An toàn trên không gian mạng

Thứ Hai, 02/09/2019 | 16:19

Sự phát triển và ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ của công nghệ thông tin vào cuộc sống đã cải tiến, đem lại nhiều phương thức, công cụ lao động, học tập, giải trí mới cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội tăng trưởng, hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, không gian mạng đã và đang bị kẻ xấu lợi dụng để hoạt động phạm tội, gây mất an toàn cho người sử dụng, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Bài 1: Môi trường hiện đại, phức tạp

Công an tỉnh khẳng định các hành vi vi phạm pháp luật, phạm tội trên không gian mạng diễn ra hàng ngày, thủ đoạn tinh vi, liên tục thay đổi phương thức hoạt động, đối tượng phạm tội có cả người trong nước và người nước ngoài. Không gian mạng trở thành môi trường tác chiến mới để ngành Công an giữ vững trận địa tư tưởng, chính trị, an ninh Tổ quốc.

Bà Đ.P.L (30 tuổi, xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình) thừa nhận đăng tin “Thịt heo bệnh về tới Bạc Liêu rồi” là sai sự thật tại cơ quan chức năng ngày 18/3/2019.

Đem lại cuộc sống tiện nghi, hiện đại

Việt Nam chính thức kết nối mạng Internet vào năm 1997. Sau 22 năm có mặt, mạng Internet đã thay đổi cuộc sống, cách làm việc của người dân nước ta nói chung, trong đó có cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh nói riêng.

Theo Luật An ninh mạng có hiệu lực từ năm nay - 2019, không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

Đối với Bạc Liêu, việc ứng dụng thành tựu trên lĩnh vực công nghệ thông tin vào cuộc sống đã đem lại nhiều hiệu quả và được sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới. Tỉnh đã xây dựng hệ thống Cổng thông tin điện tử để công bố công khai thông tin, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, kịp thời đưa tin phản ánh những sự kiện nổi bật của đời sống xã hội, văn hóa, kinh tế, chính trị diễn ra trên địa bàn tỉnh, công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong tháng 9/2019, tỉnh sẽ vận hành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Hiện 98% cán bộ, công chức tỉnh (khoảng 5.000 người) được cấp và sử dụng hộp thư điện tử công vụ, 5% các văn bản đến/đi được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng so với tổng số văn bản đến/đi giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

Còn đối với người dân, sự tiện nghi, hiện đại trong cuộc sống được nâng lên theo từng năm. Năm 2018, cả tỉnh có 15.700 hộ gia đình có kết nối Internet băng thông rộng, còn số thuê bao điện thoại di động đạt 875.000 thuê bao, tăng hơn 181.000 thuê bao so với năm 2017, tức là trung bình mỗi người dân (không phân biệt trẻ em hay người lớn) gần như đều sở hữu 1 thuê bao. Còn theo một nghiên cứu của TS. Lâm Thị Sang vào năm 2014, 40% thanh niên Bạc Liêu sử dụng thời gian rảnh rỗi vào mạng Internet để giải trí lành mạnh, học tập chuyên môn, tích lũy thêm kiến thức về cuộc sống. Các việc có tính chất cờ bạc, vô bổ thì thanh niên trong tỉnh ít tham gia.

Nội dung tờ rơi tuyên truyền thủ đoạn tội phạm lừa đảo trên

không gian mạng của lực lượng công an. Ảnh: N.Q

Lừa đảo, tấn công mạng

Đi đôi với tiện ích, công nghệ thông tin cũng bị lợi dụng để “nói ngả, nói nghiêng”, chèn sóng lấy cắp bí mật quốc gia, tung tin đồn thất thiệt, thực hiện hành vi vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật. Đơn cử như ngày 15/3/2019, khi trên địa bàn tỉnh chưa có dịch bệnh tả heo châu Phi, một cư dân mạng đã loan tin thất thiệt “Thịt heo bệnh về tới Bạc Liêu rồi”, gây hoang mang cho người dân, tác động tiêu cực đến người chăn nuôi.

Đại tá Dương Tứ Phương, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cho biết: “Tội phạm mạng diễn ra mỗi ngày, chúng giả danh cơ quan tố tụng để lừa đảo; lừa trúng thưởng; gian dối khi bán hàng qua mạng; rao bán bằng cấp, chứng chỉ. Hoặc giả mạo người nước ngoài làm quen những phụ nữ lỡ thời, góa chồng để lừa đảo. Thủ đoạn này đã xâm hại đến người địa phương, nhưng số người bị chiếm đoạt tài sản thì ít".

Đầu tháng 8, đồng chí P. - lãnh đạo cơ quan cấp tỉnh, nhận được cuộc gọi của người tự xưng là công an, đang thụ lý vụ án liên quan đến chị. Biết thủ đoạn lừa đảo của bọn chúng, chị P. thẳng thừng trả lời: “Việc này anh cứ liên hệ thẳng Công an tỉnh”. Nghe vậy, chúng tắt máy.

Chiêu lừa không mới này đã gạt được nhiều người, chúng thường sử dụng máy kích hoạt giọng nói, giả danh công an, viện kiểm sát để đe dọa nạn nhân, yêu cầu họ chuyển tiền vào tài khoản của chúng. Hoặc chúng mua sổ danh bạ điện thoại để biết số điện thoại của doanh nghiệp, công ty - những nơi có nhiều tiền để “giăng bẫy” kiếm tiền. Theo Công an tỉnh, mỗi ngày bọn tội phạm này gọi điện thoại cho 50 - 70 tổ chức, cá nhân.

Không gian mạng mất an toàn có khi đến từ chính nhà cung cấp dịch vụ. Thông tin cá nhân của người dùng bị thu thập trái phép phục vụ mục đích kinh tế, chính trị, và mạng xã hội Facebook nhiều lần đã bị nêu tên về việc này. Không phải ngẫu nhiên mà các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, cơ sở sản xuất, kinh doanh khác biết số thuê bao di động của bạn để gọi, nhắn tin mời chào sản phẩm, không loại trừ khả năng nhà mạng đã lén bán tài nguyên số này. Cũng có khi việc mất an toàn đến từ người sử dụng nếu vô ý làm lọt lộ bí mật Nhà nước. Có trường hợp cố tình, hay do thiếu hiểu biết mà vô tình xúc phạm danh dự, nhân phẩm, đời tư, vu khống người khác. Giữa năm 2019, một nữ sinh viên Trường đại học Bạc Liêu bị vu khống trên mạng xã hội là kẻ cướp tài sản; một giáo viên mầm non trên địa bàn TP. Bạc Liêu chỉ vì thiếu nợ hơn 3 triệu đồng chậm trả, bị một phụ nữ cho mượn tiền đăng ảnh gia đình, bêu tên họ, nghề nghiệp, nơi công tác lên Zalo.

Nguy hiểm hơn, đó là mất an toàn do bị tấn công có chủ đích từ bên ngoài. UBND tỉnh nhận định: “Các cuộc tấn công ngày càng phức tạp cả về quy mô lẫn mức độ ảnh hưởng”. TS. Ngô Đức Lưu, Trưởng khoa Công nghệ - Thông tin, Trường đại học Bạc Liêu cho rằng, tội phạm tấn công mạng để phá hoại phần cứng, phần mềm, hay nói cách khác là phần cứng và các dữ liệu, để làm ngưng trệ các hệ thống của tổ chức, đơn vị mà nó nhắm đến. Thứ hai là đánh cắp thông tin như các bí mật quốc gia, các dữ liệu liên quan quốc phòng - an ninh… Thay đổi thông tin, dữ liệu để thông tin không còn chính xác như nguyên bản.

Năm 2018, phần mềm độc hại WannaCry (tạm dịch: “muốn khóc”) tấn công toàn cầu, tỉnh cũng bị lây nhiễm nhiều. Rất may, nhờ đã được cảnh báo từ sớm nên dữ liệu của tỉnh đã được sao lưu dự phòng. Riêng Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic II bị tổn thất nặng khi vi-rút máy tính này xâm nhập vào phần lưu hồ sơ bệnh án trong máy chủ, lấy đi nhiều kết quả chẩn đoán hình ảnh của bệnh nhân để đòi tiền chuộc. Các cơ quan chức năng của Trung ương, tỉnh đã cô lập, chuyển dữ liệu qua máy trung gian, cứu được một phần dữ liệu.

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.