Thanh thiếu niên
Khi niềm đam mê giúp mở lối làm giàu
Bị hấp dẫn bởi những chiếc bi-đông (bình đựng nước) và câu chuyện đằng sau những kỷ vật thời chiến do người thân để lại, ngay từ nhỏ Lê Hoàng Nghĩa (Bí thư Chi đoàn khóm 5, Phường 7, TP. Bạc Liêu) đã ấp ủ ước mơ sẽ tìm kiếm, sưu tầm thật nhiều cổ vật có giá trị lịch sử. Giấc mơ lớn kia giờ đã thành hiện thực để Nghĩa thỏa sức sống với đam mê, đã vậy còn mở lối làm giàu, giúp bạn trẻ này trở thành đại gia đồ cổ có tiếng ở Bạc Liêu.
Lê Hoàng Nghĩa giới thiệu về các cổ vật trong nhà trưng bày đồ cổ của mình. Ảnh: Đ.K.C
Từ sở thích “kén” người…
Xuất thân từ gia đình cách mạng “nòi”, nhiều người thân là liệt sĩ, bà ngoại là Mẹ Việt Nam anh hùng, Nghĩa lớn lên bằng tình yêu lớn với Tổ quốc, dân tộc và những trang vàng chiến công oanh liệt của truyền thống cách mạng gia đình. Những kỷ vật thời chiến của người thân một lần nữa lại thôi thúc Nghĩa tiếp tục cống hiến trong môi trường quân ngũ. Thế nên, khi được tuyển thẳng vào đại học Giao thông vận tải đường thủy ở TP. Hồ Chí Minh, Nghĩa đã từ chối và chọn tham gia nghĩa vụ công an ở quê nhà 3 năm để có cơ hội thi vào đại học Công an.
“Đó là năm 2014, khi ấy tôi mới 19 tuổi. Vì tham gia nghĩa vụ ở quê, được phân công trực mục tiêu ở kho bạc, thời gian cũng linh hoạt theo ca trực, nên buổi tối rảnh rỗi là tôi lại tìm hiểu về những món cổ vật thời chiến, những cổ vật liên quan đến Tổ quốc, dân tộc, văn hóa Nam Bộ… Tôi bắt đầu sưu tầm những món đầu tiên, từ trị giá nhỏ nhất khoảng vài chục ngàn, rồi đến vài trăm ngàn đồng. Những chiếc bi-đông, chai đựng rượu của thời kỳ trước, vật dụng sinh hoạt hằng ngày được chế tác từ xác nhôm máy bay… ngày càng nối dài thêm bộ sưu tập. Rồi như một “nghiệp duyên”, tôi thi trượt đại học Công an và quyết định dành tâm huyết để theo đuổi đam mê của mình - sưu tầm đồ cổ”, Nghĩa tâm sự.
Vốn là sở thích “kén” người chơi, bởi lẽ người tham gia phải có được một niềm đam mê thực thụ và đôi mắt nhìn nhận, đánh giá đúng như một chuyên gia. Để có được điều ấy, Nghĩa ngày đêm vừa học vừa sưu tầm. Học thông qua sách vở (chủ yếu là sách Đề ngạn cây mai, Đề ngạn Lái Thiêu), học thông qua Internet, các hội nhóm chung sở thích sưu tầm đồ cổ trên mạng xã hội. Cũng từ đây, Nghĩa có cơ duyên kết nối với các đàn anh trong nghề như: Đinh Công Tường (vua cổ vật châu Á), Thảo Nam Bộ… và nhiều nhà sưu tập cổ vật lớn của Việt Nam. Những đàn anh đi trước ấy đã dẫn dắt, chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay cho Nghĩa trong bước đường chập chững vào nghề.
Học đàn anh đi trước một phần, còn “trường đời” mới dạy cho Nghĩa nhiều thứ. Đó là những lần mua lầm nhiều món đồ cổ không đúng với giá trị thật do còn non tay; những lần bị lừa đảo mua cổ vật nước ngoài qua mạng từ những trang kinh doanh online trá hình; hay những lần “đặt niềm tin nhầm chỗ” vào người bán… đã giúp Nghĩa có thêm những bài học kinh nghiệm xương máu, “lên tay” hơn trong việc sưu tầm đồ cổ sau này.
… Đến đại gia đồ cổ
Sau hơn 5 năm sưu tầm đồ cổ, kho chứa gia đình đã bắt đầu quá tải, nợ nần theo đó cũng ngày một tăng thêm, nhưng Nghĩa cảm thấy rất tiếc nuối khi phải chia lại, bán đi những món đồ mà mình đã cất công sưu tầm. Song để có thể sở hữu thêm những món cổ vật mới thì buộc lòng phải san sẻ bớt những món đồ trong bộ sưu tập của mình.
Cuối năm 2019, đầu năm 2020, Nghĩa bắt đầu nhận thấy xu hướng hoài cổ bắt đầu trở lại. Người ta mong muốn gác lại xô bồ, tìm lại những ký ức tuổi thơ thông qua những món đồ cổ xưa gợi nhớ, đặc biệt là những món đồ có vết tích kỷ niệm cha ông thời chiến. Nắm bắt được thị hiếu ấy, Nghĩa bắt đầu mở rộng việc sưu tầm thêm nhiều cổ vật mới như: voi đôn, chậu, bình trà, đồng điếu, đồ tàu, đồ Vạn Ninh, đồ Bát Tràng… với niên đại trên 150 tuổi, trên 300 năm tuổi. Trong đó dòng chính kinh doanh được Nghĩa ưu tiên chính là gốm Nam Bộ (gốm cây mai) - dòng gốm có giá trị bậc nhất Nam Bộ thời xưa. Theo Nghĩa, đây là dòng gốm biểu trưng cho người dân Nam Bộ bởi sự mộc mạc, gần gũi, chân phương gắn liền với nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Cuối năm 2020, Nghĩa bắt đầu tận dụng các nền tảng mạng xã hội để mở rộng kinh doanh. Bên cạnh việc đăng lên kênh YouTube Đồ xưa Mai Tôn với hơn 1.230 lượt theo dõi, Nghĩa còn đăng tải lên tài khoản Facebook Cổ Độc Lạ và bán trong tất cả các hội nhóm chuyên về đồ cổ. Không chỉ vậy, Nghĩa còn tham gia các hội chợ triển lãm đồ cổ tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước vừa để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, vừa tạo cơ hội để sưu tầm thêm những cổ vật mới, độc, lạ theo gu riêng của bản thân.
Hiện nay, Nghĩa là một trong những nhà sưu tầm cổ vật lớn của Việt Nam vì có nhiều đóng góp tích cực cho công tác hiến tặng hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Cà Mau, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh… Nghĩa hiện là thành viên Hội Cổ vật tỉnh An Giang và đang làm giấy chứng nhận trở thành thành viên của tổ chức UNESCO. Tính đến thời điểm hiện tại, Nghĩa đang sở hữu bộ sưu tập với trên 10.000 hiện vật, có tổng trị giá ước tính khoảng 10 tỷ đồng. Trong bộ sưu tập lớn này, có nhiều món cổ vật giá trị cao, độc nhất Việt Nam và ít có nhà sưu tầm nào sở hữu.
Nghĩa bộc bạch: “Chơi đồ cổ không chỉ giúp tôi thỏa sức sống với đam mê, kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình, mà với tôi yếu tố cốt lõi nhất chính là góp sức gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa, vết tích thời gian của quốc gia, dân tộc. Tinh thần này luôn được tôi lan tỏa, truyền lửa đến các bạn trẻ thông qua các cuộc họp, sinh hoạt của Chi đoàn khóm 5. Hướng tới, tôi dự định mở thêm một phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá những cổ vật mà tôi sưu tầm được suốt thời gian qua đến người dân, du khách xa gần như một sự kết nối giữa hiện tại và quá khứ, để mọi người chung tay gìn giữ tinh hoa văn hóa dân tộc, địa phương mình qua những món đồ xưa”.
Kim Trúc
- Phiên tòa giả định tuyên truyền chống khai thác IUU
- 100 thí sinh tranh tài tại Chung kết Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”
- Trao quà Trung thu cho trẻ em lớp học tình thương
- Dâng hương tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu nhân kỷ niệm 105 năm Ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang
- Biểu dương gần 120 tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc