Quốc phòng - An ninh
Tạo điều kiện tốt nhất để người dân được cấp Căn cước công dân
Người dân TX. Giá Rai đến làm thủ tục cấp CCCD. Ảnh: T.Đ
Đại tá Ngô Thành Thật - Phó Giám đốc Công an tỉnh đã khẳng định như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Bạc Liêu liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chiến dịch cấp Căn cước công dân (CCCD) đại trà mà lực lượng công an toàn tỉnh đang thực hiện.
PV: Chiến dịch cấp CCCD đại trà trên địa bàn tỉnh đang bước vào giai đoạn nước rút, nhưng người dân vẫn muốn biết, những đối tượng nào thuộc diện ưu tiên khi làm thủ tục tại các điểm cấp CCCD, thưa Đại tá?
Đại tá Ngô Thành Thật: Đối tượng được ưu tiên khi làm thủ tục tại các điểm cấp CCCD gồm: người già yếu, người bệnh, phụ nữ có thai, người có con nhỏ… Tôi đề nghị các điểm cấp CCCD cần công khai với người dân đến làm thủ tục về quy định ưu tiên này. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp này, người nhà đến nộp hồ sơ tại các điểm cấp CCCD cần kiểm tra thông tin trước, khi đến sẽ được ưu tiên thu nhận hình ảnh và vân tay trong thời gian ngắn nhất.
PV: Thực tế thời gian qua, Công an ở huyện này không nhận cấp CCCD cho người dân ở huyện khác. Như vậy, người dân ở các huyện, thị xã, thành phố thì có phải lên Công an tỉnh để xin cấp CCCD? Và khi đi, người dân có cần mang theo giấy tờ gì?
Đại tá Ngô Thành Thật: Hiện tại, công dân đăng ký thường trú tại huyện này thì không thể đến huyện khác để làm CCCD. Nhưng tất cả địa phương trong tỉnh, công dân đến Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH) sẽ được cấp CCCD. Khi đến địa điểm cấp CCCD, người dân cần mang theo sổ hộ khẩu, Chứng minh nhân dân (CMND) có đầy đủ ngày, tháng sinh, không cần phải có đơn đề nghị (giấy giới thiệu) như trước đây cấp CMND. Nếu hộ khẩu và CMND không ghi ngày, tháng sinh thì phải có một trong các giấy tờ sau có ghi ngày tháng sinh: giấy khai sinh; hộ chiếu; giấy chứng nhận đăng ký kết hôn hoặc bằng cấp.
PV: Trước đây, nhiều người già yếu, tàn tật, người bệnh... không đi lại được thì cán bộ, chiến sĩ công an đến làm giấy CMND tại nhà hoặc tại giường bệnh… Hiện nay, Công an tỉnh có tổ chức như vậy khi cấp CCCD cho các đối tượng này?
Đại tá Ngô Thành Thật: Công an tỉnh rất quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất để phục vụ những người già yếu, tàn tật, người bệnh đi lại khó khăn. Ngoài những tổ cấp CCCD cố định, Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các Tổ cấp CCCD lưu động đến từng địa bàn xã, phường, thị trấn nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người già yếu, tàn tật, người bệnh đi lại khó khăn… Tuy nhiên, việc cấp CCCD phải lắp đặt máy móc, thiết bị, đường truyền…, mất nhiều thời gian, rất khó khăn. Do vậy, những trường hợp này thì gia đình nên liên hệ với Tổ cấp CCCD lưu động gần nhất để được ưu tiên giải quyết.
PV: Khi lên Công an tỉnh để xin cấp CCCD mà người dân không có giấy khai sinh, chỉ có hộ khẩu hoặc CMND mà cả hai có ghi đầy đủ ngày, tháng sinh thì có được điểm cấp CCCD chấp nhận? Nếu người lớn tuổi còn giấy tờ của chế độ cũ có ghi đầy đủ ngày, tháng sinh thì giấy tờ đó có được xem là hợp lệ để làm cơ sở xin cấp CCCD, thưa Đại tá?
Đại tá Ngô Thành Thật: Người dân khi liên hệ cấp CCCD phải xuất trình hộ khẩu hoặc CMND có ghi đầy đủ ngày, tháng sinh. Trường hợp cả hộ khẩu và CMND không có ngày, tháng sinh thì người dân cần liên hệ với công chức Tư pháp cấp xã để được đăng ký khai sinh ghi đầy đủ ngày, tháng sinh mới được cấp CCCD. Trường hợp người lớn tuổi sử dụng giấy khai sinh của chế độ cũ có ghi đầy đủ ngày, tháng sinh vẫn được xem là hợp lệ để làm cơ sở cấp CCCD. Người lớn tuổi sử dụng thẻ bảo hiểm y tế có ghi đầy đủ ngày, tháng sinh cũng được xem xét để cấp CCCD.
PV: Xin cảm ơn Đại tá!
TẤN ĐẠT (thực hiện)