Phóng sự - Ký sự

Những ngôi trường được mọc lên từ… lòng dân

Thứ Tư, 18/09/2019 | 17:09

Phong trào hiến đất xây dựng trường học, làm lộ giao thông… đang trở thành điểm sáng trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Những vùng quê yên ả giờ đây bừng sáng lên sức sống mới, diện mạo mới. Nơi đó, có những ngôi trường được mọc lên từ lòng dân, ngày ngày nâng bước cho những cô cậu học trò nhỏ bước đến tương lai…

Với nghĩa cử cao đẹp hiến hơn 5.000m2 đất xây dựng Trường tiểu học Trần Kim Túc, ông Hồ Cảnh Sến vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: C.K

Trước mắt tôi là người đàn ông nhỏ nhắn, da ngăm đen, trán trợt, có nụ cười rất hiền. Ông là Phạm Thanh Tùng (sinh năm 1965, ngụ ấp Xẻo Gừa, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân). Ẩn trong con người giản dị đó là một tấm lòng nhân hậu, giàu yêu thương khi anh tự nguyện hiến gần 7.000m2 đất xây trường học. “Chuyện lớn” vậy mà anh vẫn từ tốn: “Đó cũng là chuyện thường tình, không có gì lớn lao. Nguyên nhân là thấy các cháu mầm non đi học xa vất vả nên muốn có một ngôi trường đàng hoàng, ở gần lộ cho các cháu thuận tiện học hành”.

Trên phần đất của gia đình anh Tùng, một ngôi trường đang được xây dựng với 8 phòng học lầu, kinh phí gần 9 tỷ đồng. Dự án xây dựng Trường mầm non Sen Hồng nằm trong lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới của xã. Dự kiến, vào đầu học kỳ 2 của năm học 2019 - 2020 sẽ hoàn thành. Không chỉ quý ở tấm lòng, khi trường được khởi công xây dựng, bao nhiêu huê lợi trên mảnh đất của gia đình, anh cũng không thu hoạch mà vẫn vui vẻ giao đất. Cô Quách Thị Ngọc Ngân, Hiệu trưởng Trường mầm non Sen Hồng, cho biết: “Khi đó trên phần đất được bàn giao có sân bóng, vườn tràm, vườn khoai mì của nhà anh Tùng. Nếu tính thành tiền thì cũng cả trăm triệu đồng, nhưng gia đình anh vẫn tự nguyện bàn giao phần đất để xây trường. Tấm lòng của anh và gia đình thật đáng quý biết bao!”.

Cách đó không xa, ở ấp Chủ Chọt (xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân), có ngôi trường tiểu học vinh dự mang tên người “thủ lĩnh nông dân” Trần Kim Túc (tên thường gọi là Chủ Chọt) trong cuộc khởi nghĩa ở Ninh Thạnh Lợi năm 1927. Đây là ngôi trường có hình dáng giống như nhiều ngôi trường khác, nhưng có một điểm khác biệt là toàn bộ diện tích đất của trường do một lão nông tự nguyện hiến  mà không đòi hỏi bất kỳ điều kiện gì.

Ông Trần Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Kim Túc, cho biết: “Trường được thành lập vào năm 2013 trên diện tích hơn 2.000m2, do ông Hồ Cảnh Sến tự nguyện hiến đất. Đến năm 2015, do nhu cầu mở rộng, xây thêm dãy 6 phòng học lầu nên ông hiến thêm hơn 1.000m2 đất nữa. Rồi năm 2015, để đủ diện tích đạt chuẩn quốc gia, ông Sến tiếp tục hiến 2.000m2 đất. Hiện tại, diện tích của trường là hơn 5.000m2 đều do ông Sến tự nguyện hiến”.

Tiếp chuyện với tôi, ông Hồ Cảnh Sến (sinh năm 1949) thật sự cũng không nhớ rõ từng thời điểm hiến đất mà chỉ cho biết nguyên nhân hiến đất đơn giản là “thấy con cháu trong ấp đến trường phải lặn lội quá xa, đường đi lại thì khó khăn nên hiến đất xây trường để tụi nhỏ có nơi học hành đàng hoàng”. Đáng quý hơn là không chỉ tự nguyện hiến đất, khi được các cấp lãnh đạo ngỏ ý đền bù huê lợi trên đất với giá trị hàng trăm triệu đồng, ông Sến đều lắc đầu không nhận. Không chỉ thế, dù tuổi cao nhưng ông vẫn tự mình đốn cây, dọn dẹp mặt bằng để bàn giao đất xây trường. Nghĩa cử cao đẹp ấy được Đảng, Nhà nước ghi nhận khi ông vừa được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Với hơn 5.000m2 đất ấy, trường được đầu tư xây dựng 11 phòng học lầu, 7 phòng hiệu bộ, phòng chức năng để phục vụ việc dạy và học cho hơn 300 học sinh. Không phụ tấm lòng của lão nông Hồ Cảnh Sến, tập thể cán bộ quản lý, nhà giáo, học sinh của trường đã phấn đấu qua nhiều năm xây dựng cảnh quan nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục… để trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào tháng 6/2018. Đó là nền tảng để nhà trường nỗ lực đạt chuẩn mức độ 2 trong năm học 2019 - 2020 này.

Chuyện những lão nông tự nguyện hiến đất xây trường giờ đây không còn hiếm mà dường như đã trở thành phong trào trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhưng ít ai biết rằng, gần 20 năm về trước, ông Nguyễn Thanh Hải (sinh năm 1962, xã Phong Thạnh Tây, huyện Phước Long) trong cảnh còn nợ tiền mua đất nhưng đã tình nguyện hiến hơn 1ha đất xây Trường THCS Phong Thạnh Tây A và nhà văn hóa cho địa phương. Nghĩa cử của ông xuất phát từ một chiều mưa thấy học trò lặn lội trên đường đất trơn trượt, quần áo lấm lem để đến trường.

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hồng Dân, cho biết: “Nghĩa cử cao đẹp của người dân khi sẵn sàng hiến hàng ngàn mét vuông đất để xây trường học thể hiện sự quan tâm của người dân đến công tác giáo dục. Những tấm lòng quý hơn vàng ấy luôn được các thế hệ nhà giáo, học trò khắc ghi. Chúng tôi luôn tri ân bằng việc làm thiết thực là “dạy tốt - học tốt” để góp phần vào sự nghiệp giáo dục chung của quê hương”.

Tấm lòng của những nông dân ở những vùng quê thật quý giá biết bao. Họ sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để cùng chung tay, góp sức cho sự nghiệp “trồng người”, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp khi Đảng, Nhà nước cần sự góp sức của nhân dân. Tôi chợt nhớ đến lời Bác dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Quả thật, khi ý Đảng hợp với lòng dân thì sự nghiệp giáo dục - đào tạo của quê hương ngày càng được vun đắp từ cái nghĩa, cái tình của những người dân chân chất.

Châu Khánh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.