Quốc tế

Ưu tiên hàng đầu

Thứ Sáu, 05/07/2019 | 16:35

Ông David Sassoli, nghị sĩ người Italy được bầu làm Chủ tịch Nghị viện châu Âu. Ảnh: reuters.com

Sau nhiều bất đồng, cuối cùng các nước thành viên trong "mái nhà chung châu Âu" cũng đã lựa chọn được các gương mặt phù hợp cho "bộ khung" lãnh đạo của Liên hiệp châu Âu (EU) nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, phía trước Ban lãnh đạo mới của EU là những thách thức lớn để ổn định tình hình và đoàn kết nội bộ khối.

Nghị viện châu Âu (EP) đã bầu ông D.Sassoli, nghị sĩ người Italy, làm Chủ tịch EP trong nhiệm kỳ 2,5 năm tới. Ông D.Sassoli, chính khách 63 tuổi của đảng Dân chủ xã hội (MEP), được bầu trong vòng hai cuộc bỏ phiếu khi nhận được 345 số phiếu ủng hộ, số phiếu gần như tuyệt đối của các nghị sĩ EP.

Trước đó, vào tối 2/7, sau cuộc họp diễn ra căng thẳng trong 3 ngày, EU đã thống nhất được danh sách ứng viên cho các chức danh chủ chốt lãnh đạo khối này nhiệm kỳ tới. Theo đó, bà U.Leyen - Bộ trưởng Quốc phòng Ðức, được giới thiệu làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Cũng theo thỏa thuận của các thành viên EU, Thủ tướng Bỉ - C.Michel sẽ giữ chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha - J.Borrel làm Ðại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - C.Lagarde giữ chức Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).

Như vậy, về cơ bản bộ khung các nhà lãnh đạo EU thời gian tới đã được định hình. Tuy nhiên, việc thống nhất được một ban lãnh đạo mới mới chỉ tạo ra sự yên tâm bước đầu về chặng đường phát triển EU, trong bối cảnh phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức với "lục địa già".

Trước hết, EU phải tìm kiếm sự đồng thuận nội khối về nhiều vấn đề, từ các chính sách kinh tế, ngân sách chung đến nhập cư, đối ngoại... Trong khi đó, EU còn phải tìm kiếm sự nhất trí trong khối về một loạt vấn đề nóng khác như: cải cách Khu vực đồng Eurozone, ngân sách dài hạn của khối, mục tiêu về khí hậu đến năm 2050...

Chống biến đổi khí hậu cũng là chủ đề các nước thành viên EU cần sớm thống nhất quan điểm. Ba Lan, Hungary, Séc và Estonia cho rằng, mục tiêu của EU giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính về mức 0% vào năm 2050 là quá tham vọng. Trong khi đó, các quốc gia Tây Âu ủng hộ mục tiêu này.

Những quan điểm còn khác biệt nêu trên phần nào có thể xem là hệ quả của việc cục diện chính trị tại châu Âu đã xáo trộn đáng kể sau cuộc bầu cử EP hồi tháng 5 vừa qua, khiến cán cân quyền lực thay đổi mạnh mẽ. Ban lãnh đạo mới của EU sẽ đối mặt không ít khó khăn trong nhiệm kỳ tới để ổn định và thu hẹp sự khác biệt trong nội bộ liên minh. Trong đó, đoàn kết nội khối sẽ luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo châu Âu thời gian tới.

H.L.K

(tổng hợp từ nguồn NDĐT)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.