Lách luật - Hệ lụy khó lường

Thứ Sáu, 25/09/2020 | 18:00

Thời gian gần đây, nhiều người kinh doanh kháo nhau rằng, trên địa bàn Bạc Liêu đã xuất hiện dịch vụ tư vấn lách luật cho người dân, doanh nghiệp. Cá biệt, có văn phòng luật sư nhận tư vấn pháp luật theo hướng này, lợi nhuận kiếm được sẽ chia đều cho doanh nghiệp và bên tư vấn.

Lách luật để lấy chồng nước ngoài. Ảnh minh họa: T.L

Lách luật là cách tìm ra sơ hở của pháp luật để giải quyết vấn đề. Bởi với quy định, người dân được phép làm những gì mà pháp luật không cấm, nên đã có không ít người, hầu hết là những người rất am hiểu pháp luật, đã xử lý vụ việc theo hướng này.

ĐỦ CÁCH LÁCH LUẬT

Vậy “lách luật” có vi phạm pháp luật hay không? Câu trả lời là không vi phạm pháp luật. Bởi lách luật là nói theo ngôn ngữ dân gian, còn thực chất của lách luật chính là tìm ra nơi mà pháp luật chưa quy định, chưa điều chỉnh kịp. Hoặc cũng có thể là tìm ra “lỗ hổng” của luật để áp dụng. Tuy nhiên, đằng sau đó là rất nhiều hệ lụy mà có thể bản thân người lách luật phải gánh chịu, hoặc là những người khác phải chịu.

Nhiều doanh nghiệp trong một thời gian dài đã tìm mọi cách “lách luật” để giảm bớt các khoản phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Đơn cử như ký hợp đồng với người lao động thì ký với mức lương thấp nhất theo quy định, và phần còn lại của lương sẽ được chuyển sang hình thức khác để chi trả như phụ cấp. Hay không ký hợp đồng lao động theo đúng quy định mà ký hợp đồng thời vụ, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng thử việc… để né các trách nhiệm phải đóng như BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…

Nói chuyện đầu năm học, nhiều trường cũng đã tìm mọi cách lách luật để lạm thu. Luật không cho các trường thu các khoản phí, không cho vận động các loại quỹ phụ huynh. Thế nhưng, để “lách” quy định này, các trường thu dưới hình thức tự nguyện, thậm chí thông qua giáo viên chủ nhiệm để yêu cầu phụ huynh phải tự đề xuất lập quỹ. Cuối cùng, bằng những cách thức khác nhau, hầu hết trường nào cũng có quỹ mà phụ huynh chính là người có trách nhiệm thực hiện một cách hết sức… tự nguyện.

Người dân thì cũng có muôn cách để lách luật. Đơn giản nhất như chuyện ly hôn. Luật Hôn nhân và Gia đình quy định, không cho người chồng ly hôn nếu người vợ đang mang thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Để níu kéo cuộc hôn nhân, hoặc để trả thù chồng, nhiều người vợ đã chọn việc để mình có thai nhằm từ chối ly hôn. Hay như những trường hợp nhiều cô gái Việt đã lách luật lấy chồng Trung Quốc. Theo luật Trung Quốc, các cô dâu Việt Nam đăng ký kết hôn chỉ cần giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Nhiều cô gái Việt chỉ xin giấy xác nhận tình trạng độc thân và sang Trung Quốc đăng ký kết hôn. Họ không làm thủ tục công nhận (ghi chú) việc kết hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam sau đó. Do đó, cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam không biết họ làm gì ở Trung Quốc, có kết hôn hay không.

Việc lách luật còn được không ít người tìm thấy từ những quy định mang tính chất nhân đạo của Nhà nước ta. Chẳng hạn như quy định, phụ nữ đang mang thai sẽ được xem là một tình tiết giảm nhẹ hình phạt, hay không tuyên tử hình người phạm tội đang mang thai, hoãn thi hành án phạt tù những trường hợp phụ nữ đang mang thai. Có những người sẵn sàng mang thai, sinh con liên tục để được giảm án hay né việc phải bước chân vào trại giam.

NHIỀU HỆ LỤY VỀ SAU

Đối với trường hợp doanh nghiệp lách luật tránh đóng BHXH để kiếm thêm lợi nhuận, nếu phát hiện ra sẽ bị xử phạt rất nặng. Hoặc đến khi xảy ra tranh chấp với người lao động thì phải đưa nhau ra tòa giải quyết. Ở góc độ người lao động, quan trọng vẫn là không nên thỏa hiệp với chủ sử dụng lao động nếu phát hiện doanh nghiệp lách luật. Vì thỏa hiệp là đồng nghĩa với thiệt thòi về sau, nhất là những quy định - lẽ ra là pháp luật ban hành để bảo vệ quyền lợi cho chính người lao động.

Nhiều cô dâu Việt khi không thể ở được với chồng nước ngoài, trở về Việt Nam không có giấy tờ, lại không thực hiện việc ghi chú kết hôn nên không thể ly hôn được, lỡ làng nhiều cơ hội lập gia đình đàng hoàng tại Việt Nam. Hoặc không ít trường hợp mang con về nước, không thể ly hôn, cũng không được pháp luật trong nước công nhận hôn nhân. Pháp luật Việt Nam không thể bảo hộ quyền lợi cho cả người phụ nữ lẫn những đứa trẻ. Họ vật vã trong khổ sở, nhiều lúc oán trách cả xã hội đã không lo cho mình. Nhưng họ quên mất rằng, việc lựa chọn lách luật để đi lấy chồng nước ngoài ban đầu đều là do họ tự nguyện. Và những việc làm đó, tuy không trái pháp luật, nhưng hậu quả để lại đôi khi còn rất nặng nề.

Như những trường hợp nhiều người vợ mang thai, sinh con để chồng không thể ly hôn. Những đứa con sinh ra trong cuộc hôn nhân sắp đổ vỡ, có bao nhiêu trường hợp hàn gắn được, bao nhiêu trường hợp đau khổ hơn. Chắc chỉ có người trong cuộc mới trả lời được câu hỏi đó.

KIM KIM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.