Thanh thiếu niên
Người trẻ “gánh” nhiều áp lực
Áp lực cuộc sống, áp lực công việc đang dần làm “kiệt quệ” năng lượng tích cực và mất động lực phấn đấu của nhiều người trẻ. Có nhiều nguyên nhân tạo ra áp lực này, có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
ÁP LỰC TỪ NHỮNG MỤC TIÊU
So với các bạn đồng trang lứa, T.N (huyện Đông Hải) có phần ít kinh nghiệm sống hơn khi 4 năm trên giảng đường đại học chỉ tập trung việc học, không đi làm thêm, không tham gia các hoạt động ngoại khóa. Bước vào “trường đời”, đi làm và tự nuôi sống bản thân, T.N gặp không ít áp lực về kinh tế và môi trường làm việc. “Thường bị đồng nghiệp chèn ép, hay bị sếp nói lời nặng nhẹ khiến tôi cảm thấy tủi thân và đã không ít lần nước mắt ngắn dài”, T.N chia sẻ.
Khi mọi thứ chưa ổn định, đôi lúc T.N muốn bỏ về quê, nhưng lại không nỡ vì tiếc công sức bỏ ra suốt 4 năm dùi mài kinh sử. Song, bạn trẻ này lo lắng, nếu ở lại TP. Hồ Chí Minh thì không biết đến bao giờ mọi thứ mới cân bằng, ổn thỏa.
Còn với bạn N.Q (TP. Bạc Liêu) thì chịu khá nhiều áp lực với mục tiêu của bản thân và khi luôn đặt mình trong phép tính so sánh với bạn bè cùng trang lứa. Theo N.Q cho biết, để có thể đạt được mục tiêu bản thân đặt ra, có khoảng thời gian bản thân làm việc đến quên ăn và thậm chí không có khái niệm nghỉ ngơi.
Cuộc sống ngày càng hiện đại đòi hỏi người trẻ, nhất là thế hệ Gen Z phải nỗ lực từng ngày để có thể theo kịp, nếu không cố gắng sẽ bị bỏ rơi và thụt lùi so với xã hội. Bởi lẽ đó, giới trẻ ngày nay luôn cố gắng làm việc, học tập, trau dồi để khẳng định vị thế của bản thân. Tuy nhiên, nếu không biết sắp xếp, cân bằng mọi thứ thì vô hình trung sẽ dẫn đến những áp lực cho chính bản thân các bạn.
Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực khiến người trẻ dễ rơi vào stress. Ảnh minh họa: Internet
GÁNH NẶNG CÔNG VIỆC
Thời gian gần đây, khi lướt trên các trang mạng xã hội, thấy khá nhiều bài viết chia sẻ của người trẻ nói về áp lực công việc. Dưới bài viết có nhiều bình luận và dẫn giải nhiều lý do, trong đó nổi bật là hiện nay đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế. Đây là một chủ trương đúng nhưng càng tinh giản biên chế, áp lực công việc đối với những người làm được việc càng lớn. Công việc tập trung vào những người này, trong khi họ ít cơ hội thăng tiến, ngạch và bậc lương vẫn theo thâm niên, bằng cấp, chứ không theo vị trí việc làm và mức độ cống hiến… Đây cũng chính là những nguyên nhân mà thời gian qua khiến không ít cán bộ, công chức, viên chức trẻ rời khu vực công sang khu vực tư để tìm một môi trường làm việc tốt hơn, có cơ hội thăng tiến nhanh hơn, chế độ lương bổng cao hơn. Theo chia sẻ của nhiều bạn trẻ, những điểm hấp dẫn của khu vực công trước kia như được vào biên chế nhà nước, công việc ổn định lâu dài, có lương hưu… không còn cạnh tranh được với yếu tố môi trường làm việc được phát huy năng lực cá nhân và mức thu nhập cao.
Dù là học sinh - sinh viên hay người trẻ đi làm đều gánh trên vai những nỗi lo toan và áp lực từ công việc, cuộc sống. Trải qua từng thời kỳ, bối cảnh xã hội có những đổi thay nhất định, chính vì thế tư duy và thế giới quan đã tạo những áp lực không giống nhau. Do vậy, điều mà mỗi người trẻ cần làm là hãy luôn giữ cho mình trạng thái tích cực, cân bằng và tự tìm cách “sạc pin” để lấy lại năng lượng sau những ngày căng thẳng, mệt mỏi.
HOÀNG NHẪN
- Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh: Chú trọng thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở
- Bộ đội Biên phòng tỉnh: Thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp
- Các hoạt động hướng về Ngày Pháp luật Việt Nam 2024
- Mồ mả bị Nhà nước thu hồi đất thì được hỗ trợ, bồi thường ra sao?
- Đổi mới công tác khen thưởng: Coi trọng các tập thể, người lao động có thành tích xuất sắc