Những bất cập trong thực hiện Luật Giao thông đường bộ

Thứ Sáu, 02/08/2019 | 15:21

Qua 10 năm thực hiện, đến nay Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông - vận tải (GTVT) đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), thúc đẩy phát triển GTVT và kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành luật đã xuất hiện nhiều bất cập…

Lực lượng Cảnh sát giao thông  kiểm tra tốc độ phương tiện trên đường 23/8 (TP. Bạc Liêu). Ảnh: K.P

Còn thiếu nhất quán

Với quy định của Luật GTĐB hiện hành, phạm vi điều chỉnh về TTATGT quá rộng, bao gồm cả các quy định về quy tắc GTĐB, kết cấu, xây dựng hạ tầng GTVT và doanh nghiệp GTVT, dịch vụ hỗ trợ vận tải và quản lý nhà nước về giao thông dẫn đến chồng chéo với các quy định của các luật khác. Việc coi trọng quy định về quản lý giao thông mà không coi trọng quy định về quy tắc ATGT dẫn đến khó khăn trong việc vận dụng, thực hiện các quy tắc tham gia giao thông. Đó là chưa nói đến phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về giao thông và TTATGT còn thiếu nhất quán, quy định chồng chéo nên trách nhiệm quản lý của nhà nước về TTATGT được cho là trách nhiệm chung, dễ dẫn đến tình trạng đùn đẩy việc, né tránh trách nhiệm.

Bên cạnh đó, công tác quản lý hoạt động vận tải, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho người tham gia giao thông, chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông chưa được chú trọng đưa vào luật, dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng xuất phát từ đạo đức nghề nghiệp của người cầm lái đã liên tiếp xảy ra.

Các vụ TNGT ngoài những nguyên nhân khách quan như: phương tiện tăng, hạ tầng giao thông xuống cấp thì còn do ý thức chấp hành luật của những người tham gia giao thông. Luật quy định xử lý tình trạng cấm uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông nhưng vẫn “chừa đường” cho phương tiện xe máy khi quy định tỷ lệ nồng độ cồn. Chính điều này đã dẫn đến một thực tế, người tham gia giao thông vô tư sử dụng rượu bia với suy nghĩ, chắc chưa tới mức bị xử phạt.

Việc đưa ra xét xử các vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự đã đáp ứng được mong muốn của người dân, đồng thời qua việc xét xử các vụ án cũng nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia giao thông. Một trong những căn cứ để xử lý tội danh “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện GTĐB” là Luật GTĐB. Theo quy định tại khoản 17, Điều 3 của Luật GTĐB thì phương tiện GTĐB thiếu quy định về xe máy chuyên dùng. Như vậy, nếu trong thực tiễn xe máy chuyên dùng gây tai nạn dẫn đến chết người thì sẽ xử lý như thế nào?

Cần sửa đổi cho phù hợp

Luật GTĐB năm 2008 quy định có hai lực lượng chính là Cảnh sát GTĐB và Thanh tra đường bộ được phép xử phạt vi phạm hành chính; ngoài ra, còn có các lực lượng khác như: Cảnh sát trật tự - 113, Cảnh sát cơ động, Công an xã tham gia phối hợp, hỗ trợ Cảnh sát GTĐB, trong trường hợp cần thiết có thể huy động thêm lực lượng. Vì vậy, việc phân định trách nhiệm, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ còn chồng chéo, bất cập dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, hoặc nhiều trường hợp xử lý vượt quyền, ai cũng có thể dừng xe kiểm tra, xử lý, gây khó cho người dân cũng như việc quản lý giao thông.

Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm chưa đạt được mục tiêu “mọi vi phạm đều phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh” quy định trong Luật GTĐB vì các hành vi vi phạm về quy tắc giao thông, người điều khiển phương tiện như điều khiển xe không có giấy phép lái xe, đi không đúng làn đường, phần đường, đi vào đường cao tốc, chở quá khổ quá tải, xâm phạm công trình giao thông, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè… vẫn còn diễn ra phổ biến, phức tạp.

Cùng với những quy định mới của các luật vừa có hiệu lực pháp luật, trong đó đáng chú ý là Luật Phòng chống rượu bia với quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu bia, thiết nghĩ, đã đến lúc phải sửa đổi Luật GTĐB cho phù hợp với sự phát triển của xã hội, với những công ước mà Việt Nam tham gia.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.