Thanh thiếu niên

Thực trạng thiếu kỹ năng sống của giới trẻ: Trách nhiệm từ nhiều phía

Thứ Tư, 06/11/2013 | 17:33

Thực trạng giới trẻ thiếu kỹ năng sống (KNS) đã tồn tại từ nhiều năm nay. Thay vì tích cực tìm những giải pháp ngăn chặn từ đầu thì ngành chức năng lại thờ ơ, bị động. Câu nói “nước tới trôn mới nhảy” trong trường hợp này quả không sai. Đến khi hàng loạt những vụ việc tiêu cực liên quan đến thanh thiếu niên xảy ra, mọi người mới đi tìm nguyên nhân tháo gỡ.

Giáo dục thiên lệch kiến thức

Tôi có đứa cháu năm nay bước vào lớp 2. Là con một nên cháu được hưởng chế độ chăm sóc đặc biệt từ đời sống vật chất cho đến chuyện học hành. Ngoài giờ đến trường, cháu còn phải học thêm vi tính, ngoại ngữ, kể cả những môn học có trong chương trình lên lớp… Sau mỗi buổi đi học về, câu hỏi đầu tiên mà cháu nhận được từ ba mẹ là “bữa nay con có được điểm mười không”. Thang điểm mười là yêu cầu bắt buộc, hôm nào cháu không đạt được sẽ bị khiển trách. Xu hướng khuyến khích con em mình chạy đua theo điểm số trở nên phổ biến trong cách giáo dục ở các gia đình. Điều này không chỉ tạo sự áp lực lớn cho các em, mà còn biến các em thành những “rô-bốt người” chỉ biết ăn và học. Bởi vậy trẻ em ngày nay không có thời gian thư giãn, cảm nhận cuộc sống để nuôi dưỡng cảm xúc, xây dựng vốn sống cho mình. Mặt khác, chính sự bao bọc, cưng chìu quá mức của gia đình làm cho con em họ mất dần tính tự lập.

Hoạt động ngoại khóa - một trong những cách giúp thanh thiếu niên nâng cao kỹ năng sống. Trong ảnh: Hội thi ATGT do Tỉnh đoàn phối hợp với Sở GD-ĐT, Ban ATGT và Công an tỉnh tổ chức. Ảnh: Y.N

Thạc sĩ tâm lý Trần Công Chánh: “Việc đánh giá tuyển dụng nhân sự hiện nay chủ yếu dựa vào kiến thức chuyên môn, bằng cấp. Đó cũng là một trong những lý do khiến cả người học và người dạy chỉ chuyên tâm vào kiến thức, làm cho phương pháp giáo dục ở các trường học bị lệch”.

Ngược lại với việc giáo dục con cái chạy theo điểm số thì phụ huynh đã “khoán trắng” việc giáo dục KNS cho nhà trường. Chính thái độ lơ là, buông lỏng này là con đường dẫn các em đến những hành động tiêu cực. Trong khi đó, công tác giáo dục ở các trường thường thiên về dạy kiến thức mà quên rằng việc rèn luyện kỹ năng cũng quan trọng không kém. Thạc sĩ Trần Công Chánh, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Bạc Liêu, cho rằng: “Hiện nay, các trường THPT cũng như trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa có sự đầu tư xây dựng và thống nhất các nội dung giáo dục KNS trong chương trình giáo dục - đào tạo chính thức. Ở các trường THPT, giáo dục KNS được tích hợp trong một số môn học khác như khoa học tự nhiên xã hội, giáo dục công dân. Riêng các trường chuyên nghiệp thì giáo dục KNS chưa được đề cập đến trong chương trình đào tạo”. Không chỉ vậy, với chương trình học quá tải như hiện nay, các trường cũng không còn thời gian tổ chức các hoạt động ngoại khóa bổ trợ KNS cho học sinh.

Ngoài hai chủ thể chính là nhà trường và gia đình, giáo dục KNS cho thanh thiếu niên còn là nhiệm vụ của các tổ chức, đoàn thể. Tuy nhiên, vai trò của tổ chức Đoàn còn khá mờ nhạt trong công tác này, thể hiện qua hình thức tuyên truyền cứng nhắc, chưa xây dựng được nhiều mô hình sinh hoạt giúp thanh thiếu niên tự rèn luyện bản thân…

Cách giải quyết vấn đề chưa thỏa đáng

Vấn đề giáo dục KNS cho thanh thiếu niên đã được thực hiện ở một số nước phương Tây cách đây khá lâu. Riêng ở nước ta, thuật ngữ KNS được nhắc đến từ vài năm gần đây trong những câu chuyện giáo dục. Chuyên viên tâm lý Huỳnh Văn Sơn, cố vấn Trung tâm Chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt, cho rằng: “Hiện nay thuật ngữ KNS được sử dụng khá phổ biến nhưng có phần bị lạm dụng khi chính những người huấn luyện hay tổ chức và các bậc cha mẹ cũng chưa thật hiểu về nó”. Từ nhận định này, tôi chợt nhớ về một người bạn học thời cấp 3. Bạn ấy bị liệt vào danh sách những học sinh cá biệt của trường khi thường xuyên bỏ học, có những trò nghịch ngợm, quậy phá. Biện pháp xử lý của nhà trường lúc này là mời phụ huynh đến… mắng vốn. Sau nhiều lần không cải thiện được tình hình thì quyết định đuổi học. Đáng buồn là thái độ của giáo viên chủ nhiệm khi tuyên bố từ nay phong trào thi đua của lớp không còn bị kéo xuống?! Theo tôi được biết, đến bây giờ một số trường vẫn còn áp dụng hình thức cứng nhắc như thế. Chức năng của giáo dục là “trồng người”, nhưng xem ra một số thầy cô đã lãng quên nhiệm vụ thiêng liêng này. Quyết định đuổi một học sinh cá biệt chẳng khác nào chúng ta đang thừa nhận sự thất bại trong cách giáo dục của mình!

Trong công tác giáo dục KNS trong nhà trường, giáo viên là người đóng vai trò hết sức quan trọng. Vậy mà hiện nay một số giáo viên còn thiếu và yếu về KNS. Do đó, có nhiều trường hợp chẳng những không đưa được KNS đến với học sinh, mà còn có nhiều hành động, cử chỉ, lời nói đi ngược với yêu cầu, quy định.

Mặt khác, gia đình cũng là nền tảng đầu tiên giúp mỗi người hình thành nhân cách. Thế nhưng, nhiều bậc cha mẹ lại không ý thức làm gương cho con mình noi theo. Theo các chuyên gia tâm lý, trong nhiều vụ bạo lực học đường, ngoài tác động của game online, còn có nguyên nhân từ môi trường sống trong gia đình. Những đứa trẻ sống trong gia đình thường xuyên bị cha mẹ đánh đập có xu hướng thích sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề. Nhiều xung đột giữa cha mẹ và con cái tạo ra những bi kịch đau lòng trong đó có lỗi từ sự thiếu tâm lý của người lớn…

Một môi trường giáo dục toàn diện là nơi có những giáo viên tận tụy truyền đạt kiến thức bổ ích song song với việc rèn luyện nhân cách, để giúp học sinh hoàn hiện bản thân. Các em được sống trong bầu không khí yêu thương của gia đình mà cha mẹ là “người bạn lớn” luôn quan tâm, chia sẻ. Các đoàn thể là nơi giúp các em hướng tới lối sống đẹp, sống có ích và khi các em bị va vấp trong cuộc sống thì phải dang tay nâng đỡ kịp thời. Đó là niềm mơ ước của mọi người và cũng là mục tiêu mà nền giáo dục Việt Nam nói chung, giáo dục Bạc Liêu nói riêng đang hướng đến. Để thực hiện được mục tiêu đó, đòi hỏi những động thái tích cực từ tổ chức giáo dục, từ mỗi gia đình và toàn xã hội. Và một điều cần thiết là phải tìm ra những giải pháp hiệu quả.

Tuấn Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.