Tiêu điểm

Phát triển năng lượng tái tạo: Tích hợp để tăng giá trị

Thứ Hai, 20/11/2023 | 17:04

Năng lượng tái tạo (NLTT) và điện khí được Bạc Liêu xác định là một trong 5 trụ cột quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) đã ban hành Nghị quyết 04 về xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia.

Trạm biến áp Nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu.

HẠ TẦNG CHƯA ĐÁP ỨNG KỊP NHU CẦU

Với mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, các dự án lớn về điện gió, điện mặt trời (ĐMT) và điện khí đã được tỉnh triển khai rất quyết liệt. Đến nay, Bạc Liêu có 8 nhà máy điện gió đang vận hành cả trong đất liền lẫn trên biển, với tổng công suất hơn 469MW và trở thành tỉnh có các nhà máy NLTT lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 3 trong cả nước.

Tuy nhiên, việc phát triển NLTT trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc chưa khai thác, phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có. Việc đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn chậm nên chưa tạo được điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư sản xuất trang thiết bị chuyên ngành Điện. Đặc biệt, hệ thống lưới truyền tải điện của tỉnh còn thiếu và yếu. Đến nay, Bạc Liêu chỉ mới có đường dây 110kV, 220kV và chưa có đường dây 500kV. Do vậy, không đáp ứng khả năng giải tỏa công suất các dự án nhà máy điện gió và cả dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu 3.200MW khi được triển khai trong tương lai.

Bên cạnh đó, công tác triển khai thực hiện các dự án lưới điện truyền tải theo quy hoạch còn chậm do thiếu nguồn lực. Việc bổ sung quy hoạch các dự án điện NLTT giai đoạn trước gặp nhiều khó khăn, do vướng thủ tục và khả năng truyền tải của lưới điện hạn chế. Cũng như, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc và hệ thống đường giao thông không đủ điều kiện để vận chuyển các thiết bị siêu trường siêu trọng, nhất là khu vực ven biển. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng logistics còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Tất cả những khó khăn, bất cập trên đã làm cho nhiều nhà máy điện gió được đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng nhưng khi hoàn thành đi vào hoạt động lại phải thường xuyên bị cắt giảm công suất. Thực trạng này không chỉ gây lãng phí nguồn điện, mà còn gây tổn thất rất lớn cho các chủ đầu tư và làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu ngân sách của tỉnh. Đây cũng là lực cản chính làm cho một số dự án NLTT khác phải tạm ngừng và giãn tiến độ, vì làm xong thì không biết phải truyền tải bằng đường nào!

Du khách tham quan Nhà máy Điện gió Hòa Bình.

KHAI THÁC “GIÁ TRỊ TĂNG THÊM”

Một trong những vấn đề cần được quan tâm trong phát triển NLTT ở Bạc Liêu chính là khai thác “giá trị tăng thêm”. Hiện nay, cả tỉnh chỉ có duy nhất Điện gió Hòa Bình với “bản giao hưởng của gió” đưa vào làm du lịch, còn lại các dự án NLTT khác gần như chỉ tập trung khai thác điện. Trong khi đó, các công trình NLTT sử dụng rất nhiều diện tích đất ruộng và cả đất ở khu vực bãi bồi ven biển.

Nếu tài nguyên đất từ các công trình NLTT này được quan tâm khai thác và sử dụng tốt sẽ mang về một nguồn thu không nhỏ cho tỉnh Bạc Liêu và tham gia giải quyết bài toán an sinh khi kết hợp với làm du lịch sinh thái, nuôi nghêu, sò và các loại thủy sản có lợi thế khác. Mặt khác, đây cũng là giải pháp để giúp các chủ đầu tư tăng thêm nguồn thu trong điều kiện phải cắt giảm công suất và phát huy giá trị tăng thêm từ công trình NLTT của mình.

Thực tiễn cho thấy, một số công trình NLTT đã phát huy hiệu quả khi áp dụng mô hình “tích hợp” vừa sản xuất điện, vừa tận dụng diện tích sẵn có để tăng thêm nguồn thu. Như trong nuôi trồng thủy sản, Bạc Liêu là vùng trọng điểm nuôi tôm đứng thứ 3 cả nước về diện tích và sản lượng. Sự phát triển nóng của các mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng cao, nhưng nhiều nơi lại chưa được đầu tư lưới điện. Trong khi đó, do nhu cầu sử dụng điện để nuôi tôm nên người dân tự kéo điện chia hơi ra đồng tôm gây mất an toàn trong sử dụng điện. Cũng như, nhiều nơi phải chạy máy phát điện làm tăng chi phí đầu tư và giá thành sản xuất. Vì nuôi tôm công nghệ cao, thường mật độ thả tôm dày nên phải liên tục chạy máy sục ôxy và chỉ cần cúp điện một giờ là tôm sẽ chết. Do vậy, mô hình điện mặt trời gắn với đồng tôm là giải pháp để hóa giải khó khăn này.

Lắp đặt điện mặt trời phục vụ nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: L.D

Theo nghiên cứu của kỹ sư Phạm Thị Bích Liên (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu):  Việc kết hợp năng lượng mặt trời trong nuôi tôm đem lại rất nhiều lợi ích, như: tấm quang điện được lợp trên mái của ao lắng có thể làm giảm nhiệt độ ao, giảm ô nhiễm nước và giảm các chi phí xử lý nước trong nuôi tôm công nghệ cao. Đặc biệt là giúp nông dân giảm chi phí tiền điện và thời gian thu hồi vốn nhanh. Đồng thời, góp phần cùng với Chính phủ thực hiện cam kết của Việt Nam trong cắt giảm phát thải khí CO2 đến năm 2030.

Đến nay, Bạc Liêu có hơn 1.610 khách hàng lắp đặt hệ thống ĐMT mái nhà, với tổng công suất 183,954kWp, với diện tích dành cho các công trình ĐMT lên đến hàng trăm héc-ta. Tuy nhiên, cả tỉnh chỉ có vài doanh nghiệp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao áp dụng mô hình này. Riêng các công trình ĐMT được đầu tư xây dựng ở vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A gần như chưa được đầu tư khai thác và các công trình này đều nằm đan xen với ruộng lúa. Vì vậy, việc nghiên cứu các mô hình nuôi cá nước ngọt hay trồng rau thủy canh để khai thác và phát huy tốt quỹ đất bỏ trống dưới các công trình ĐMT cũng là vấn đề cần được quan tâm.

Để tháo gỡ khó khăn thiếu điện phục vụ cho nuôi tôm, ngành Điện đã đề xuất nghiên cứu và triển khai hệ thống ĐMT trong nuôi tôm. Ưu điểm của ĐMT là đáp ứng nhu cầu điện năng cho hệ thống tải tiêu thụ tại chỗ. Cũng như tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành, tiết giảm lượng điện sử dụng từ lưới điện và lượng điện dư thừa sẽ truyền lên lưới điện quốc gia để bán lại cho ngành Điện.

KIM TRUNG

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Lê Tấn Cận: Sớm đầu tư các dự án lưới điện 500kV

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 04 về xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, trong Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có tích hợp Phương án phát triển NLTT, đảm bảo tính ổn định, đồng bộ, lưỡng dụng và linh hoạt, gắn kết với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trong khu vực phòng thủ của địa phương và một số ngành, lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, Bạc Liêu sẽ quan tâm quy hoạch sử dụng đất bảo đảm phù hợp với nhu cầu phát triển công nghiệp, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các dự án NLTT. Đồng thời, tích cực tổ chức triển khai thực hiện các dự án nguồn và lưới điện đã tổng hợp trình Bộ Công thương đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đặc biệt, Bạc Liêu sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút, mời gọi đầu tư các dự án NLTT và thực hiện tốt chính sách ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng bền vững. Cũng như, thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng, bao gồm cả hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Hiện Bạc Liêu đang tích cực phối hợp với các nhà đầu tư và ngành Điện đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình đường dây và trạm biến áp 110kV, 220kV theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, phục vụ giải tỏa công suất các nhà máy điện gió; sớm triển khai các công trình đường dây và trạm biến áp 110kV, 220kV, 500kV đảm bảo đồng bộ với các tổ máy của Nhà máy điện LNG Bạc Liêu 3.200MW khi đi vào vận hành và các dự án nguồn điện khác theo Quy hoạch điện VIII được phê duyệt.

Để từng bước xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, ngoài sự quyết tâm, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, thì sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương là hết sức quan trọng. Vì vậy, kiến nghị Bộ Công thương tạo điều kiện cho tỉnh sớm được đưa vào quy hoạch giai đoạn đến 2025 tổng cộng 2.000MW điện gió (gồm 500MW điện gió trên bờ và 1.500MW điện gió ngoài khơi) để phát huy đúng mức tiềm năng gió của tỉnh. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trước mắt cho đầu tư đường dây và trạm biến áp 500kV của Dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu 3.200MW. Trường hợp khó khăn, thì cho cơ chế đặc thù để doanh nghiệp tự bỏ kinh phí đầu tư đường dây truyền tải và thu hồi vốn đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành. Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện Dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu 3.200MW.

Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cần hạn chế tối đa việc cắt giảm công suất các nhà máy điện gió và các hệ thống ĐMT mái nhà công suất trên 100kWp. Cũng như, sớm đầu tư các dự án lưới điện 110kV, 220kV, 500kV đồng bộ với các dự án nguồn điện trên địa bàn tỉnh, đảm bảo giải tỏa hết công suất các dự án nhà máy điện gió và Dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu 3.200MW trong thời gian tới…

 

Giám đốc Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu - Phạm Hoàng Minh: Sẽ tối đa hóa lợi nhuận trên cùng diện tích đất sản xuất

Phát triển ĐMT kết hợp với nông nghiệp công nghệ cao là một mô hình “sinh lợi kép” đã được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới và ngày càng phát triển tại Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ và Bộ NN&PTNT cũng đang khuyến khích các hộ gia đình, tổ chức trong, ngoài nước đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng này.

Có thể nói, đây là hướng đi đúng, thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch phục vụ người tiêu dùng, xuất khẩu và được gọi là mô hình “Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp năng lượng mặt trời” (gọi tắt là “AgriSolar+”). Mô hình trang trại bên dưới trồng trọt các loại cây lương thực, cây ăn quả, hoặc nuôi thủy sản, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm…, bên trên lắp các tấm pin năng lượng mặt trời tạo ra điện sạch, vừa phục vụ cho chính trang trại vừa bán điện cho điện lưới, tăng thêm doanh thu.

Hiện tại, có rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp dưới hệ thống pin năng lượng mặt trời như: chăn nuôi dê, cừu, bò, gà, trồng hành, trồng nha đam, trồng xương rồng, rau mầm, ớt xuất khẩu… (đa số trồng theo dạng thủy canh) và đặc biệt là nuôi cá chẽm, cá mú, cá lóc, cá rô, cá rô phi, tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh…

Theo các chuyên gia, cùng với việc áp dụng NLTT vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, một số thiết bị hiện đại như nhà kính, nhà lưới, hệ thống điều khiển chế độ tiểu khí hậu, hệ thống cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, hệ thống tưới nước… được áp dụng trong sản xuất những sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao. Khi trồng rau, hoa trong nhà kính hay nhà lưới và áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến sẽ tạo được môi trường tốt cho cây trồng sinh trưởng, phát triển. Nhờ đó, năng suất có thể đạt gấp 3 - 5 lần so với canh tác truyền thống.

Ngoài ra, hệ thống pin năng lượng mặt trời sẽ tạo bóng râm giúp giảm bức xạ mặt trời, giảm tốc độ bốc hơi nước và tiết kiệm được nước tưới cho cây trồng. Do đó, hệ thống pin năng lượng mặt trời rất thích hợp đối với nhiều loại cây ưa ánh nắng tán xạ.

Bạc Liêu là một trong những vùng nuôi tôm trọng điểm của cả nước. Đầu tư điện cho nuôi tôm rất tốn kém, do vậy việc lắp đặt hệ thống ĐMT để đảm bảo nguồn năng lượng phục vụ cho nuôi trồng thủy sản là rất cần thiết. Điển hình là Dự án cánh đồng nuôi tôm rộng 5,6ha của Công ty Cổ phần Solan Việt Nam (ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) được phủ kín bởi những tấm pin năng lượng mặt trời.

Trong bối cảnh tiến bộ khoa học - công nghệ phát triển như vũ bão, chi phí đầu tư công nghệ vào năng lượng mặt trời ngày càng giảm mạnh, kết hợp phát triển điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp hiệu quả là giải pháp khả thi giúp Việt Nam không phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ bên ngoài, giảm thiểu xung đột đất đai và giảm được vốn đầu tư công dùng vào xây dựng những nhà máy điện công suất lớn sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Tóm lại, mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp ĐMT sẽ tối đa hóa lợi nhuận trên cùng diện tích đất sản xuất, tăng nguồn thu cho người dân. Đặc biệt, góp phần giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.