Tiêu điểm

Để hạ tầng giao thông đi trước một bước

Thứ Hai, 29/01/2024 | 16:59

Một trong 3 đột phá chiến lược được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI xác định là phát triển hạ tầng, trong đó, hạ tầng giao thông là quan trọng nhất. Đặc biệt, trong điều kiện muốn đẩy mạnh liên kết vùng thì giao thông phải đi trước một bước.

Giao thông thủy tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp.

TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ CHO GIAO THÔNG

Thực hiện đột phá này, các địa phương đã tích cực xây dựng nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng. Đồng thời đưa nội dung này vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương, hay gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao và NTM kiểu mẫu. Với việc dồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông nên nhiều dự án, công trình được triển khai quyết liệt và góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH của địa phương. Có thể kể đến huyện Đông Hải với Nghị quyết 07 về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng, từng bước hoàn thành các tiêu chí để huyện trở thành thị xã. Triển khai thực hiện Nghị quyết, nhiều công trình hạ tầng quan trọng được đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới, nhất là hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) đã góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH của địa phương, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Trong đó, có một số công trình trọng điểm được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của tỉnh đã tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế biển như: Dự án xây dựng tuyến đường Giồng Nhãn - Gành Hào, tuyến đường Hộ Phòng - Gành Hào, tuyến đường Xóm Lung - Cái Cùng, dự án xây dựng đường và cầu Kinh Tư 2, cầu Châu Điền về xã Long Điền Đông. Riêng nguồn vốn của huyện cũng đầu tư nâng cấp, mở rộng và làm mới 12 tuyến đường GTNT đạt chuẩn NTM, với chiều dài 42.598m, vốn đầu tư 83 tỷ đồng. Đồng thời, các xã, thị trấn đã đầu tư xây dựng, nâng cấp được 34 tuyến đường GTNT có chiều dài hơn 29km, với tổng kinh phí 12 tỷ đồng.

Ở huyện Phước Long, địa phương này đã gắn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Trong 2 năm qua, huyện đã tập trung công tác duy tu, sửa chữa, dặm vá các tuyến đường, cầu giao thông bị xuống cấp, hư hỏng, gia cố chống sạt lở, xây dựng cầu liên ấp với tổng kinh phí trên 265 tỷ đồng, đảm bảo cho xe ô tô, xe cơ giới lưu thông đến tận các ấp. Đồng thời, đầu tư xây dựng các tuyến lộ ngõ xóm theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, với tổng chiều dài gần 16.000m. Đến nay, toàn huyện có 2 tuyến đường trục liên huyện được nhựa hóa và 6 tuyến đường trục liên xã, 60 tuyến đường trục liên ấp, 170 tuyến đường ngõ xóm được bê-tông hóa, góp phần cho huyện có 100% xã đạt tiêu chí về giao thông theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. 

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được trong xây dựng các công trình giao thông, tỉnh cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Ở một số địa phương, việc đầu tư các dự án trọng điểm về kết cấu hạ tầng theo quy hoạch chung còn chưa đồng bộ, chủ yếu mới tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Một số tuyến đường giao thông đầu tư chưa gắn với yêu cầu thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ. Thời gian thực hiện đầu tư còn kéo dài, chưa đúng kế hoạch đề ra, hạn chế phát huy hiệu quả và chưa thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng bằng nguồn lực xã hội hóa.

Bên cạnh đó, nhu cầu vốn đầu tư từ nguồn ngân sách cho các dự án trọng điểm trong chương trình phát triển theo quy hoạch là rất lớn, trong khi nguồn ngân sách của tỉnh hỗ trợ và ngân sách cho các địa phương không nhiều, khả năng cân đối từ nguồn ngân sách ngày càng khó khăn. Đặc biệt, ở một số công trình giao thông trọng điểm bị kéo dài nhiều năm thi công vẫn chưa xong gây bức xúc trong Nhân dân, mà các công trình cầu về trung tâm huyện Hồng Dân là một minh chứng.

Ngoài ra, hệ thống giao thông vừa thiếu và chưa đồng bộ, chất lượng một số tuyến đường còn thấp, chưa tạo được động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân cũng đang trở thành vấn đề đáng được quan tâm đầu tư, thậm chí ở một số xã NTM hiện nay vẫn chưa có đường giao thông...

Nông thôn Bạc Liêu ngày càng khang trang nhờ đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Ảnh: K.T

KHẢ NĂNG KẾT NỐI THẤP

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, Bạc Liêu đã tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới giao thông đường bộ. Hiện nay, đường ô tô đã đến được trung tâm 7/7 huyện, thị, thành phố, đến trung tâm 49/49 xã và 472/472 ấp có đường GTNT ấp liền ấp.

Thế nhưng, nhìn trên tổng thể kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, chưa kết nối vùng và cả kết nối trong tỉnh cũng còn thiếu, do hạn chế vốn đầu tư, phải phân kỳ đầu tư nên có nhiều tuyến đường tỉnh được đầu tư với quy mô đường cấp VI đồng bằng (mặt đường hẹp, tải trọng thấp) và chưa kết nối được với các tuyến quốc lộ, cao tốc đi qua địa bàn tỉnh. Cũng như, nhiều tuyến đường GTNT đầu tư chưa đạt cấp và chưa được đầu tư theo đúng quy hoạch. 

Về mạng lưới giao thông đường thủy, tuy có nhiều tiềm năng nhưng do địa phương quản lý trong thời gian qua vẫn theo mạng lưới sông, kênh sẵn có, chưa được đầu tư nạo vét nâng cấp theo đúng quy hoạch, trừ tuyến kênh Vàm Lẽo - Bạc Liêu - Cà Mau được Bộ Giao thông vận tải đầu tư nạo vét theo quy hoạch. Cùng với đó, hệ thống cảng, bến thủy nội địa chưa được đầu tư một cách đồng bộ theo quy hoạch dẫn đến chưa phát triển được các đầu mối giao thông trong liên kết thủy - bộ. Do đó chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế của giao thông đường thủy và đường biển của địa phương.

Tuy giao thông gặp nhiều khó khăn, nhưng Bạc Liêu cũng có nhiều cơ hội nếu khai thác và tận dụng tốt các chương trình, dự án kết nối về giao thông do nguồn vốn Trung ương đầu tư. Thời gian tới Chính phủ sẽ đầu tư các dự án động lực đi qua địa bàn tỉnh theo quy hoạch như: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Hậu Giang - Cà Mau, cao tốc Hà Tiên - Bạc Liêu; Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận và mở rộng nâng cấp các Quốc lộ 1A, Nam Sông Hậu, cầu Gành Hào và đường ven biển. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương đầu tư các tuyến đường tỉnh, đường huyện kết nối với các dự án này để phát triển quỹ đất, mở rộng không gian đô thị và tạo điều kiện thuận lợi để mời gọi đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh để thúc đẩy phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Về giao thông thủy, tỉnh cũng còn nhiều dư địa trong khai thác vận tải đường thủy nội địa, do kết nối được với các tuyến đường thủy nội địa quốc gia và tuyến hành lang vận tải thủy ven biển phục vụ nhu cầu vận tải thủy của các tỉnh, thành phố ven biển.

Song, phát triển giao thông của tỉnh Bạc Liêu cũng đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. Nguồn vốn ngân sách trung ương để đầu tư các tuyến cao tốc, quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh theo quy hoạch như tuyến cao tốc Hà Tiên - Bạc Liêu, Quốc lộ 63B, 61B và mở rộng nâng cấp Quốc lộ 1A (bao gồm các tuyến tránh đi qua đô thị Hòa Bình, Giá Rai)… nhiều khả năng chỉ thực hiện được ở giai đoạn sau năm 2030.

Cùng với đó, nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư các tuyến đường tỉnh, đường huyện theo quy hoạch kết nối với các dự án động lực nêu trên là rất lớn, vượt xa khả năng cân đối của địa phương.

Đáng quan tâm nữa là địa bàn tỉnh Bạc Liêu không có mỏ vật liệu, phải vận chuyển vật liệu từ các tỉnh về nên giá thành xây dựng tăng cao và khó huy động đủ để xây dựng theo tiến độ. Thêm vào đó, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư do địa phương thực hiện nên gặp rất nhiều khó khăn vì địa phương chưa có quỹ đất để tái định cư.

Ngoài ra, kết cấu hạ tầng giao thông đã đầu tư trong thời gian qua chưa được xem xét về tác động của biến đổi khí hậu nên sẽ là đối tượng trực tiếp chịu tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng…

Theo kế hoạch, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 13 dự án giao thông với tổng mức đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng được triển khai và hoàn thành riêng trong giai đoạn 2021 - 2025. 12 dự án đường bộ khác với tổng mức hơn 100.000 tỷ đồng cũng đang được chuẩn bị triển khai.

Trong số này, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau và dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là 2 dự án giữ vai trò quan trọng. Hiện, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có 6 dự án đường bộ với tổng vốn đầu tư gần 30.000 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Theo Bộ Giao thông vận tải, nếu được bố trí vốn và triển khai đúng kế hoạch thì đến cuối năm 2026, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 400 - 500km đường bộ cao tốc. Ngoài ra, Bộ cũng đang nghiên cứu báo cáo Chính phủ, Quốc hội chủ trương xây dựng tuyến đường sắt kết nối TP. Hồ Chí Minh với TP. Cần Thơ.

KIM TRUNG

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải - Nguyễn Huy Dũng: Ưu tiên đầu tư phát triển tuyến cao tốc Hà Tiên - Bạc Liêu và mở rộng nâng cấp Quốc lộ 1A

Để hóa giải các khó khăn, thách thức về hạ tầng giao thông, Bạc Liêu đề xuất và kiến nghị với Trung ương cần ưu tiên bố trí vốn ngân sách đầu tư phát triển tuyến cao tốc Hà Tiên - Bạc Liêu và mở rộng nâng cấp Quốc lộ 1A (bao gồm các tuyến tránh đi qua đô thị Hòa Bình, Giá Rai) trong giai đoạn 2025 - 2030. Cũng như, Bạc Liêu cần tích cực tranh thủ các nguồn vốn viện trợ, vốn vay để hỗ trợ tỉnh nâng cấp và đầu tư mới các tuyến kết nối vào các tuyến cao tốc, quốc lộ và tuyến ven biển để thực hiện chức năng liên kết vùng, như tuyến Cầu Sập - Ninh Quới, Giá Rai - Phó Sinh, Hộ Phòng - Chủ Chí và các cầu lớn như: cầu Vàm Xáng, cầu Xóm Lung, cầu Ba Đình…

Về cơ chế chính sách, kiến nghị Chính phủ sớm hoàn thiện và bổ sung chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư khi tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đối với đường bộ cao tốc, tuyến đường thủy nội địa theo hướng tiếp cận với thị trường và thông lệ quốc tế, đảm bảo sự hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng. Hoàn thiện và bổ sung chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư khi tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đối với các dự án đặc biệt, đặc thù (đảm bảo an sinh xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh). Đẩy mạnh việc chuyển nhượng, cho thuê khai thác kinh doanh hạ tầng giao thông, ban hành chính sách cụ thể hướng dẫn áp dụng mô hình xã hội hóa kết cấu hạ tầng giao thông đối với từng chuyên ngành, đặc biệt là các cảng biển đầu mối. Ban hành các chính sách về huy động vốn đầu tư, nhằm tháo gỡ khó khăn đối với kênh huy động vốn từ nguồn tín dụng, mở rộng kênh huy động vốn từ nguồn vốn nước ngoài đối với các dự án có quy mô lớn.

Về vốn đầu tư, cần ưu tiên bố trí vốn ngân sách đầu tư đầu tư phát triển các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh theo quy hoạch. Đồng thời, đẩy mạnh việc xây dựng các khu tái định cư để có quỹ đất bố trí tái định cư cho các dự án phát triển hạ tầng giao thông theo quy hoạch, nhất là phát triển giao thông đô thị, nâng cấp mở rộng các tuyến quốc lộ, đường tỉnh huyết mạch…

 

Chủ tịch UBND huyện Đông Hải - Trần Tuấn Kiệt: Tập trung đầu tư hoàn thiện mạng lưới giao thông phù hợp với quy hoạch

Tiếp tục tăng cường đầu tư cho phát triển hạ tầng, huyện Đông Hải sẽ xây dựng kết cấu hạ tầng trên cơ sở thực hiện tốt quy hoạch và quản lý quy hoạch, chú trọng công tác xây dựng kế hoạch, công tác chuẩn bị đầu tư theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Theo đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường Hộ Phòng - Gành Hào, nâng cấp mở rộng tuyến đường An Trạch - Định Thành - An Phúc (ĐT.982); xây dựng, nâng cấp tuyến đường Trường Điền - Châu Điền; xây dựng mới đoạn từ nút giao nhau đường Giá Rai - Gành Hào nối ra đê Biển Đông (đường tỉnh 977C - đoạn trên địa bàn xã Điền Hải). Nâng cấp, mở rộng tuyến đường đê Biển Đông (từ cống Cái Cùng, xã Long Điền Đông đến chùa Linh Ứng, xã Điền Hải) và bồi trúc đất đen tuyến Đê Đông (đoạn từ chùa Linh Ứng đến ngã ba Mũi Tàu).

Song song đó, ưu tiên đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng một số tuyến đường theo quy hoạch đã được duyệt, cụ thể: Tuyến đường số 49: Long Điền - Long Điền Tây (cầu Thạnh Trị - kênh Đường Đào - ngã ba Khâu), tuyến đường số 57: Phan Mầu - Cả Xu - Tắc Vân, tuyến đường số 53: An Trạch - An Phúc (Bửu Buối - Hiệp Vinh - dọc theo kênh 9 căn - ngã ba Long Phú). Mở rộng, nâng cấp các tuyến đường về trung tâm xã, ấp liên ấp. Kết hợp lồng ghép các nguồn vốn để tiếp tục đẩy mạnh phát triển GTNT gắn với Chương trình xây dựng NTM. Tích cực vận động Nhân dân tham gia xây dựng đường GTNT theo phương thức “Dân làm, Nhà nước hỗ trợ” để nâng cao tỷ lệ cứng hóa mặt đường. Đặc biệt là đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường GTNT phục vụ xây dựng NTM theo hình thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Vận dụng các cơ chế, chính sách để mời gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh như: Đầu tư xây dựng cầu Tam Bô (kết nối xã Định Thành, huyện Đông Hải với xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau); cầu Vàm Xáng (kết nối tuyến đường An Phúc - Gành Hào với tuyến đường Gành Hào - Hộ Phòng). Ưu tiên đầu tư nâng cấp các công trình giao thông quan trọng trong hệ thống giao thông…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.