Thanh thiếu niên

Những đứa trẻ không có... mùa hè

Thứ Sáu, 21/07/2023 | 17:30

Hè về, trong khi bạn bè đồng trang lứa cùng gia đình thăm thú đó đây, hoặc về quê thăm ông bà, thỏa sức vui chơi sau khoảng thời gian dài học tập căng thẳng, thì trẻ em nghèo lại tranh thủ cùng cha mẹ tất bật mưu sinh (với tần suất nhiều hơn) để tiếp tục nuôi dưỡng mơ ước đến trường. Mùa hè của các em vì thế cũng bị cái đói, cái nghèo “nuốt chửng”…

Trẻ em nghèo vùng ven biển Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) đi bắt cá để phụ gia đình trang trải cuộc sống. Ảnh: Đ.K.C

Chật vật mưu sinh

Chưa kịp tìm đến thăm em Đặng Thị Trân (lớp 4C, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, ấp Xẻo Chích, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi) thì hay tin em đã cùng mẹ lên Bình Dương để tìm việc làm, chuẩn bị chi phí cho năm học mới. Hoàn cảnh của em rất đáng thương, cha mẹ ly hôn khi em còn rất nhỏ, em sống cùng với mẹ, không có nhà ở ổn định, hai mẹ con phải ở nhà thuê (dãy nhà trọ đường vào chùa Giác Hoa). Hằng ngày, hai mẹ con em bán vé số xung quanh khu vực chợ Cái Dầy, có khi trước Ngân hàng Agribank, hoặc Bưu điện huyện Vĩnh Lợi…

Chật vật mưu sinh là vậy nhưng em rất ham học. Thương con, mẹ em cũng chưa bao giờ để con phải đối diện với nguy cơ bỏ học giữa chừng. Mỗi ngày sau giờ tan học, em xin mẹ lãnh vé số để bán phụ mẹ kiếm thêm tiền. Có lẽ vì năm học mới đến gần, tiền tích lũy để chuẩn bị cho con đến trường chưa đủ nên hai mẹ con phải lên Bình Dương để tìm việc làm thêm.

Đã hơn 9 giờ đêm, lạnh run vì những cơn mưa dồn dập do ảnh hưởng bão số 1 nhưng Thạch Văn Tài (14 tuổi, ở trọ gần cầu Tôn Đức Thắng, Phường 1, TP. Bạc Liêu) vẫn tranh thủ tạt vào các quán cà phê mời khách mua vé số. “Quê em ở tỉnh Kiên Giang, cha bỏ đi làm ăn xa hơn 6 năm nay không thấy trở về, 3 anh chị lớn đã có gia đình riêng nhưng cuộc sống rất khó khăn cũng không phụ giúp được gì, nên em cùng mẹ theo người quen sang Bạc Liêu tìm việc làm. Em đã học xong lớp 8 trước hè, qua đây lãnh vé số đi bán dạo, còn mẹ thì xin lặt củ hành thuê trong chợ cầu Xáng. Thu nhập bấp bênh, cuộc sống khó khăn thế này không biết em có được đi học tiếp không nữa…”, Tài rớm nước mắt thổ lộ.

Đêm thành phố nhộn nhịp muôn ánh đèn màu cũng chính là lúc những trẻ em nghèo thành thị theo cha mẹ mưu sinh. Các em bán vé số, trái cây hộp, bánh phồng, lượm ve chai, thậm chí ăn xin… Được biết, có em chuẩn bị vào cấp II, có em mới hoàn thành xong chương trình lớp 2, thật chạnh lòng khi nghĩ về tương lai của các em nhỏ ấy.

Mùa hè của trẻ em nghèo nông thôn và vùng ven biển cũng chẳng “sáng sủa” hơn khi phải ra đồng bắt cá, hái rau, hay lặn ngụp cùng con nước để mò cua, cào nghêu, lấm lem dưới cái nắng biển cháy da để nhặt nhạnh từng chai nhựa, vỏ lon bia bán kiếm tiền phụ cha mẹ đắp đổi qua ngày.

Chênh vênh mơ ước đến trường

Nhìn bạn bè đồng trang lứa có cuộc sống khấm khá, đủ đầy với một mùa hè là những chuyến du lịch cùng người thân, gia đình, hay được cha mẹ gửi vào các lớp năng khiếu, các lớp học thêm để củng cố kiến thức mà nhiều trẻ em nghèo lại thầm khao khát, ao ước. Em Nhã Hân (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Có lần em đi bán bánh phồng trong hẻm thấy các bạn được cô giáo dạy hát, dạy múa hay ôn tập những bài toán, bài văn hay… mà khao khát được một lần ngồi trong các lớp học ấy mỗi dịp hè. Nhưng nhà nghèo quá, việc cho em đến trường học chính khóa đã là sự nỗ lực rất lớn của cha mẹ rồi, nên em không dám buồn, chỉ biết cùng cha mẹ cố gắng nhiều hơn…”.

Có thể nói, chính khó nghèo đã tước đoạt những mùa hè đúng nghĩa của trẻ em nghèo, dẫu rằng các tổ chức, đoàn thể xã hội, mạnh thường quân đã rất quan tâm, chung tay hỗ trợ dưới nhiều hình thức nhằm giúp các em vượt qua nghịch cảnh, nỗ lực vươn lên, nhưng vẫn chưa đủ so với nhu cầu thực tế. Và để tiếp tục được đến trường, các em vẫn phải cùng gia đình “tự lực cánh sinh”.

Không bao lâu nữa tiếng trống khai trường sẽ điểm, và nhiều trẻ em trong các gia đình nghèo đang cùng cha mẹ chạy đua với thời gian để kiếm thêm chi phí chuẩn bị cho năm học mới. Chẳng biết trong số ấy có em nào “kiệt sức” phải bỏ học giữa chừng vì gánh nặng cơm áo gạo tiền và vòng xoáy mưu sinh. Chỉ mong sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, tiếp sức của toàn xã hội sẽ giúp trẻ em nghèo tiếp tục nuôi dưỡng mơ ước được đến trường và có được những mùa hè đúng nghĩa của riêng mình.

Mai Khôi

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.