Vật tư nông nghiệp, thủy sản: Kiểm tra là ra... vi phạm

Thứ Hai, 14/09/2020 | 16:51

Với thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, Bạc Liêu được xem là thị trường tiêu thụ lớn để các doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp, thủy sản cung cấp đầu vào. Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Bảo vệ thực vật, chỉ tính riêng nhu cầu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phục vụ cho cây lúa cũng chiếm hơn 1.000 tấn/năm. Vì vậy, chất lượng vật tư nông nghiệp, thủy sản luôn là nỗi lo của người nông dân, vì nó không chỉ liên quan trực tiếp đến lợi nhuận, mà còn là sự phát triển bền vững của môi trường sản xuất.

Nông dân huyện Hồng Dân sử dụng thuốc BVTV chăm sóc lúa. Ảnh: L.D

NHIỀU CƠ SỞ KINH DOANH VI PHẠM

So với các địa phương khác, Bạc Liêu tập trung đông các doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 910 cơ sở sản xuất -  kinh doanh các mặt hàng này. Trong đó, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV 240 cơ sở; kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản 297 cơ sở và 374 cơ sở sản xuất - kinh doanh giống thủy sản và nuôi trồng thủy sản…

Điều đáng quan tâm là gần như ngành quản lý tiến hành kiểm tra đến đâu là phát hiện vi phạm đến đó; mỗi năm số vụ vi phạm không giảm mà còn tăng cao so với cùng kỳ. Cụ thể năm 2019, Thanh tra Sở NN&PTNT và các chi cục có chức năng đã tổ chức thực hiện 74 đoàn thanh, kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều hành vi vi phạm trong sản xuất - kinh doanh và chủ yếu tập trung nhiều ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Qua đó, ban hành 252 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền phạt trên 2,8 tỷ đồng.

Có một thực trạng đáng cảnh cáo là qua kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và thủy sản, phát hiện nhiều trường hợp vi phạm với các hình thức, thủ đoạn khác nhau. Cụ thể về chất lượng, qua kiểm tra 48 mẫu phân bón có đến 10 mẫu không đạt chất lượng, đặc biệt đối với vật tư phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, qua kiểm tra 51 mẫu thức ăn chăn nuôi có đến 24 mẫu không đạt chất lượng và thanh tra ngành Nông nghiệp đã xử phạt hơn 502 triệu đồng…

Bên cạnh đó, các đơn vị chuyên môn của ngành Nông nghiệp còn phát hiện hàng loạt sai phạm về chất lượng, cùng các thủ đoạn lừa gạt người nông dân. Đó là buôn bán thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thủy sản không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam; tự ý sang chia mỗi loại thuốc thú y mà không được phép của cơ quan quản lý; mua bán sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản, thuốc thú y thủy sản, BVTV hết hạn sử dụng và hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hay kinh doanh hàng hóa trên nhãn có các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó và chủ yếu là “nổ” về chất lượng, nhất là các mặt hàng thú y thủy sản với cái mác là sản phẩm sạch, sản phẩm thân thiện với môi trường núp dưới cái tên “vi sinh”, nhưng khi kiểm tra chất lượng thì có đến 50% vi phạm…

Ngoài ra, còn có các trường hợp vi phạm về buôn bán thuốc BVTV nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc và bán thuốc BVTV với các sản phẩm khác không được phép kinh doanh…

Thanh tra Bộ NN&PTNT kiểm tra nhãn mác thuốc thú y thủy sản trên địa bàn TP. Bạc Liêu.

BIẾN ĐỒNG ĐẤT THÀNH PHÒNG THÍ NGHIỆM?!

Tồn tại những bất cập trên bao gồm nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do thiếu tiền và cả ý thức tự cảnh giác của người nông dân. Trên thực tế, người nông dân đã trở thành nạn nhân và buộc phải sử dụng vật tư nông nghiệp, thủy sản kém chất lượng, bởi họ không có vốn đầu tư nên bị lệ thuộc hoàn toàn vào các đại lý kinh doanh các mặt hàng này. Đó là việc các đại lý này bán hàng cho nông dân theo kiểu triệt buộc “đưa gì thì phải sử dụng đó”, vì nông dân phải mua trước trả sau nên không có lựa chọn nào khác?!

Còn một nguyên nhân khác là ý thức cảnh giác của nông dân chưa cao. Đó là trường hợp các công ty tổ chức bán “lưu động” và cho nông dân sử dụng thử sản phẩm nhưng bản thân người nông dân lại không biết sản phẩm đó đã qua kiểm tra chất lượng, hoặc đã được ngành quản lý cho phép lưu hành trên thị trường hay chưa. Thực tế cho thấy, thời gian qua Thanh tra ngành Nông nghiệp, Chi cục Quản lý thị trường đã phát hiện nhiều trường hợp sản phẩm chưa cho phép hay nằm trong danh mục được lưu hành nhưng lại được giới thiệu, bày bán trên thị trường và kết quả là chỉ có nông dân lãnh đủ. Hệ lụy kéo theo là biến đồng đất của nông dân trở thành “phòng thí nghiệm”, nếu làm trúng mùa thì các doanh nghiệp này tổ chức đăng bài, quay video tải lên mạng xã hội, còn thất bại thì họ trốn mất và nông dân cũng không biết phải kiện ai?!

Thêm vào đó, một số nông dân khi sử dụng phải sản phẩm kém chất lượng bị thiệt hại nhưng lại rất dễ thỏa hiệp với các doanh nghiệp vi phạm và chưa thể hiện được tính cộng đồng. Nghĩa là sau khi thông tin cho ngành quản lý, các phương tiện thông tin đại chúng về sản phẩm của công ty nào đó kém chất lượng gây thiệt hại, nhưng sau đó chính bản thân nông dân lại là người xin rút đơn và không chịu trách nhiệm về những thông tin mà mình đã cung cấp (do công ty bán hàng kém chất lượng ấy đã bồi thường rất cao). Vậy là ngành quản lý lại gặp khó trong việc xử lý, vì không có người chịu tố giác!

Nông dân huyện Đông Hải sử dụng sản phẩm sinh học cải tạo môi trường nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.

Một bất cập khác dẫn đến việc chưa giải quyết đứt điểm được bài toán vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp, thủy sản chính là nông dân chưa xây dựng được các liên kết bền chặt theo mô hình “chuỗi khép kín”. Tham gia mô hình này, doanh nghiệp sẽ cung ứng tất cả vật tư đầu vào cho nông dân và bao tiêu sản phẩm đầu ra, cùng với nông dân chia sẻ lợi nhuận và cả rủi ro (vì lúc này lợi ích của doanh nghiệp và nông dân là một). Theo đó,  doanh nghiệp sẽ cung cấp cho nông dân vật tư chất lượng nhất, nhằm tạo ra sản phẩm cạnh tranh và chất lượng cao cung cấp cho thị trường tiêu tụ. Điển hình như Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nông nghiệp - thủy sản Bạc Liêu đã kết hợp với Hội Nông dân tỉnh đầu tư cho nhiều nông dân ở xã phát triển mô hình lúa - tôm của TX. Giá Rai và huyện Vĩnh Lợi theo hình thức công ty cung cấp tôm giống, vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Mô hình sản xuất tôm sạch này bước đầu đã phát huy hiệu quả, hình thành nên những liên kết giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và hơn cả là được cung cấp vật tư chất lượng phục vụ cho phát triển sản xuất. Không chỉ thế, công ty này còn kết hợp với Trường đại học Bạc Liêu hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo cho các sinh viên tham gia học chuyên ngành BVTV và nhận vào làm sau khi tốt nghiệp, nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực phục vụ xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất với nông dân.

Để giải quyết những khó khăn như hiện nay, cùng với việc tăng cường công tác thanh - kiểm tra, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần đẩy mạnh các mô hình liên kết hợp tác doanh nghiệp với nông dân và xem đây là giải pháp quan trọng trong việc chủ động ngăn ngừa hàng giả, hàng kém chất lượng, hướng đến sản xuất bền vững.

LƯ TRUNG

Ông Nguyễn Minh Trung, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh: Người tiêu dùng nên chủ động phản ánh, tố giác các hành vi vi phạm

Để chủ động ngăn ngừa vật tư nông nghiệp, thủy sản kém chất lượng tiêu thụ trên thị trường và đẩy mạnh công tác phòng chống gian lận thương mại, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp, chú trọng quản lý về điều kiện sản xuất - kinh doanh, chất lượng sản phẩm hàng hóa; tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về tác hại của việc sản xuất - kinh doanh, tiếp tay, tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ…  Trong đó, vật tư nông nghiệp, thuốc thú y thủy sản là hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích chính đáng của người dân và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Song song đó, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền và phối - kết hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng (Cục Quản lý thị trường, Sở NN&PTNT, Công an tỉnh…) tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp, thủy sản giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, sản phẩm chưa được phép lưu hành tại Việt Nam… Đồng thời, lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng đối với những sản phẩm, hàng hóa có dấu hiệu hoặc nghi ngờ là hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đối với người tiêu dùng, cần thận trọng khi mua sản phẩm hàng hóa, chỉ chọn những cửa hàng có uy tín, sản phẩm có nhãn mác, thương hiệu, công bố chất lượng và có thông tin tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm; không nên mua những sản phẩm không có nhãn, không rõ nguồn gốc và những địa điểm không có đăng ký kinh doanh. Đặc biệt, người tiêu dùng nên chủ động phản ánh, tố giác các hành vi vi phạm, hoặc các dấu hiệu sản xuất - kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc với cơ quan chức năng (Công an, Quản lý thị trường), hay chính quyền địa phương để kịp thời phối hợp kiểm tra, ngăn chặn và xử lý theo quy định pháp luật.

Ông Hà Văn Buôl, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT: Cần ưu tiên đầu tư thiết bị kỹ thuật kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp, thủy sản

Sở NN&PTNT là ngành quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng do chỉ tiêu biên chế công chức được giao ít nên cũng gặp khá nhiều khó khăn.

Mặt khác, do Luật Thanh tra 2010 giao chức năng thanh tra chuyên ngành đến cấp chi cục nên lực lượng thanh tra chia mỏng ra, không tập trung. Trong khi đó, thanh tra chuyên ngành Chi cục thường thực hiện nhiệm vụ “2 trong 1” là vừa cấp phép, vừa thanh - kiểm tra. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động thanh tra chuyên ngành và triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Thực tế qua thanh - kiểm tra cho thấy, các vụ việc vi phạm chỉ có biểu hiện tạm lắng xuống trong đợt cao điểm triển khai các đoàn kiểm tra. Khi kết thúc đợt cao điểm kiểm tra thì một số đối tượng tiếp tục vi phạm nên gây khó khăn trong việc ngăn chặn dứt điểm; một số đối tượng sau khi bị xử lý về hành vi vi phạm, đối tượng tiếp tục vi phạm trở lại, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh, việc chấp hành phát luật trong hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp còn chưa tốt.

Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra chuyên ngành đang chuyển hướng từ thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra theo hình thức đột xuất. Do vậy, việc bố trí kinh phí cho các cuộc thanh tra chuyên ngành đột xuất gặp khó khăn. Ngoài ra, khó khăn về kinh phí thu giữ, bảo quản tang vật, hàng hóa, kinh phí xử lý hàng hóa, phân tích chất lượng mẫu ngày càng tăng cao. Thêm vào đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân, tổ chức còn hạn chế, thường xuyên lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm.

Để khắc phục những khó khăn này, ngành quản lý và các địa phương cần tổ chức tuyên truyền cho người dân nhằm mục đích hỗ trợ, trang bị kiến thức pháp luật cho người kinh doanh, người sử dụng và chủ động các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, hạn chế tối đa tình trạng gian lận thương mại, bảo vệ sản xuất và quyền lợi người tiêu dùng.

Ngoài ra, ưu tiên phân bổ kinh phí để đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp, thủy sản lưu thông và sử dụng trên địa bàn. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, xử lý vi phạm về vật tư nông nghiệp, nhất là những văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác ở địa phương.

Song song đó, kiến nghị Bộ NN&PTNT tham mưu kiến nghị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ sửa đổi Luật Thanh tra, Nghị định 07/2012/NĐ-CP ngày 9/2/2012. Nên tập trung các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về Thanh tra Sở NN&PTNT để công tác thanh tra chuyên ngành được thực hiện đồng bộ, tránh tình trạng chồng chéo, đồng thời khách quan hơn trong công tác quản lý nhà nước.

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về sản xuất - kinh doanh, chất lượng vật tư nông nghiệp, thủy sản; giải quyết khiếu nại, tố cáo các vi phạm pháp luật về sản xuất - kinh doanh, chất lượng vật tư nông nghiệp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo công tác phối hợp giữa các đơn vị có thẩm quyền trên địa bàn tỉnh; cấp phương tiện phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành cho Thanh tra Sở NN&PTNT đảm bảo hoạt động.

Kim Trung (thực hiện)

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.