thân lá các cây họ đậu bằng cách nghiền nhỏ, đóng bánh dự trữ làm thức ăn cho gia súc nhai lại trong mùa khô thiếu cỏ…

TÚ ANH (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.