Xác định công trình trên đất nông nghiệp: Có hướng dẫn của Trung ương, vẫn phải chờ tỉnh

Thứ Sáu, 06/12/2019 | 17:06

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), thời gian qua, nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) liên tục phản ánh về một điểm nghẽn cần được tháo gỡ để được nâng mức tín dụng. Đó là những công trình xây dựng trên đất nông nghiệp với kinh phí đầu tư hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ đồng nhưng chưa được đăng ký quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) nên không được lấy làm tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng theo chương trình ưu đãi của Chính phủ… 

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh tọa lạc tại xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu). Ảnh: T.Đ

KHÓ KHĂN NẢY SINH TỪ THỰC TIỄN

Ông Nguyễn Văn Đạo - Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký QSDĐ thuộc Sở TN-MT cho biết, xuất phát từ thực tiễn phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC trên cả nước nên tháng 9/2017, Bộ TN-MT đã ban hành thêm Thông tư số 33 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư trước đó. Nội dung Thông tư 33 có đoạn: “Trường hợp công trình xây dựng trên đất nông nghiệp chưa được quy định trong phân loại về công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng thì UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế quyết định các loại công trình được đăng ký quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận QSDĐ…”.

Nghĩa là trước đó, Luật Đất đai và các nghị định, thông tư hướng dẫn chưa quy định về vấn đề này. Các công trình xây dựng đó (nằm trong quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC) chẳng những không bắt buộc phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất (do diện tích rất lớn) mà việc phân loại và ghi nhận quyền sở hữu công trình gắn liền với đất còn tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong giao dịch thế chấp với các tổ chức tín dụng. Họ sẽ được các tổ chức tín dụng nâng mức cho vay cao hơn nhiều so với định mức cho vay dành cho đất nông nghiệp. Khi đó, nhà đầu tư sẽ có thêm nguồn vốn đáng kể để mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh (SXKD) vào các dự án nông nghiệp ứng dụng CNC.

Ông Nguyễn Văn Đạo giải thích, các công trình đó không phải là công trình cấp 1, 2, 3 hoặc 4… theo quy chuẩn truyền thống của Bộ Xây dựng mà là nhà kín phục vụ mô hình nuôi tôm CNC, hoặc các trang trại sản xuất giống thủy sản phục vụ khu ứng dụng CNC… Những công trình này đã và đang mọc lên ngày càng nhiều trên địa bàn tỉnh theo chủ trương mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển ngành tôm Bạc Liêu. Trong đó, hệ thống công trình của Công ty cổ phần Việt Úc là một điển hình. Không chỉ có nhà đầu tư ngoài tỉnh mà chính các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm trên địa bàn các huyện, thành phố ven biển của tỉnh cũng đầu tư rất nhiều dạng công trình như vậy, góp phần tích cực đưa Bạc Liêu sớm trở thành thủ phủ tôm công nghiệp của cả nước. Và tất cả họ đều đang thiệt thòi trong việc tiếp cận vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng do chưa có văn bản nào của tỉnh phân loại cụ thể và cho phép đăng ký quyền sở hữu công trình trên Giấy chứng nhận QSDĐ.    

CHỜ GIẢI PHÁP GỠ KHÓ…

Lãnh đạo Văn phòng Đăng ký QSDĐ (thuộc Sở TN-MT) cho biết, khi UBND tỉnh có văn bản phân loại cụ thể những dạng công trình nêu trên và cho phép đăng ký quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận QSDĐ thì đơn vị sẽ tham mưu với Sở TN-MT thực hiện ngay cho nhà đầu tư, hoặc các chủ công trình trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay UBND tỉnh vẫn chưa ban hành văn bản này.

Nghị định 116 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55 năm 2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện rõ: “Khách hàng có dự án, phương án SXKD trong khu, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án”, “Doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC nhưng có dự án, phương án SXKD ứng dụng CNC trong nông nghiệp không thuộc khu, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC vẫn được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản đảm bảo bằng 70% giá trị của dự án, phương án”. Ngoài ra, Nghị định này còn cho phép tổ chức tín dụng được nhận tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương án SXKD ứng dụng CNC trong nông nghiệp và các tài sản khác làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của khách hàng theo quy định của pháp luật.

Về vấn đề này, ông Lê Hồ Anh Long - Phó trưởng phòng Tổng hợp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bạc Liêu thừa nhận, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa thực hiện triệt để Nghị định 116. Lý do cơ bản là họ cũng muốn bảo toàn nguồn vốn trong trường hợp có rủi ro xảy ra, bởi thực tế trên địa bàn tỉnh đã từng xảy ra vụ việc. Về mặt pháp lý thì chỉ có tài sản thuộc sở hữu của nhà đầu tư thì nhà đầu tư mới có quyền thế chấp và các tổ chức tín dụng mới có cơ sở để định giá và đưa ra hạng mức cho vay phù hợp. Do đó, đối với dạng công trình nêu trên, theo ông Lê Hồ Anh Long thì tỉnh nên căn cứ vào giá trị vật liệu đưa vào thi công để xác định giá trị và phân loại công trình. Việc này thuộc trách nhiệm của Sở Xây dựng làm tham mưu cho UBND tỉnh. Một khi đã ghi nhận sở hữu công trình trên Giấy chứng nhận QSDĐ, có phân loại công trình cấp mấy, bằng chất liệu gì, giá trị ra sao…, thì tổ chức tín dụng sẽ dễ dàng định giá tài sản và cho vay ở mức phù hợp nhất, cũng như dễ dàng xử lý tài sản trong trường hợp có xảy ra rủi ro. Vậy thì, vấn đề đặt ra là, tại sao đã có hành lang pháp lý rõ ràng nhưng nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh vẫn chưa được gỡ khó mà vẫn phải tiếp tục… chờ?!

TẤN ĐẠT

Ngày 13/8/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có công văn gửi các tổ chức tín dụng trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố về triển khai Nghị quyết 53 của Chính phủ về khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại kế hoạch, chương trình hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; tăng cường triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp, dự án ứng dụng CNC, đầu mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp…

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Đào Minh Tú cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015 và 116/2018, Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và các chương trình tín dụng đặc thù… góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.