Quốc phòng - An ninh
Khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh: Cuộc chiến thời bình
Bạc Liêu vừa kết thúc giai đoạn I Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025 (gọi tắt là Chương trình 504). Các công ty của Bộ Quốc phòng và Quân khu 9 đã khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn với diện tích 15.000ha và tiến hành rà phá. Huyện Đông Hải và Hồng Dân là hai địa bàn có diện tích ô nhiễm bom, mìn lớn nhất, nhì tỉnh (trên 3.000ha/huyện).
Thu gom quả bom MK117 nặng 340kg tại xã An Phúc (huyện Đông Hải) vào ngày 30/3/2016. Ảnh: N.Q
Nhiệm vụ hết sức nguy hiểm
Song song với hoạt động trên, từ năm 2013 đến nay, Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã phối hợp xử lý 21 vụ gồm trên 2.500 đầu đạn, bom, mìn các loại.
Với người lính công binh, thu gom, xử lý bom, mìn sau chiến tranh là một cuộc chiến trong thời bình. Trong chiến tranh, lính công binh đi trước, về sau trên trận địa. Còn thời bình, xử lý bom, mìn là một nhiệm vụ mới hết sức nguy hiểm, không có chỗ cho việc rút kinh nghiệm. Trung úy Trần Quốc Hưng, trợ lý công binh - Ban Công binh (Bộ CHQS), chia sẻ: “Khi thu gom bom, mìn thì không được mất tập trung, lơ là, tuyệt đối đảm bảo an toàn cho người và tài sản”.
Thời gian qua, Ban Công binh đã tập trung thu gom bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh theo đề nghị của các địa phương. Loại nguy hiểm, vật nổ lạ, hoặc mất hết ký hiệu, Bộ CHQS tỉnh sẽ báo về Quân khu 9. Từ năm 2014 đến nay, tại Bạc Liêu, Quân khu 9 đã thu gom, xử lý an toàn 14 quả bom, 5.200 quả pháo, cối và 45.000 viên đạn các loại.
Vẫn còn lơ là, chủ quan
Thời bình, không chỉ có những người lính làm nhiệm vụ thu gom bom, mìn tử vong, mà còn có cả người dân. Giữa tháng 10/2013, cái chết của học sinh Võ Văn Tốt (xã Định Thành, huyện Đông Hải) do đạn rốc-két nổ khiến nhiều người bàng hoàng. Vụ nổ làm rung rinh nhà cửa, tiếng nổ vang xa đến trụ sở xã cách hiện trường 4 cây số. Đầu năm nay xảy ra 1 vụ nổ đầu đạn phốt-pho trong lúc nạo vét đoạn kênh xáng qua xã Long Thạnh (huyện Vĩnh Lợi), rất may không thiệt hại về người.
Hậu quả khủng khiếp là vậy, song vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân lơ là, chủ quan, xem thường mức độ nguy hiểm của bom, mìn, vật nổ. Có người cưa quả pháo để làm cái đầm nền, có người lại lấy sắt bán phế liệu. Đạn dễ nổ nhất là loại M79, khi quay đủ vòng sẽ nổ - sát thương người bằng mảnh vụn trong bán kính 7 - 10m. Thế mà năm ngoái, một nhóm thợ hồ ở xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi) cầm ném nó như món đồ chơi. Một doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng khi phát hiện bom nằm lẫn trong cát chở từ tỉnh khác về Bạc Liêu không báo chính quyền, mà lại lén đem bỏ nơi khác.
Ngoài ra, một số công trình xây dựng trụ sở cơ quan, trường học (như trụ sở HĐND - UBND huyện Phước Long, Trường tiểu học phường 1, TX. Giá Rai…) không thực hiện hạng mục rà phá bom, mìn, vật nổ trước khi thi công. Vì vậy, khi thi công phần móng, công nhân tá hỏa khi đào trúng những thùng đạn pháo to bằng bắp đùi.
Khi xảy ra mất an toàn trong tiến trình thi công, chủ đầu tư, đơn vị thẩm định, phê duyệt dự án sẽ chịu trách nhiệm. Cho nên, cần có quy định xử lý mạnh đối với trường hợp cố tình bỏ qua công đoạn rà phá bom, mìn.
NGUYỄN QUỐC
Mọi người dân khi gặp bom, mìn, đạn cần tránh xa, đồng thời báo cho cơ quan chức năng biết để có biện pháp xử lý. Tuyệt đối không được di dời, tháo gỡ hoặc làm thay đổi tư thế…
(Ban chỉ đạo Chương trình 504).