Quốc phòng - An ninh
Hướng dẫn tố giác tội phạm trên ứng dụng VneID
Trước đây, cơ quan Công an tiếp nhận tin báo, thông tin tố giác tội phạm và các vấn đề phản ánh liên quan đến tình hình an ninh trật (ANTT) thông qua hình thức trực tiếp trao đổi với người dân, tiếp nhận gián tiếp qua điện thoại, qua đơn trình báo. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ 4.0, đặc biệt là việc sử dụng rộng rãi ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) đã trở thành một “kênh” tố giác tội phạm nhanh chóng, hiệu quả.
VNeID cho phép công dân tố giác nhiều hành vi phạm tội. Ảnh: Đ.H
Hiện nay, thông qua việc cài đặt và cập nhật mới đầy đủ các tính năng của ứng dụng VNeID, công dân có thể tố giác nhiều hành vi phạm tội như: thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng; cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông; cố ý gây nhiễu có hại; vi phạm quy định về sử dụng lao động dưới 16 tuổi; cưỡng bức lao động; bắt cóc con tin; tổ chức môi giới cho người khác xuất cảnh nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép; vi phạm quy định về giam giữ; gây rối trật tự phiên tòa…
Cụ thể, công dân tạo hồ sơ kiến nghị, phản ánh về tội phạm gửi tới cơ quan Công an trên VNeID theo cách sau: Đăng nhập tài khoản, từ trang chủ, chọn “Dịch vụ khác” để hiển thị danh sách tính năng và tiếp tục chọn tính năng “kiến nghị, phản ánh về ANTT” (có thể sử dụng chức năng tìm kiếm ở trang chủ để tìm chức năng tố giác tội phạm, đồng thời ghim tính năng này ngoài trang chủ để truy cập nhanh chóng cho lần sau).
Tiếp theo, để tạo mới hồ sơ kiến nghị, phản ánh về ANTT người dùng ấn nút chức năng “Tạo mới yêu cầu” đồng thời điền đầy đủ các thông tin yêu cầu - Ấn tiếp tục - tích vào ô “Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình báo ở trên” trước khi ấn “Gửi yêu cầu” để xác nhận lại các thông tin trong hồ sơ kiến nghị, phản ánh là đúng sự thật.
Những thông tin có dấu (*) là thông tin bắt buộc. Nếu người tố giác muốn giữ bí mật về thông tin của mình chọn vào ô “Ẩn danh”. Nếu người tố giác đại diện cho cơ quan tổ chức để tạo hồ sơ thì tích chọn ô “Là đại diện cơ quan tổ chức”. Lúc này, hệ thống hiển thị thêm các trường thông tin để người dùng nhập bổ sung.
Nếu thông tin về địa điểm xảy ra vụ việc, người tố giác cung cấp được thông tin rõ ràng, hệ thống sẽ tự động gửi hồ sơ tố giác, tin báo tới cơ quan công an phụ trách địa bàn đó để tiếp nhận và xử lý hồ sơ. Nếu ngược lại, người dùng chọn ô “Không rõ địa điểm xảy ra vụ việc”, hệ thống mặc định là hồ sơ tố giác, tin báo sẽ gửi tới cơ quan công an nơi công dân đang thường trú. Đối với phần “Tóm tắt nội dung”, người dùng phải nhập ít nhất các nội dung tóm tắt về diễn biến sự việc; đặc điểm nhận dạng người bị tố giác; thông tin tóm tắt người bị hại; hậu quả.
Các hồ sơ kiến nghị, phản ánh sau khi tạo thành công sẽ hiển thị ở trang quản lý hồ sơ kiến nghị, phản ánh. Trong thời hạn tối đa 24 giờ từ khi Công an cấp xã nhận được tin VNeID trên phần mềm, sẽ phải phân loại ngay (tiếp nhận hoặc từ chối tiếp nhận tin) để tổ chức thực hiện.
Đ.H
- Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình đến Bạc Liêu dự mít-tinh kỷ niệm Ngày 30/4
- Lãnh đạo Tỉnh ủy kiểm tra các hạng mục khánh thành Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu
- Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4 - năm 2025
- Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng biểu diễn nghệ thuật phục vụ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân khu vực biên giới biển
- Thẩm định khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất