Tiêu điểm

20 năm bão số 5 (bão Linda) 1997: Bài học từ cơn thịnh nộ của thiên nhiên

Thứ Tư, 01/11/2017 | 16:46

“Ông tha, mà bà không tha, đánh cho một trận mùng Ba tháng Mười”. Trận mùng Ba tháng Mười năm Đinh Sửu 1997 đã để lại trong lịch sử phòng chống thiên tai của Việt Nam một kỷ lục buồn: hơn 3.000 người chết, 200.000 căn nhà bị hư hại, thiệt hại về vật chất ước tính lên đến 385 triệu USD. Một cơn giận dữ của thiên nhiên cộng với sự thờ ơ của con người đã để lại nỗi ám ảnh sau 20 năm vẫn chưa thể xóa nhòa. Nhưng con người, ở khía cạnh khác, đến hôm nay vẫn thờ ơ với sự giận dữ của thiên nhiên.

Những người phụ nữ ra bến tàu ngóng đợi tin hoặc đón xác người thân sau

cơn bão Linda  năm 1997. Ảnh: Internet

Cơn ám ảnh... 20 năm

Với những người đã từng đi qua cơn bão Linda, 20 năm hay lâu hơn nữa vẫn không thể xóa được những ám ảnh về “lần đầu tiên thấy bão”. Đó là sự trải nghiệm đặc biệt về những cơn gió quần thảo, thổi tung mái, xô ngã nhà, bứng gốc cây. Sóng biển đánh dữ dội, nước dâng lên cao. Và sau đó là cảnh hoang tàn, người chết.

Anh Phạm Văn Viễn là đời thứ 3 trong gia đình có nghề đi biển. 4 giờ sáng 2/11/1997, anh cùng 3 bạn thuyền khác đánh bắt ngoài khơi biển Bạc Liêu thì nhận được tin báo từ điện đàm của cha anh, một ngư dân lão luyện cho biết có bão, cần phải đưa ghe vào bờ. Anh cho ghe chạy vào nhưng không thể vào gần vì nước cạn. Anh thông báo tin này cho những ghe đánh bắt gần đó, nhiều chủ ghe cười “làm gì có bão ở xứ này”. Đến trưa, trời bắt đầu có mưa và đến tối thì gió nổi dậy, sóng khủng khiếp, các ghe mới hốt hoảng quay đầu vào. Anh Viễn cho tàu bỏ neo nhưng vẫn để máy chạy hết tốc lực để không bị sóng đánh chìm. Đó thật sự là một đêm kinh hoàng, chiếc ghe lớn bị vùi trong sóng gió, mong manh như một chiếc lá giữa bão tố, mọi người đều nghĩ rằng sẽ chết. Nhưng kinh nghiệm đi biển cùng chút may mắn, ghe của anh Viễn đã vào được kênh 30/4 trong khi nhiều ghe bạn bị hất lên các bãi gần đó.

Thiếu tá Lê Bá Thuyên, Chính trị viên Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng tỉnh) khi ấy là nhân viên trạm kiểm soát biên phòng kênh 30/4 (thuộc Đồn Biên phòng 664) là người trực tiếp đón tàu anh Viễn vào bờ. Sau bão, anh cùng một tổ công tác đi tìm kiếm những người mất tích (có 2 người ở xóm chài bị mất tích trong bão và sau đó không tìm được), biển trở lại dáng vẻ hiền hòa nhưng trong vạt rừng mắm ven biển vướng đầy những mảnh vỡ của tàu, quần áo và nhiều vật dụng khác. Một tổ công tác khác thì giúp đỡ người dân trên bờ dựng lại nhà cửa - hơn 90% nhà cửa người dân trong khu vực ven biển Nhà Mát bị tốc mái hay sập.

Bão số 5 thật sự không phải là một cơn bão mạnh, chỉ khoảng cấp 8 - 9. Và sự thiệt hại vì bão ở Bạc Liêu cũng rất ít nếu so với các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang. Nhưng cơn bão lịch sử này cũng để lại bài học kinh hoàng về sự tàn phá của bão và ý thức phòng chống bão của người dân lẫn các ngành chức năng. Phân tích lý do một cơn bão bình thường như Linda lại làm cho hơn 3.000 người chết và mất tích sau đó cho thấy, chính sự thờ ơ, chủ quan của người dân và các cơ quan chức năng là nguyên nhân chính. Người dân không tin bão đổ về miền Tây, chính quyền cũng cho rằng “mấy cơ quan khí tượng báo sai”. Bài học xương máu đến mức sau đó, mọi ý thức phòng chống bão đều được nâng cao một cách đáng kể, khi báo tin bão thì người dân đều răm rắp đi tránh và mọi lực lượng phòng chống bão được triển khai từ rất sớm!

Chuyện về biến đổi khí hậu

20 năm sau, đã có một khái niệm mới được nhắc đến nhiều hơn, đó là “biến đổi khí hậu” (BĐKH). BĐKH tạo ra siêu bão, gây triều cường, ngập úng, sạt lở đất, xâm nhập mặn.

Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL diễn ra tại TP. Cần Thơ khẳng định, ĐBSCL là một trong 4 đồng bằng bị tác động mạnh nhất do BĐKH, nước biển dâng. Vùng đồng bằng hiền lành này đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do BĐKH, nước biển dâng, khí hậu cực đoan, khai thác và sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mê-kông và các hoạt động nhân sinh khác. 

Theo Bộ TN-MT, 50 năm qua, nhiệt độ trung bình đã tăng 0,5°C, mực nước biển dâng khoảng 20cm. Các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai có xu hướng gia tăng về tần số lẫn cường độ. BĐKH khiến thiên tai, bão lũ và hạn hán ngày càng khốc liệt. Theo “kịch bản” BĐKH, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng từ 2 - 3°C, nước biển dâng thêm 78 - 100cm. Nếu mực nước biển dâng 100cm, sẽ có trên 10% diện tích đồng bằng sông Hồng, hơn 2,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích TP. HCM có nguy cơ bị ngập. Riêng các tỉnh ĐBSCL sẽ có khoảng 35% dân số bị ảnh hưởng và nguy cơ mất 40,5% tổng sản lượng lúa của cả vùng.

Đã truyền nghề biển lại cho con trai mình, thế hệ thứ 4 tiếp nối truyền thống gia đình nhưng anh Viễn vẫn nặng lòng với biển. Hướng mắt về phía biển, anh nói biển bây giờ khó đoán lắm, gió không thuận mùa như xưa nên nghề đánh bắt bây giờ cũng khó khăn hơn nhiều. Trước đây tháng 11 - 12 âm lịch mới có gió bấc (gió Đông Bắc), bây giờ mới tháng 9 mà gió bấc đã về. Có gió bấc là có sóng lớn, anh cảnh báo bờ kè Nhà Mát tới con nước 18 này coi chừng bị đánh bể nữa. Năm 2017, sự cố sạt lở kè Nhà Mát, kè Gành Hào đã để lại thiệt hại nặng nề về vật chất cho tỉnh. Hơn hết, nó còn đe dọa đến đời sống của hàng ngàn hộ dân trong khu vực, gây khó khăn cho sự phát triển bền vững của tỉnh. Chưa bao giờ BĐKH lại hiển hiện rõ ràng như bây giờ.

Bão số 5 cách đây 20 năm và BĐKH của hôm nay có ít nhất sự liên quan: thiên nhiên không bao giờ thờ ơ trước thái độ của con người trong mối quan hệ ứng xử giữa đời sống con người với thế giới tự nhiên. Khi chúng ta biết bảo vệ mình thì cũng phải bảo vệ sự bền vững của môi trường tự nhiên. Đó chính là mối quan hệ biện chứng mà bão số 5 là một nỗi ám ảnh nhất!

Lâm Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.