Quốc phòng - an ninh trong chiến lược phát triển kinh tế biển

Thứ Hai, 21/01/2019 | 17:25

Là một trong 28 tỉnh, thành trong cả nước có biển, Bạc Liêu luôn quan tâm khai thác tiềm năng, lợi thế từ biển và khu vực ven biển. Đặc biệt, từ khi tỉnh đưa kinh tế biển trở thành “trụ cột thứ 5” trong tăng trưởng kinh tế thì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới ở khu vực này được đặt lên một tầm cao mới. 

Bài 1: Kinh tế biển giúp tỉnh thực hiện mục tiêu lớn

Thế kỷ 21 được xác định là thế kỷ của đại dương. Vì thế, chủ trương hướng mạnh ra biển để phát triển kinh tế đang tạo ra một nguồn lực lớn hứa hẹn đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh giàu từ biển trong tương lai gần. Việc phát triển đó sẽ được gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh (QP-AN), xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, chủ động đối phó với mọi tình huống nhằm giữ vững ổn định chính trị…

Bộ đội Biên phòng Bạc Liêu tuần tra trên biển. Ảnh: P.T.C

“VIÊN NGỌC XANH BÊN BỜ BIỂN TÂY NAM”

Những ngày đầu năm 2018, hội nghị xúc tiến đầu tư Bạc Liêu đã diễn ra. Điểm nhấn tại hội nghị này là thu hút đầu tư rất lớn vào dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, và sau đó được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án. Đây là động lực lớn để Bạc Liêu thực hiện ước mơ trở thành thủ phủ tôm công nghiệp của cả nước.

Một năm sau, cũng những ngày đầu tháng 1/2019, làm việc với Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Bạc Liêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện sự ủng hộ cao đối với tỉnh về dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu. Đây là dự án rất quan trọng giúp tỉnh tái cơ cấu ngành kinh tế theo hướng đột phá và bền vững, mang cơ hội to lớn cho tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu lớn nhất trong nhiệm kỳ là vươn lên vào tốp tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL và cả nước.

Theo tính toán sơ bộ, dự án sẽ mang lại khoảng 2.500 - 3.000 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách tỉnh. Dự án có quy mô công suất 3.200MW, tổng vốn 4,3 tỷ USD do Công ty Delta Offshore Energy của Hoa Kỳ đầu tư. Địa điểm triển khai dự án là khu vực bãi bồi ven biển của tỉnh.

Dịp này, tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo hỗ trợ tỉnh trong việc tìm kiếm giải pháp công trình, phi công trình giảm sóng, gây bồi từ xa có hiệu quả để phát triển vành đai rừng phòng hộ, bảo vệ tuyến đê biển và các hạ tầng bên trong…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng nhắc lại tầm nhìn đối với Bạc Liêu tại cuộc làm việc với tỉnh cách đây gần 1 năm là “Xây dựng Bạc Liêu trở thành viên ngọc xanh bên bờ biển Tây Nam của đất nước”. Phát triển du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và trở thành trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL; xây dựng hệ sinh thái du lịch sống động, đa dạng sản phẩm, kết nối với các trung tâm du lịch lớn; tận dụng và phát huy tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo, phát triển điện gió, điện mặt trời…

NÔNG THÔN VEN BIỂN KHỞI SẮC, PHÒNG TUYẾN QP-AN VỮNG MẠNH

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, việc xây dựng cơ sở vật chất, các công trình phòng thủ ven biển luôn được tỉnh xác định là nội dung quan trọng trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố QP-AN của địa phương được triển khai một cách đồng bộ nhằm đưa khu vực phòng thủ ven biển nâng lên một bước mới.  

Đối với tỉnh Bạc Liêu, trên thực tế đã có nhiều công trình kết hợp kinh tế với QP-AN được đầu tư, khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng, như: Nhà máy Điện gió; xây dựng, nâng cấp đường Cao Văn Lầu ra cửa biển Nhà Mát (TP. Bạc Liêu); đường Giá Rai - Gành Hào; đường đê biển Đông; kè chống sạt lở Khu du lịch Nhà Mát; kè chống sạt lở cửa sông ven biển thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải); Cảng biển Gành Hào; hạ tầng nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp ở xã Long Điền Đông và Long Điền Tây (huyện Đông Hải) và vùng nuôi tôm siêu thâm canh xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình). Ngoài ra, tỉnh còn thường xuyên duy tu, sửa chữa 3 cột đèn báo bão và áp thấp nhiệt đới ở 3 cửa biển; lắp đặt trạm thông tin liên lạc tích hợp định vị vệ tinh tại Sở NN&PTNT; lắp đặt 51 thiết bị kết nối vệ tinh cho các tàu cá theo dự án MOVIMAR; hỗ trợ 137 máy trực canh nghe dự báo thời tiết cho các tàu cá theo dự án.

UBND tỉnh cũng đã trình Trung ương thẩm định, phê duyệt dự án tránh trú bão ở cửa biển Gành Hào với quy mô 800 tàu thuyền, Cái Cùng 250 tàu thuyền và Nhà Mát 300 tàu thuyền. Đồng thời sửa chữa hàng trăm công trình, dự án cầu đường phục vụ sản xuất, du lịch, phát triển kinh tế - xã hội… với tổng kinh phí hàng ngàn tỷ đồng. Tất cả các công trình, dự án ấy còn góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh cho người dân ven biển. Từ đó bộ mặt nông thôn ven biển ngày càng khởi sắc, làm cho phòng tuyến QP-AN nhân dân ngày càng vững mạnh.  

Trong triển khai thực hiện các chương trình kết hợp kinh tế với QP-AN, các cấp, các ngành trong tỉnh đã phối hợp thực hiện, đầu tư cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Các dự án đầu tư luôn đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ phòng thủ, quản lý, bảo vệ biên giới biển; tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng vũ trang nói chung, Bộ đội Biên phòng nói riêng thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ an ninh biên giới biển. 

Tấn Đạt

------------------------------------------------------------------

Để phát huy các tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế biển, BTV Tỉnh ủy đã đề ra Kết luận 67/KL-TU về tiếp tục phát triển kinh tế biển và vùng phía Nam Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Đây được xem là động lực để Bạc Liêu phát huy thế mạnh này và đưa kinh tế biển trở thành “trụ cột thứ 5” trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

BTV Tỉnh ủy xác định, cùng với phát triển kinh tế là kết hợp với QP-AN, gắn kết chặt chẽ quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ QP-AN; bảo đảm việc đầu tư phát triển các chương trình, dự án về kinh tế - xã hội phải góp phần tăng cường tiềm lực QP-AN vùng biển và ven biển của tỉnh. Quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho các lực lượng vũ trang, nòng cốt là Bộ đội Biên phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm QP-AN, trật tự trị an vùng biển và ven biển của tỉnh. Kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án phòng thủ, tác chiến sát với quy hoạch phát triển kinh tế biển và khu vực ven biển của tỉnh. Kết hợp chặt chẽ việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; giữ gìn sự đoàn kết giữa các dân tộc, các tầng lớp nhân dân trong việc bảo đảm an ninh trật tự khu vực ven biển…

T.Đ (lược trích)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.