Những cột mốc chủ quyền giữa trùng khơi

Thứ Sáu, 13/09/2019 | 15:51

Hơn 10.000 lá cờ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được trao cho ngư dân trong tỉnh. Từ Cảng cá Gành Hào, khu neo đậu tránh trú bão, các cửa biển đến các vùng biển của đất nước, mỗi tàu, thuyền đánh bắt thủy sản của tỉnh với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió là những cột mốc sống động, góp phần thể hiện khả năng, điều kiện làm chủ trên biển của ngư dân.

Đội tàu đánh bắt thủy sản huyện Đông Hải. Ảnh: P.T.C

Tiên phong bảo vệ chủ quyền

Trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, biển, đảo có vị trí đặc biệt quan trọng. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó lực lượng ngư dân mưu sinh, bám biển giữ vai trò rất quan trọng. Ngư dân vươn khơi, bám biển để khai thác thủy hải sản, nâng cao đời sống gia đình, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Đồng thời còn có niềm tự hào khi được làm chủ vùng biển, đảo quê hương, là những người tiên phong trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Biển Việt Nam bao la, rộng lớn, mỗi con tàu, mỗi chiếc thuyền là những cột mốc sống động, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Những tổ, đội tàu, thuyền ra khơi khai thác, đánh bắt hải sản là những “xóm, làng” trên biển Việt Nam. Lịch sử đã ghi nhận, mỗi khi biển, đảo quê hương có biến động, ngư dân cũng là “chiến sĩ” đầu tiên đấu tranh với kẻ thù, tiên phong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.

Ngư dân có vai trò quan trọng trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp ở biển Đông, do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển… ngư dân nước ta đã gặp không ít khó khăn trong việc vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế và khẳng định chủ quyền biển, đảo.

Bạc Liêu là một tỉnh có biển, và trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, có đến 4 trụ cột có liên quan đến biển. Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh từng khẳng định Bạc Liêu là tỉnh có tiềm năng, lợi thế về biển. Vì vậy, tỉnh đã và đang đẩy mạnh khai thác và phát triển kinh tế biển, từ đánh bắt trên biển đến nuôi trồng thủy hải sản… Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược biển Việt Nam, từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

BĐBP tỉnh tặng cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ cho ngư dân huyện Đông Hải tháng 9/2019. Ảnh: N.Q

“Truyền lửa” cho ngư dân

Đội tàu khai thác, đánh bắt thủy hải sản của tỉnh có sự biến động tích cực trong thời gian qua, đó là giảm số tàu có công suất từ dưới 90 mã lực, tăng số tàu có công suất từ 90 mã lực trở lên. Nếu năm 2015, toàn tỉnh có 1.223 chiếc với tổng công suất 180.600CV (mã lực), trong đó tàu có công suất từ 90 đến trên 400CV là 480 chiếc; thì đến năm 2019, con số này là 1.141 chiếc với tổng công suất 214.200CV, trong đó có 565 chiếc từ 90 đến trên 400CV. Song, nhìn tổng thể, phương tiện khai thác hải sản của tỉnh còn ít, công suất nhỏ, chủ yếu là tàu vỏ gỗ, nên chưa xứng với tiềm năng, yêu cầu khai thác hải sản ở vùng biển xa, sức ứng phó với tình huống phức tạp diễn ra trên biển. Vì thế, ngư dân cần được tạo điều kiện thuận lợi và quan trọng hơn là cần được “truyền lửa” để vươn khơi, bám biển khai thác và bảo vệ nguồn lợi từ biển, nâng cao đời sống, khẳng định và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển của Tổ quốc.

Đồng hành, sát cánh, để ngư dân yên tâm vươn khơi là Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và các lực lượng chức năng. Đại tá Lê Phạm Kháng, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP Bạc Liêu, chia sẻ: “Chúng tôi luôn thấu hiểu khát vọng làm chủ vùng biển quê hương và khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc của mỗi ngư dân địa phương. Để tiếp tục động viên, huy động ngư dân vươn khơi, bám biển và lan tỏa hành động góp sức bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phát động chương trình Trao cờ Tổ quốc cho ngư dân và đã tặng 4.000 lá cờ Tổ quốc, 500 ảnh Bác Hồ cho ngư dân thuộc 10 xã, phường, thị trấn ven biển”. Trước đó, cuối năm 2018 và tháng 6/2019, Báo Pháp luật Việt Nam và Báo Người lao động cũng đã tặng 6.200 lá cờ nước cho ngư dân Bạc Liêu.

Tại lễ trao cờ nước cho ngư dân Bạc Liêu (diễn ra tại Quảng trường Hùng Vương, ngày 1/6/2019), ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu: “Những ngư dân được nhận cờ và ảnh Bác Hồ - đó là món quà vô giá, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho bà con vươn khơi, bám biển, khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của đất nước”. Còn ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người lao động, chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng việc làm của tập thể Báo Người lao động đang đi đúng hướng. Đó là cùng ngư dân nói riêng, người dân cả nước nói chung cùng chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng mà cha ông đã tạo lập, giữ gìn”.

Sau khi ngư dân nhận cờ, Chi cục Thủy sản tỉnh đã hướng dẫn thuyền trưởng, thuyền viên treo cờ đúng quy định, bảo đảm tính trang trọng. Ông Trần Xí Khuôl, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: “Luật Thủy sản quy định tất cả các tàu khi ra cửa biển nếu không treo cờ Tổ quốc, hoặc treo cờ đã rách, lực lượng BĐBP sẽ không cho ra khơi hoạt động”. Bởi, ai cũng hiểu được rằng: lá cờ Tổ quốc rất thiêng liêng.

Nguyễn Quốc

---------------------------------------------

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu:

Là tỉnh có tiềm năng, lợi thế về biển, vì vậy, tỉnh đã và đang đẩy mạnh khai thác và phát triển kinh tế biển, từ đánh bắt trên biển đến nuôi trồng thủy hải sản… Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược biển Việt Nam, từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.