Thanh thiếu niên

Đừng ràng buộc người trẻ bằng hôn nhân

Thứ Tư, 07/04/2021 | 15:27

Dù xã hội phát triển, được tiếp nhận rất nhiều nguồn thông tin về hôn nhân và gia đình, nhưng không ít phụ huynh vẫn còn tư tưởng “con cái lớn lên là phải dựng vợ, gả chồng”. Từ quan niệm này, họ đã sớm đưa con em mình bước vào cuộc sống hôn nhân khi tuổi đời còn rất trẻ, nhất là ở vùng nông thôn.

Cách đây không lâu, có dịp đi công tác tại xã Long Điền Tây (huyện Đông Hải), tôi gặp được chị H.L. Vì quen biết trước nên chúng tôi trò chuyện với nhau khá thân thiện. Sau khi thăm hỏi nhau về sức khỏe, gia đình, công việc, tôi cũng quan tâm đến chuyện học hành của các con chị. Theo chia sẻ của chị H.L, con trai lớn của chị năm nay tốt nghiệp lớp 12, đứa nhỏ còn đang học tiểu học. Nói về dự định tương lai của con, chị H.L có vẻ rất hào hứng: “Tôi sắp có dâu rồi đó. Sau khi thằng T.D học xong lớp 12, gia đình tôi sẽ cưới vợ cho nó. Nó đã 19 tuổi rồi, cưới vợ để cho nó ở nhà làm ăn”.

Trong khi chị H.L tiếp tục buôn chuyện rất vui vẻ, thoải mái, thì trong đầu tôi lại băn khoăn với những câu hỏi bâng quơ: Liệu rồi tương lai của con trai chị sẽ như thế nào? Và những bạn trẻ có phụ huynh có cùng suy nghĩ như chị H.L liệu đã sẵn sàng, đủ trách nhiệm khi bước vào cuộc sống hôn nhân?... Vì tôi biết, không riêng gì chị H.L mà hiện nay có rất nhiều người, nhất là vùng nông thôn còn có suy nghĩ như vậy, dù sống trong xã hội hiện đại.

Lao động trẻ làm việc trong một cơ sở may mặc. Ảnh minh họa: H.L

Ở đây không bàn đến việc kết hôn ở độ tuổi này là chưa được sự chấp nhận, cho phép của pháp luật, mà chỉ bàn về khía cạnh cuộc sống của các bạn trẻ sau khi kết hôn. Bởi thực tế đã có không ít vụ ly hôn từ việc lập gia đình theo mong muốn của cha mẹ khi tuổi đời còn quá trẻ. Qua tìm hiểu từ những người trong cuộc, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc đổ vỡ hôn nhân của các cặp vợ chồng trẻ được đưa ra. Đó là khi kết hôn sớm, tâm lý, tình cảm của những người trẻ chưa ổn định, thiếu sự dung hòa, sẻ chia, cảm thông cho nhau nên dễ tạo ra những bất đồng trong cuộc sống. Bên cạnh đó, cơm, áo, gạo, tiền, con cái cũng là chuyện đáng bàn khi điều này được cho là nguyên nhân chính trong các cuộc cãi vã. Đối với những gia đình ở nông thôn, khi con cái yên bề gia thất, thường cha mẹ sẽ chia cho vài công ruộng hay vuông tôm để làm kế sinh nhai. Khi mùa màng bội thu thì không nói gì, nhưng lỡ thất bát thì cuộc sống gia đình rơi vào cảnh khó khăn, trong khi không có nguồn tài chính dự phòng từ trước. Làm sao có được tài chính dự phòng khi các bạn trẻ này chỉ vừa tốt nghiệp THPT hay chỉ mười chín đôi mươi đã vội kết hôn theo sự sắp đặt của gia đình. Áp lực cuộc sống cứ thế từng ngày đè lên gia đình, nhiều cặp vợ chồng trẻ khi không chịu đựng được đành phải buông tay.

Xuất phát từ tấm lòng, sự quan tâm của cha mẹ mà nhiều phụ huynh muốn con em mình lập gia đình sớm là chuyện dễ hiểu. Cưới vợ để con ở nhà chí thú làm ăn, phòng ngừa theo bạn bè chơi bời, hư hỏng. Tuy nhiên, đây chưa phải là cách làm vẹn toàn, bởi có nhiều phương pháp, cách thức giáo dục để người trẻ trưởng thành, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và có ích cho xã hội. Thay vì kết hôm sớm, phụ huynh nên đầu tư cho con em mình một cái nghề để sau này ổn định cuộc sống; hoặc khuyến khích con tích cực tham gia vào những hoạt động xung kích, tình nguyện của Đoàn, Hội để thấy được giá trị của tuổi trẻ.

Hôn nhân là chuyện quan trọng cả một đời người và những bậc làm cha mẹ sẽ không thể nào sống thay cho con em mình trong cuộc hôn nhân của các bạn. Vì vậy, đừng dùng hôn nhân để buộc chân người trẻ khi họ chưa thật sự sẵn sàng!

HOÀNG LAM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.