Tiêu điểm

Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững

Thứ Sáu, 23/11/2018 | 17:13

Những năm gần đây, nuôi trồng, chế biến thủy sản của tỉnh có những bước phát triển đáng kể về diện tích lẫn sản lượng và trở thành thế mạnh phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản đã kéo theo vấn nạn về ô nhiễm môi trường. Để phát triển bền vững, Bạc Liêu - “thủ phủ tôm của cả nước” cần có một chiến lược bảo vệ môi trường đồng bộ.

Bài 1: Môi trường bị “bức tử”

Bạc Liêu hiện có hơn 130.000ha đất nuôi tôm, trong đó nuôi công nghiệp chiếm trên 30%. Bên cạnh hiệu quả về kinh tế thì nguồn nước thải từ các hộ nuôi tôm, nhà máy chế biến chính là nguyên nhân dẫn đến việc môi trường đang dần bị “bức tử”.

Từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh…

Theo thống kê mới đây của tỉnh, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh (NTSTC) đạt hiệu quả từ 85 - 90%. Để thực hiện mô hình này, hộ nuôi phải mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng men vi sinh nên việc quản lý môi trường ao nuôi tốt hơn. Từ đó năng suất tôm có thể đạt từ 80 - 110 tấn/ha/năm, thậm chí là 150 - 180 tấn/ha/năm. Thấy được tính hiệu quả nên mô hình này được nhân rộng nhanh chóng ở nhiều nơi.

Tại xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình) hiện có 33 hộ áp dụng mô hình NTSTC. Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã cho biết thì đa số các hộ nuôi có diện tích khá khiêm tốn (khoảng từ 2 - 4ha) dẫn đến việc thực hiện quy trình nuôi khép kín gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các hộ đều không đầu tư ao lắng để xử lý nước, sau mỗi vụ nuôi, nước thải, bùn không đảm bảo xả trực tiếp ra ngoài kênh, sông. Ngoài ra, theo định kỳ sau 30 ngày nuôi, các hộ tiến hành xi-phông (hút) bùn đáy từ ao nuôi thải ra kênh mương. Việc cho thức ăn quá nhiều, thức ăn dễ tan và theo nước thải ra môi trường, phần dư thừa tích tụ dưới đáy ao. Tái sử dụng ao nuôi bị ô nhiễm hay thải nguồn nước ra môi trường xung quanh cũng làm ảnh hưởng đến các hộ nuôi tôm lân cận.

Ông Trần Văn Thịnh (ngụ ấp 13, xã Vĩnh Hậu) bức xúc: “Trong ấp có hộ ông N.V.Q áp dụng mô hình NTSTC đã nhiều lần xả nước thải không qua xử lý ra kênh. Cách đây hơn 1 tháng, tôi cùng một số hộ trong xóm thấy nguồn nước sông gần khu vực nuôi của hộ ông Q. đen ngòm, bốc mùi hôi thối, cá chết nổi lềnh bềnh nên đã đến nhà ông Q. trao đổi. Thế nhưng sau đó tình trạng này vẫn tiếp diễn, nên chúng tôi đã đến UBND xã trình báo, nhờ can thiệp. Gia đình tôi trước đây nuôi tôm quảng canh, thời gian gần đây do nguồn nước sông ô nhiễm nặng nên chuyển sang nuôi thâm canh nhưng cũng không hiệu quả. Không riêng gia đình tôi mà các hộ khác trong ấp cũng chịu cảnh thất bát nhiều vụ mà theo chúng tôi nhận định thì nguyên nhân chủ yếu là do nguồn nước ô nhiễm…”.

Hầu hết các hộ nuôi tôm siêu thâm canh ở ấp 15 (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) đều xả thải trực tiếp ra kênh số 9 gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: T.T

Được biết, trong số hơn 3.340ha nuôi tôm của xã Vĩnh Hậu A, hiện chỉ còn 1.100ha nuôi quảng canh nhưng hầu hết các hộ dân đều chung cảnh thất bát liên tục. Theo ông Trần Mạnh Tính - Trưởng ấp 15, trong ấp hiện có 15 hộ NTSTC thì hầu hết đều xả thải trực tiếp ra sông làm ảnh hưởng đến hơn 50ha nuôi tôm quảng canh của nhiều hộ trong ấp. Nhiều hộ NTSTC mặc dù đã nghe bà con trực tiếp phản ánh, chính quyền xã nhắc nhở nhưng vẫn không có động thái khắc phục. Ông Tính cho biết, hầu như các hộ nuôi quảng canh, thâm canh trong ấp gần như buông xuôi, thanh niên cũng không còn tha thiết với vuông tôm, phải rời quê đi làm ăn xa, các thành viên còn lại cũng tìm việc làm thuê để kiếm thêm thu nhập.

…Đến các nhà máy chế biến thủy sản

Bắt nhịp với Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”, nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng xây dựng nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 28 nhà máy chế biến thủy sản với công suất trên 100 tấn sản phẩm/năm và hàng chục cơ sở thu mua, sơ chế với công suất dưới 100 tấn sản phẩm/năm. Hầu hết các nhà máy đều được xây dựng dọc theo tuyến sông, kênh lớn như: Kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau, sông Gành Hào… Do đó, lợi dụng việc triều cường lên xuống hàng ngày, sức chứa lưu lượng nước thải rất lớn, các nhà máy đã thường xuyên xả nước thải không qua xử lý ra môi trường. Chúng tôi cảm nhận được nỗi bức xúc của người dân các ấp: Thành Thưởng, Thành Thưởng A (xã An Trạch, huyện Đông Hải) khi phải chịu ảnh hưởng rất lớn từ vấn nạn ô nhiễm môi trường mà không biết phải kêu cứu ở đâu. Bởi các ấp này nằm dọc theo sông Bạc Liêu - Cà Mau đều thuộc huyện Đông Hải, còn các nhà máy chế biến thủy sản Bạch Linh, Minh Bạch, Việt - Imei… lại nằm bên kia sông, dọc theo Quốc lộ 1A thuộc TX. Giá Rai. Người dân phản ánh với chính quyền nơi cư trú thì vấp phải quy định “ngoài tầm kiểm soát”, còn kiến nghị với “chính quyền bạn” thì nhận được sự ghi nhận… cho có. Chính vì vậy, trong các đợt tiếp xúc cử tri, người dân xã An Trạch đành phản ánh với đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội thì nhận được trả lời ý kiến cử tri của tỉnh sẽ xử lý. Thế nhưng đến nay, tình trạng xả thải, gây ô nhiễm môi trường của các nhà máy này vẫn chưa được khắc phục.

Chỉ cho chúng tôi các điểm đặt các ống xả thải của Công ty chế biến thủy sản Bạch Linh (thuộc TX. Giá Rai), nếu nước ròng sẽ thấy rất rõ tuyến đường ống dài, đường kính rất lớn được âm sâu hàng chục mét xuyên qua đường Quốc lộ 1A để đổ trực tiếp xuống sông. Người dân nơi đây cho biết, khổ nhất là vào mùa hè, gió cuốn theo mùi hôi thối bay xộc hết vào nhà dân. Còn việc nuôi tôm của vùng này những năm gần đây hầu như đều thất bát. Thậm chí như trường hợp của chị P.V.C, dù biết nguyên nhân công ty gây ô nhiễm nguồn nước cho vuông tôm của gia đình, nhưng chị C. vẫn phải im lặng mà làm thuê cho công ty để nuôi con nhỏ và nuôi sống bản thân. Mặc dù chị rất bất bình khi chứng kiến việc xả thải nguồn nước hóa chất, phế phẩm vô tội vạ của công ty.

Tương tự, tại khu vực gần Công ty Nguyễn Hưng, Công ty Minh Bạch, người dân cho biết, mặc dù đã từng bị đình chỉ hoạt động vì vi phạm môi trường nhưng sau khi hoạt động trở lại thì công ty này tỏ ra dè chừng, chỉ xả nước thải vào ban đêm, hay lợi dụng thời điểm nước lớn chuyển sang nước ròng… do đó vẫn tiếp tục gây ô nhiễm. Quá bức xúc, có thời điểm người dân đã quay clip cảnh ô nhiễm, cá chết trên sông, tôm chết trong vuông rồi đăng tải lên mạng xã hội để mong nhận được sự cứu giúp.

Quả thật, cuộc cách mạng ngành công nghiệp thủy sản của tỉnh đang tăng tốc khá nhanh và mang lại lợi ích kinh tế khá lớn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự chuyển động chưa đồng bộ khi mà nhận thức về bảo vệ môi trường từ các hộ nuôi, doanh nghiệp đến các cấp chính quyền, ngành chức năng vẫn còn khá khiêm tốn, chưa quyết liệt. Từ đó dẫn đến hệ lụy hiện nay và có thể mối nguy hại này sẽ còn cấp bách hơn nữa nếu bài toán về môi trường không sớm tìm ra phương cách giải quyết.

HOÀNG UYÊN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.