Trách nhiệm công dân trong phòng chống đại dịch COVID-19

Thứ Sáu, 07/05/2021 | 17:04

Từ trường hợp ca bệnh COVID-19 ở Hà Nam (bệnh nhân 2899) có tốc độ lây nhiễm nhanh ra cộng đồng, một vấn đề hết sức quan trọng cần đặt ra chính là thái độ, là trách nhiệm của công dân trước tình hình dịch bệnh như hiện nay. Nếu như bệnh nhân này tuân thủ nghiêm các khuyến cáo, yêu cầu của cơ quan chức năng trong phòng chống dịch, thì chắc chắn sẽ không có hàng loạt người bị lây nhiễm khiến dịch bệnh lại bùng phát trở lại.

Tiêm vắc-xin COVID-19 đầy đủ là một trong những biện pháp hiệu quả để phòng ngừa dịch bệnh. Ảnh: K.P

Trong khi Đảng, Nhà nước xác định phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia tích cực, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và toàn thể Nhân dân, thì việc phòng, chống bệnh truyền nhiễm không chỉ là trách nhiệm của riêng Nhà nước hay cá nhân, tổ chức nào mà là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Điều này cũng được quy định rõ trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Thế nhưng, không phải người dân nào cũng hiểu biết và quan tâm đến quy định này một cách nghiêm túc.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất trong phòng chống dịch COVID-19 là ý thức và trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp thì ý thức và trách nhiệm, sự đồng lòng của mỗi công dân trong phòng, chống dịch bệnh là yếu tố then chốt đẩy lùi dịch bệnh.

Người dân, trước hết phải tin tưởng vào các quyết sách, biện pháp của Nhà nước, vì tin tưởng thì mới tự nguyện làm theo tốt nhất. Thực tế thời gian qua cho thấy, đến hiện tại, rõ ràng, người dân và chính quyền các cấp đã làm rất tốt điều này. Thực hiện nghiêm chỉnh quy định khai báo sức khỏe, khai thông tin liên quan một cách trung thực, chính xác, không gian dối hoặc cố tình che giấu thông tin. Đặc biệt là việc thực hiện nghiêm những biện pháp tự bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Kịp thời phản ánh những thông tin liên quan đến dịch bệnh COVID-19 qua đường dây nóng, qua hệ thống cán bộ khóm, ấp, khu dân cư. Thời gian qua, rất nhiều người dân đã nhanh chóng báo đến chính quyền khi phát hiện có những trường hợp nghi ngờ trong phòng chống dịch. Và hầu hết mọi người đều chấp hành nghiêm túc những quy định của pháp luật, của Chính phủ liên quan đến tình hình dịch bệnh.

Bên cạnh yếu tố tích cực, vẫn còn một bộ phận người dân thiếu ý thức trách nhiệm, không chấp hành nghiêm những khuyến cáo của ngành Y tế. Cố tình vi phạm như khai gian trong hồ sơ khai báo y tế, trốn cách ly, hoặc nhờ người khác đi cách ly thay mình, hay có hành vi tụ tập đông người, không đeo khẩu trang. Nhiều trường hợp lợi dụng diễn biến của dịch bệnh, đăng tải những thông tin không chính xác, bịa đặt về tình hình dịch bệnh, lan truyền những biện pháp phòng ngừa không đúng, không có căn cứ, gây hoang mang dư luận. Tất cả những điều này đều cần phải được xử lý và ngăn chặn.

Rõ ràng, với trách nhiệm và ý thức của mỗi cá nhân, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát rất tốt. Mỗi người dân không chỉ tuân thủ đúng, mà cũng nên là mỗi tuyên truyền viên để tự mình, cùng với cộng đồng, nâng cao ý thức phòng chống dịch. Và lan tỏa những điều này đến từng khu phố, từng nhà, từng người.

KIM PHƯỢNG

Trường hợp nam bệnh nhân 2899 sau khi từ nơi cách ly tập trung trở về không khai báo y tế, cách ly y tế tại nhà mà lại tụ tập ăn nhậu, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo Điều 240 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 và Hướng dẫn tại Công văn số 45/HĐTP ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Một số hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh

Để đối phó với dịch bệnh, Việt Nam đã có khung pháp lý và thể chế đầy đủ, rõ ràng, minh bạch và hiệu quả để đấu tranh phòng, chống dịch bệnh. Dưới đây là một số quy định mà người dân cần biết để tránh vi phạm.

* Hành vi đưa tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh COVID-19: Phạt 10 - 15 triệu đồng đối với cá nhân, 20 - 30 triệu đồng đối với tổ chức khi đưa tin không chính xác về tình hình dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc cải chính thông tin sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn đã đưa tin trước đó liên tục trong 3 ngày theo quy định của pháp luật”.

Phạt từ 5 - 10 triệu đồng đối với cá nhân, 10 - 20 triệu đồng đối với tổ chức khi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19.

Ngoài ra, nếu đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19 có thể bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015.

* Hành vi không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, vứt khẩu trang có thể làm lây lan dịch bệnh: Người cố tình không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ bị xử phạt với mức phạt từ 1 - 3 triệu đồng/trường hợp (áp dụng quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 12 Nghị định 117 của Chính phủ). Hành vi vứt khẩu trang, các chất, vật dụng đã sử dụng không đúng nơi quy định có khả năng làm lây lan dịch bệnh COVID-19 sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng.

* Hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng của bản thân hoặc của người khác mắc dịch bệnh COVID-19: Phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Ngoài ra, nếu làm lây lan dịch bệnh COVID-19 cho người khác có thể bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015.

* Hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thầm quyền đối với người mắc bệnh COVID-19: Phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng. Và có thể bị xử lý hình sự trong trường hợp làm lây lan dịch bệnh COVID-19 cho người khác.

* Trường hợp không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh COVID-19; Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch bệnh COVID-19: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với cá nhân, từ 20 - 40 triệu đồng đối với tổ chức.

Ngoài ra, sẽ xử lý hình sự những trường hợp chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như: quán bar, karaoke, dịch vụ massage, cơ sở thẩm mỹ, phòng tập gym/yoga/game, rạp chiếu phim...) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh COVID-19, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh theo Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015.

* Hành vi không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khấn cấp dịch bệnh COVID-19: Phạt từ 30 - 40 triệu đối với cá nhân, 60 - 80 triệu đồng đối với tổ chức.

* Những đối tượng nào có hành vi giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người nước ngoài vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép: Phạt từ 15 - 25 triệu đồng, nếu là tổ chức sẽ bị phạt từ 30 - 50 triệu đồng. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể còn bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài ra, hành vi này còn bị xử lý hình sự liên quan đến quy định về xuất cảnh nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép.

KIM KIM (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.