Chấp hành pháp luật trong quá trình xử lý vụ án

Thứ Tư, 16/05/2018 | 17:17

Chấp hành nghiêm pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án là một đòi hỏi cấp thiết và cần được tuân thủ. Nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, đảm bảo yếu tố công bằng, khách quan trong từng vụ án là yêu cầu mà một xã hội dân chủ, văn minh hướng tới. Cuối cùng vẫn là vì con người, đảm bảo hài hòa lợi ích mà Nhà nước bảo vệ hướng tới với lợi ích của công dân, phù hợp với những quy định pháp luật.

Bài 1: Những vướng mắc khi chấp hành pháp luật trong xử lý vụ án

Việc thực hiện và chấp hành pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử luôn là vấn đề được quan tâm đặc biệt. Bởi việc xử lý vụ án luôn gắn liền với hàng loạt các quyền hiến định như quyền sở hữu, quyền nhân thân của con người, quyền bất khả xâm phạm… Những nỗ lực của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc chấp hành pháp luật luôn được ghi nhận và đang ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, trong quá trình áp dụng pháp luật, nhất là khi pháp luật cũng đang trong quá trình thay đổi, vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ, những hạn chế cần khắc phục.

HĐND tỉnh giám sát về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động tố tụng tại Công an tỉnh. Ảnh: K.P

Tác nhân từ xã hội

Khi kinh tế - xã hội của Bạc Liêu nói riêng, cả nước nói chung có bước phát triển vượt bậc, thì bên cạnh đó cũng kéo theo những phát sinh về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều mâu thuẫn trong đời sống nhân dân. Chỉ tính trong 3 năm, từ 2015 đến cuối năm 2017, tỷ lệ án tăng ở các địa phương đều rất lớn, tình hình phát sinh các loại tranh chấp đa dạng, đương sự gay gắt, khó hòa giải. Đơn cử trong 3 năm trên, Tòa án nhân dân (TAND) TP. Bạc Liêu thụ lý trên 2.650 vụ án các loại; TAND TX. Giá Rai trên 2.000 vụ án; TAND các huyện còn lại trong tỉnh cũng trên con số 1.000 vụ án.

Nguyên nhân chủ yếu là những khó khăn về kinh tế - xã hội đã làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội, làm nảy sinh nhiều yếu tố phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật. Cơ quan điều tra cho rằng, công tác tuyên truyền, giáo dục, phát động toàn dân tham gia phòng chống tội phạm ở cơ sở chưa được sâu rộng, còn mang tính hình thức, chưa phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân. Công tác kiểm tra, hướng dẫn đã có quan tâm nhưng chưa được thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót để chấn chỉnh, khắc phục. Cơ quan thực hiện chức năng kiểm sát và xét xử cũng đồng quan điểm trên. Đồng thời đánh giá quy định của pháp luật, các văn bản hướng dẫn liên ngành còn nhiều vướng mắc, bất cập nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung; một số quy định pháp luật không cụ thể, còn nhận thức khác nhau nhưng chậm được hướng dẫn thi hành.

Qua kiểm tra chất lượng xử lý các vụ án từ khâu “đầu vào” thụ lý án đến khâu “đầu ra” là ban hành bản án, thi hành án, mặc dù số lượng các loại vụ án hàng năm đều tăng, nhưng chất lượng xử lý án cũng được nâng lên. Hầu hết các địa phương đều không để tình trạng án oan sai, bỏ lọt tội phạm, án tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án.

Những lỗi chủ quan

Đánh giá kết quả giải quyết các loại vụ án, ở hầu hết các tòa án đều gặp tình trạng án quá hạn luật định, nhất là ở một số vụ án dân sự phức tạp kéo dài thời gian giải quyết, đặc biệt là những vụ án tranh chấp có liên quan đến quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn phải tạm đình chỉ. Không ít vụ án hình sự phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần, gây ảnh hưởng đến quá trình xử lý vụ án, làm thiệt thòi quyền lợi hợp pháp cho các bên đương sự, bị can, bị cáo, người bị hại. Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng này chưa được khắc phục chủ yếu là do năng lực và trình độ chuyên môn của người tiến hành tố tụng. Trong khi số lượng án hình sự, hành chính, hôn nhân gia đình, án kinh doanh thương mại tăng cao và ngày càng phức tạp, thì đội ngũ thẩm phán đều còn thiếu, lại bị hạn chế về trình độ lý luận chính trị.

Theo báo cáo, năm 2017, ngành TAND tỉnh còn có 5 thẩm phán không được tái bổ nhiệm, vẫn đang chờ Tòa án tối cao xem xét, trong đó chủ yếu là do thẩm phán để án bị hủy, sửa vượt quá quy định. Hiện tại không ít TAND cấp huyện, số lượng thẩm phán vẫn đang hưởng lương thẩm phán nhưng chưa được bổ nhiệm đã khiến khối lượng công việc lẽ ra của 5, 6 người phải dồn lên cho 2, 3 người. Hội thẩm nhân dân nói chung nhiệt tình, tích cực nghiên cứu hồ sơ các loại vụ án và tham gia xét xử khá tốt. Tuy nhiên, Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử chưa đều và nghiên cứu hồ sơ chưa sâu.

Ở giai đoạn điều tra, điều khiến dư luận và các cấp, các ngành quan tâm nhất vẫn là công tác tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm, án tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra. Tỷ lệ tin báo chưa xử lý được, tạm đình chỉ, quá hạn vẫn còn, nhất là ở cơ quan điều tra cấp huyện.

Công an tỉnh còn 737 vụ với 157 bị can phải tạm đình chỉ điều tra. Nguyên nhân là ngoài hành vi phạm tội ngày càng tinh vi thì vẫn còn đó hạn chế trong công tác nghiệp vụ như phân loại, xác minh, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị còn nhiều hạn chế, nhất là ở cấp xã. Đó là chưa nói nhận thức của điều tra viên trong áp dụng pháp luật, nhất là trong thời điểm giao thời, áp dụng luật cũ hay luật mới dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, đánh giá chứng cứ khác nhau, nhất là tội đánh bạc, đã có một trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện xử lý vụ việc có sai sót phải bị hủy án.

Hạn chế từ công tác phối hợp

Trong công tác giải quyết án dân sự, nhiều trường hợp phải hoãn phiên tòa do công tác phối hợp làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án. Một số cơ quan, tổ chức chưa phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, thẩm định, định giá tài sản, còn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau làm ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết vụ án.

Điển hình như tại TP. Bạc Liêu, hiện nay các vụ án tranh chấp có liên quan đến đất đai, TAND TP. Bạc Liêu không tiến hành đo đạc, thẩm định, định giá tài sản được dẫn đến án bị tồn đọng kéo dài. Trong khi số lượng án tại TP. Bạc Liêu đứng đầu các địa phương, đa số là các loại án khó, án có liên quan đến tranh chấp quyền sử dụng đất.

Vấn đề cần thiết ban hành quy chế phối hợp trong công tác thẩm định, định giá giữa các cơ quan liên quan với cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa được thực hiện. Bên cạnh đó là việc trả lời và cung cấp các tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc xử lý vụ án chờ trả lời của chính quyền các địa phương hầu hết đều chậm trễ. Thậm chí tại TAND huyện Vĩnh Lợi, có vụ án phải tạm đình chỉ nhiều lần, kéo dài từ năm 2011 - 2017 chỉ vì chờ các văn bản trả lời của chính quyền địa phương.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.