Tiêu điểm
Nghiêm trọng tình hình sạt lở đê biển Đông
Những ngày qua, thủy triều dâng cao kết hợp gió lớn đã xảy ra sạt lở đoạn đầu tuyến đê biển Đông giáp ranh giữa tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu). Đoạn sạt lở móc sâu vào chân, gây nguy cơ vỡ đê, ảnh hưởng trực tiếp đến dân sinh và sản xuất nên cần có những giải pháp cấp bách để khắc phục.
Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra thực tế đoạn đê bị sạt lở.
Nguy cơ vỡ đê
Theo ghi nhận của Sở NN&PTNT, tổng chiều dài sạt lở là 46m với hai đoạn, trong đó, một đoạn dài 25m, rộng 6m, sâu 1,5m; một đoạn dài 21m, rộng l - 3m, sâu 1m. Nguyên nhân sạt lở được ngành chức năng xác định do rừng phòng hộ tại vị trí bờ biển trước đoạn đê này đã mất hoàn toàn nên sóng đánh trực tiếp vào mái và thân đê, gây ra sạt lở rất nghiêm trọng. Trong các ngày tới, triều cường dâng cao kết hợp với sóng to, gió mạnh nên tình hình sạt lở mái đê và thân đê được dự đoán sẽ ngày càng nhiều hơn. Đồng thời, khi triều cường dâng cao kết hợp với gió mạnh cũng tạo thành các con sóng rất lớn, tràn qua đê chảy vào khu vực sản xuất và nhà dân phía trong, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, hoạt động sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản của một số hộ dân phía trong đoạn đê.
Sạt lở đoạn đầu tuyến đê biển Đông giáp ranh giữa tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng.
Tuy sự cố sạt lở đê biển Đông đến nay chưa gây thiệt hại về người và tài sản nhưng tình hình sạt lở đã gây mất an toàn, ổn định và có thể vỡ đê đe dọa đến đời sống của người dân trong khu vực. Anh Trần Sơn Dũng (ngụ ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông) có nhà ở gần khu vực sạt lở cho biết: “Cách đây khoảng 3 ngày khu vực này có sóng to và gió lớn đập mạnh vào thân đê, làm đất đá văng lên tràn qua thân đê vào bên trong khoảng hơn 10m rất nguy hiểm, người dân ở đây rất lo sợ”.
Các biện pháp khẩn trương cứu đê
Theo Sở NN&PTNT Bạc Liêu, biện pháp xử lý ban đầu cần thực hiện khẩn cấp là Chi cục Thủy lợi phối hợp cùng địa phương cử cán bộ tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát diễn biến sự cố sạt lở và báo cáo kịp thời khi có diễn biến mới xảy ra. Đồng thời, tiến hành rào chắn, giăng dây và cắm biển cảnh báo đê sạt lở. Bà Dương Thị An Til - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch Đông, cho biết: “Địa phương cùng với ngành chức năng sẽ theo dõi, kiểm tra, giám sát diễn biến sự cố sạt lở và đã huy động các lực lượng hỗ trợ người dân đắp các bao tải đất, cát để chống nước biển tràn vào nhà”.
Lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ và đoàn thể hỗ trợ người dân vô bao đất, cát chống nước biển tràn vào nhà dân.
Trước dự báo trong những ngày tới xuất hiện nhiều đợt triều cường kết hợp sóng to, gió mạnh sẽ đánh trực tiếp vào thân đê dẫn đến nguy cơ bị vỡ đê là rất cao, để đảm bảo cho hoạt động sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản của các hộ dân, ngành chức năng đã cho thi công ngay các rọ đá hộc sắp xếp liên kết với nhau có chiều dài 30m, khoảng 300m3 đá hộc, ước tính kinh phí khoảng 500 triệu đồng. Đến chiều 23/2, việc thi công này đã hoàn thành, đảm bảo an toàn trước mắt cho người dân và hoạt động sản xuất phía trong đê. Hiện Sở NN&PTNT đã trình UBND tỉnh ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở đoạn đầu tuyến đê biển Đông giáp ranh tỉnh Sóc Trăng thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông.
Về giải pháp lâu dài, ông Ngô Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Sở đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT đẩy nhanh tiến độ thi công công trình kè ngầm giảm sóng thuộc Dự án gia cố chống xói lở bờ biển Vĩnh Trạch Đông - Nhà Mát, thuộc TP. Bạc Liêu. Đồng thời, khẩn trương bổ sung vị trí sạt lở đoạn đê này vào một trong các dự án trên tuyến đê biển đang triển khai để thực hiện thi công xây dựng hạng mục bổ sung này trong thời gian sớm nhất.
Các đơn vị thi công khắc phục sạt lở đê biển Đông ngay cả ban đêm. Ảnh: M.Đ
Triển khai ngay các biện pháp khắc phục sạt lở đê
UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản 549 về việc khẩn trương triển khai ngay các biện pháp khắc phục sạt lở đoạn đầu tuyến đê biển Đông giáp tỉnh Sóc Trăng.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan và UBND TP. Bạc Liêu huy động ngay các lực lượng, phương tiện để xử lý khẩn cấp bước đầu hạn chế sạt lở và các biện pháp cần thiết khác để đảm bảo an toàn đê điều khu vực này; khoanh vùng khu vực bị sạt lở, thiết lập hành lang an toàn; lắp đặt biển báo cho khu vực sạt lở, ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở; bố trí lực lượng trực, theo dõi diễn biến hiện trường để kịp thời ứng cứu, xử lý; tổ chức khảo sát, lựa chọn giải pháp chống sạt lở, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND TP. Bạc Liêu khẩn trương huy động lực lượng hỗ trợ người dân đắp đất, bao cát ngăn chặn nước biển tràn vào nhà. Đồng thời, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng của người dân khu vực bị ảnh hưởng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT đẩy nhanh tiến độ thi công công trình kè ngầm giảm sóng thuộc Dự án gia cố chống xói lở bờ biển Vĩnh Trạch Đông - Nhà Mát, TP. Bạc Liêu. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở KH&ĐT và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh bố trí nguồn vốn để triển khai xử lý khắc phục khẩn cấp sạt lở đoạn đầu tuyến đê biển Đông giáp tỉnh Sóc Trăng…
Minh Đạt
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh