Khi anh em một nhà không có tiếng nói chung

Thứ Sáu, 14/08/2020 | 16:26

Phiên tòa diễn ra lặng lẽ, các bên nguyên đơn, bị đơn đều là anh chị em ruột thịt. Lẽ ra những mâu thuẫn có thể thỏa thuận được, nếu vẫn còn chung sống dưới một mái nhà. Nhưng giờ đây, mỗi người mỗi nơi, thời gian anh em gặp nhau ngắn ngủi, đếm được trên đầu ngón tay. Mỗi lần gặp nhau, nói chuyện vui thì ít, bàn chuyện chia gia tài cha mẹ để lại thì nhiều.

Bởi ai cũng có cuộc sống riêng tư, có người khấm khá, cũng có người nợ nần chồng chắt. Bình thường sẽ không nhìn tới tài sản của cha mẹ do một người anh hay đứa em đang quản lý, thờ cúng. Nhưng khi khó khăn, nợ nần hoặc thậm chí, khi đất đai có giá trị tăng vọt, mảnh đất ngày xưa cho không thèm giữ, giờ có giá trị tiền tỷ thì không ít người bắt đầu nhìn lại và tính toán thiệt hơn.

Bà O. là chị gái của ông T. (cùng ngụ Phường 3, TP. Bạc Liêu). Vì ông T. là con trai út trong 7 anh chị em nên được cha mẹ cho ở chung nhà, và khi cha mẹ mất thì ông T. vẫn tiếp tục được ở tại nhà, thờ cúng cha mẹ và quản lý tài sản được xác định là di sản của cha mẹ.

Cụ ông mất cuối năm 2018, cụ bà mất trước đó nhiều năm. Cả hai đều không để lại di chúc. Khối tài sản là phần đất cùng căn nhà đương nhiên trở thành di sản thừa kế. Vợ chồng ông T. là con út, đã chung sống với cha mẹ từ trước đến nay, theo tập quán lâu đời của người Việt, thì trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ trăm tuổi già và thờ cúng ông bà tổ tiên đều giao cho con trai út. Nên căn nhà của cha mẹ cũng sẽ để lại cho người con út hưởng. Đó là nói theo phong tục tập quán, và nhiều gia đình Việt vẫn giữ nếp như thế, cha mẹ ông T. cũng không ngoại lệ.

Thế nhưng, theo quy định của pháp luật thì việc hưởng di sản là tài sản thừa kế của cha mẹ được chia đều cho các đồng thừa kế, không phân biệt trai gái, con trưởng, con thứ hay con út. Và ý chí, nguyện vọng của cha mẹ, nếu không được thể hiện cụ thể bằng di chúc, và di chúc đó phải đảm bảo phù hợp về hình thức, nội dung của di chúc do pháp luật quy định thì mới được công nhận là di chúc hợp pháp. Trường hợp của gia đình ông T., bà O. là không có di chúc, nên khi không có tiếng nói chung về vấn đề thừa kế thì phát sinh mâu thuẫn.

Tại tòa, khi chủ tọa hỏi về việc cả hai có đồng ý thỏa thuận vụ việc theo hướng hòa giải để tòa công nhận sự thỏa thuận và hòa giải thành hay không, bà O. đã nói, đề nghị để tòa án giải quyết, vì chị em không có tiếng nói chung: “Nói chuyện với nó (tức ông T. - em trai bà) không được”.

Bà O. cùng các anh chị em khác của mình đề nghị tòa chia di sản ra thành 7 phần bằng nhau, mỗi anh chị em nhận một phần. Và yêu cầu được nhận hiện vật, không chịu nhận tiền với lý do muốn nhận kỷ vật của cha mẹ. Đây cũng chính là điểm mấu chốt của mâu thuẫn, khi ông T. không đồng ý chia bằng hiện vật, chỉ yêu cầu tính giá trị di sản thành tiền để hoàn trả cho các anh chị em, bởi nếu chia như vậy thì gia đình ông không có chỗ ở nào khác.

Tương tự, vụ kiện chia thừa kế khác do bà N.T.T (83 tuổi, ngụ Phường 5, TP. Bạc Liêu) là mẹ của 10 người con đã trưởng thành, yêu cầu chia thừa kế tài sản từ người chồng để có thể được toàn quyền sử dụng căn nhà mà mình đang sinh sống trên đó. Chưa nói đến nội dung vụ án, chỉ nhìn bà mẹ già ngoài tuổi “thất thập cổ lai hy” phải “đáo tụng đình” để yêu cầu chia thừa kế chính tài sản mà mình cùng chồng tạo lập ra, thật sự là rất xót xa! Bởi lý do duy nhất, là ông chồng đã qua đời trước bà, không để lại di chúc. Căn nhà là tài sản chung của ông bà, theo quy định pháp luật, có một nửa căn là di sản thừa kế của ông, phải chia đều cho bà và 10 người con.

Chồng mất, nhưng không phải 10 đứa con đều thuận theo người mẹ hết. Nên mới có chuyện “mẹ già như chuối chín cây” phải ra tòa để kiện chia thừa kế. Đứa đòi để nguyên tài sản để làm nơi thờ cúng tổ tiên, đứa lại năn nỉ mẹ bán đi để có số tiền lớn làm ăn, phụng dưỡng mẹ. Chín người mười ý, cuối cùng bà cụ đành đâm đơn ra tòa để nhờ tòa giải quyết. Chuyện lẽ ra có thể giải quyết trong nội bộ gia đình, giờ lại phải nhờ pháp luật phân xử. Bên cạnh nỗi đau từ việc gia đình thiếu hòa thuận, còn là chuyện để xóm làng dị nghị chê cười. Đó còn là câu chuyện về sự thiếu hiểu biết pháp luật trong vấn đề tài sản, di sản và việc lập di chúc. Điều này dẫn đến rất nhiều hệ lụy liên quan đến pháp lý, mà sau này việc giải quyết hết sức khó khăn, phức tạp.

KIM PHƯỢNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.