Quốc phòng - An ninh
Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Minh Nhựt: Chiến đấu đến viên đạn cuối cùng
Vào thời điểm này gần 50 năm trước, ngày 25/1/1968, Tỉnh ủy Bạc Liêu nhận lệnh của Khu ủy Tây Nam bộ về tổng tiến công và nổi dậy giải phóng tỉnh nhà. Đi tiên phong trong đoàn quân năm ấy có đồng chí Nguyễn Minh Nhựt (Ba Nhựt), Xã đội trưởng xã Châu Hưng (nay là xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi).
Trường THCS Nguyễn Minh Nhựt cơ sở 1 tại ấp Cái Dày (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: N.Q
Đầu năm 1968, thực hiện chủ trương tổng tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân, Huyện ủy và Ban Chỉ huy huyện Vĩnh Lợi thống nhất giao nhiệm vụ cho xã Châu Hưng đưa một trung đội du kích xã trang bị đầy đủ cùng với Đội biệt động thị xã Bạc Liêu tiến quân từ hướng Đông - Đông Bắc thị xã để đánh chiếm Tòa Hành chính và Bộ Chỉ huy Sư đoàn 21 địch. Đồng chí Ba Nhựt, khi đó là Xã đội trưởng thay mặt cho 30 du kích xã Châu Hưng tuyên thệ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trước giờ giao thừa, các mũi đã khẩn trương bí mật tiến vào chiếm lĩnh trận địa theo kế hoạch và phương án tác chiến.
Đêm 30 rạng 31/1/1968 (tức khuya mùng 1 rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân), Ban chỉ huy mũi 1 chọn 40 quân thuộc tiểu đội biệt động thị xã Bạc Liêu và trung đội du kích xã Châu Hưng đánh chiếm khu Lò Gạch, Võ Tánh, khu 3, khu 4 (phường 3, TP. Bạc Liêu ngày nay). Tiểu đội biệt động thị xã và trung đội du kích xã Châu Hưng lợi dụng đêm tối bí mật hành quân đến Trà Văn vượt qua được kênh xáng vành đai và vào khu Lò Gạch. Trên đường hành quân đã dũng cảm chiến đấu đánh diệt 3 cụm tiền đồn bảo vệ trung tâm thị xã của địch, diệt trên 20 tên. Quân ta chiếm lĩnh một phần khu Lò Gạch và Võ Tánh, một phần khu 3 và khu 4.
Đúng theo nhận định của ta, sáng mùng 2 Tết Mậu Thân, địch huy động cả tiểu đoàn bao vây, dùng máy bay rải xăng đặc, kết hợp với hỏa lực, súng cối và các loại pháo bắn phá dữ dội, thiêu trụi toàn bộ nhà cửa của dân trong khu vực mà lực lượng ta đang chốt giữ như: Lò Gạch, Võ Tánh đến rạp hát Chung Bá (rạp Cao Văn Lầu, phường 3) và dùng bộ binh bao vây tiêu diệt lực lượng ta. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt suốt ngày mùng 2 Tết, địch không tiến lên được, nhưng quân ta không còn sức chiến đấu vì hầu hết là du kích, trang bị vũ khí thiếu thốn, lực lượng đơn độc, bị bao vây.
Đến chiều ngày mùng 2 Tết, cuộc chiến càng diễn ra ác liệt hơn, đồng chí Nhựt ra lệnh cho Trung đội là thà hy sinh chứ nhất định không để lọt vào tay giặc. Do nằm trong thế bị cô lập hoàn toàn, nên lực lượng ta đã chọn rạp hát Chung Bá làm địa điểm tử thủ của mình. Sau khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, đồng chí Ba Nhựt đã đập gãy súng, nhảy lầu tuẫn tiết. Noi gương anh, các chiến sĩ còn lại cũng đập gãy súng và nhảy lầu hy sinh, quyết không để lọt vào tay của kẻ thù.
Tấm gương anh dũng hy sinh vì đất nước, dân tộc của đồng chí Ba Nhựt mãi là niềm tự hào của quê hương Bạc Liêu. Vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (năm 2014), Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Nguyễn Minh Nhựt. Ngày nay, tên đồng chí đã trở thành tên đường (từ Quốc lộ 1A đến cầu Chắc Đốt, xã Châu Hưng A), và được đặt tên trường học - Trường THCS Nguyễn Minh Nhựt.
Mạnh Quân
- Giải Bi sắt vô địch đồng đội quốc gia năm 2025: Bạc Liêu đoạt Huy chương Đồng nội dung đồng đội kỹ thuật nam
- Xây dựng mô hình thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Hợp tác xã Hồng Phát
- Đẩy mạnh bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng bộ các đơn vị xã mới thuộc huyện Hòa Bình
- Tọa đàm “Báo chí Cách mạng Cà Mau - Những chặng đường lịch sử vẻ vang”