Tiêu điểm
Phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Bạc Liêu: Vẫn dậm chân tại chỗ
Tháng 3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33 “về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”. Nghị quyết này kỳ vọng sẽ tạo nên những “cú hích” cho thị trường BĐS và tham gia giải quyết tốt vấn đề an sinh khi gắn với Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030.
Tình cảnh của người dân sinh sống ở Khu dân cư Thiên Long (Phường 5, TP. Bạc Liêu) khi vào mùa mưa.
GỠ KHÓ CHO THỊ TRƯỜNG BĐS
Thị trường BĐS có vai trò và những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, cũng như tác động trực tiếp đến nhiều ngành, nghề và lĩnh vực.
Tuy nhiên trong năm 2022, thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn, nhiều dự án BĐS tại các địa phương chậm triển khai và nhà ở giảm nhiều so với thời gian trước. Do vậy, việc ban hành Nghị quyết 33 kỳ vọng sẽ làm “tan băng”, giúp thị trường BĐS sôi động trở lại. Thế nhưng, từ khi triển khai Nghị quyết 33 cho đến nay, nhìn chung vẫn còn gặp nhiều bất cập. Đặc biệt là trong thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.
Nhà ở cho công nhân được xem là một trong những vấn đề bức xúc về an sinh hiện nay.
Theo Bộ Xây dựng, đến nay, cả nước đã hoàn thành 312 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 158.000 căn, với tổng diện tích hơn 8.000.000m2 và tiếp tục triển khai 418 dự án, quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn, với tổng diện tích khoảng 22.565.000m2. Song, kết quả này vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu như Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2010 - 2020 đã đề ra. Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội, với quy mô xây dựng 20.210 căn. Đồng thời, đã cấp phép và đang triển khai xây dựng 110 dự án với quy mô 100.213 căn và đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho hơn 300 dự án, với quy mô 292.422 căn. Tổng số căn hộ đã hoàn thành và đã cấp phép xây dựng hoặc đã có chủ trương đầu tư xây dựng khoảng 413.000 căn. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp đã được khởi công là 9 dự án, với tổng số khoảng 18.768 căn. Trong đó, nhà ở xã hội có 6 dự án và nhà ở công nhân là 3 dự án.
Bên cạnh đó, các địa phương đang tập trung triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng và đã có 20 tỉnh, thành công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay vốn theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 25.880 tỷ đồng. Trong đó, có 49 dự án nhà ở xã hội với nhu cầu vay khoảng 24.655 tỷ đồng và 3 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, với nhu cầu vay khoảng 1.230 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện nay, đã có một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 83/1.095 tỷ đồng và đã ký hợp đồng vay vốn.
BẠC LIÊU GIẢI NGÂN BẰNG… 0?!
Đối với một tỉnh hạ tầng kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn như Bạc Liêu thì việc triển khai thực hiện Nghị quyết 33 của Chính phủ thật sự là cơ hội cho nhiều lao động có thu nhập thấp và giúp họ có điều kiện được an cư. Việc làm này càng có ý nghĩa hơn trong điều kiện nhiều gia đình trẻ hiện nay có nhu cầu ra xây dựng mái ấm cho riêng mình với mức thu nhập chấp nhận được. Đặc biệt là tình trạng nhiều nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn chưa xây dựng được nhà ở tập trung cho công nhân, nên có đến hàng trăm lao động phải sống trong những khu nhà trọ ọp ẹp, ẩm thấp và không đảm bảo vệ sinh môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe sau những giờ lao động vất vả. Thế nhưng, đến nay Bạc Liêu vẫn chưa xây dựng được một dự án nhà ở xã hội nào từ Nghị quyết 33 và giải ngân từ gói 120.000 tỷ đồng tại Bạc Liêu vẫn là bằng 0!
Nguyên nhân của bất cập này không phải người dân không có nhu cầu mua nhà ở xã hội hay công nhân không có nhu cầu được sống trong các khu tập thể, mà gần như các dự án BĐS trên địa bàn tỉnh đến nay đều vướng và bị ách tắc!
Khu nhà trọ cho người lao động phổ thông tại Phường 1 (TP. Bạc Liêu). Ảnh: T.Q
Theo Sở Xây dựng, lý do Bạc Liêu khó triển khai và khó thu hút các dự án nhà ở xã hội là do địa phương không có quỹ đất sạch phục vụ cho việc kêu gọi đầu tư dự án nhà ở xã hội. Trong khi đó, các dự án nằm trong kế hoạch triển khai đều chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, chỉ có duy nhất dự án nhà ở công nhân nằm trong Khu công nghiệp Trà Kha là có mặt bằng đất sạch, nhưng quy mô quá nhỏ. Với thực trạng như vậy, chẳng có nhà đầu tư nào lại dám vào đăng ký xây dựng nhà ở xã hội khi đất chưa sạch và hạ tầng chưa có?! Thậm chí, có đất sạch rồi chưa chắc nhà đầu tư đã dám làm, vì lợi nhuận mang lại từ dự án nhà ở xã hội quá thấp, rủi ro lại cao, như dự án nhà ở xã hội ở khóm 10 (Phường 1, TP. Bạc Liêu) triển khai cả chục năm nay vẫn nằm “im ru” là một minh chứng.
Bên cạnh đó, đối với quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, dự án khu đô thị dành cho phát triển nhà ở xã hội, đến nay nhiều chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo quy định nên cũng chưa phát triển được các dự án nhà ở xã hội. Hoặc quỹ đất này đã dành cho việc bồi thường, tái định cư nên cũng không còn để triển khai các dự án nhà ở xã hội ngay ở khu vực đô thị vốn được xem là thị trường nhà ở có nhu cầu cao. Trên thực tế, có những dự án phát triển nhà ở xã hội được xây dựng ở một số huyện vào những năm trước đây, nhưng đến nay các doanh nghiệp vẫn chưa bán được nhà, do phần lớn nhu cầu mua nhà chỉ tập trung ở khu vực đô thị.
Ngoài ra, việc vướng các cơ chế, chính sách trong quan hệ tín dụng và những ràng buộc trong xây dựng nhà ở xã hội cũng làm cho Đề án xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đến nay vẫn còn gặp khó và cần ngay các giải pháp để khai thông. Vì trên thực tế, nhiều địa phương khác đã làm được việc này và dòng vốn đã được “bơm vào” thị trường BĐS. Song, muốn làm được việc này, thị trường BĐS ở Bạc Liêu phải được minh bạch hóa và tránh nạn “làm giá” từ “cò đất”, “cò nhà” và thay nhau hét giá trên trời.
Dự án nhà ở xã hội tại khóm 10 (Phường 1, TP. Bạc Liêu) đến nay vẫn còn là một bãi đất trống.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, giá đất tại Bạc Liêu cao hơn từ 1 - 2 lần so với khu vực TP. Cần Thơ và đây chỉ là “giá ảo”. Chính sự tăng “giá ảo” này đã đẩy thị trường BĐS của tỉnh Bạc Liêu rơi vào cảnh “đóng băng” và nhiều khu dân cư hiện nay treo đầy biển bán nhà nhưng vẫn không ai mua và làm mất đi cơ hội của những người có nhu cầu muốn mua nhà. Do vậy, việc thúc đẩy thị trường BĐS phát triển “an toàn, lành mạnh và bền vững” theo đúng chỉ đạo của Nghị quyết 33 không chỉ có ý nghĩa chiến lược giúp cho thị trường BĐS phát triển nhanh, lấy lại đà tăng trưởng, mà còn tham gia giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội.
Một vấn đề đáng quan tâm khác, Bạc Liêu rất cần phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhưng những dự án ấy phải được giao cho những doanh nghiệp có năng lực về tài chính và kinh nghiệm về quản trị, nhằm tránh mắc phải vết xe đỗ như Dự án nhà ở xã hội ở Khu dân cư Thiên Long (Phường 5, TP. Bạc Liêu) khi người dân phải sống trong cảnh nước ngập vào mùa mưa và bị đẩy vào thế tiến thoái lưỡng nan “muốn đi cũng không được, muốn ở cũng chẳng xong”.
KIM TRUNG
Phó Giám đốc Sở Xây dựng - Dương Chí Bình: Dự án nhà ở xã hội sẽ được tỉnh hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng
Nhằm góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Công văn 1197 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 33. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan và đơn vị liên quan. Đồng thời, triển khai Kế hoạch 115 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Theo Kế hoạch trên, thì đến năm 2025 đầu tư 900 căn nhà ở xã hội, giai đoạn 2026 - 2030 đầu tư 1.000 căn (vì chỉ tiêu Đề án giao tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030 là 1.900 căn).
Thực hiện kế hoạch trên, đến nay đã tập trung triển khai một số dự án nhà ở xã hội như: Dự án nhà ở xã hội khóm 10 (Phường 1, TP. Bạc Liêu), được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận chủ đầu tư tại Quyết định 168/QĐ-UBND ngày 15/4/2022, có quy mô sử dụng đất 15.344,99m2 (chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Nam Mekong Bạc Liêu), hiện chủ đầu tư đang thực hiện thủ tục về đất đai; Dự án nhà ở công nhân Khu công nghiệp Trà Kha (Phường 8, TP. Bạc Liêu) có quy mô sử dụng đất khoảng 2.828,78m2 (quy hoạch làm nhà ở chung cư 9 tầng), hiện nay UBND TP. Bạc Liêu đang lập hồ sơ trình chấp thuận chủ trương đầu tư (chưa có nhà đầu tư); Dự án nhà ở xã hội đường 23 tháng 8 (Phường 8, TP. Bạc Liêu) có quy mô sử dụng đất khoảng 30ha, UBND tỉnh đã có Công văn 3047/UBND-TH 9/8/2023 về việc triển khai thủ tục đầu tư đối với Dự án nhà ở xã hội tập trung tại khu đất đường 23 tháng 8 (Phường 7 và Phường 8, TP. Bạc Liêu), hiện nay UBND TP. Bạc Liêu đang điều chỉnh quy hoạch chi tiết, lập đề xuất chủ trương đầu làm cơ sở lựa chọn chủ đầu tư trong thời gian tới.
Tuy nhiên, việc triển khai các dự án hiện nay gặp nhiều khó khăn, nhất là liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và thu hồi đất. Vì vậy, Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch - Đầu tư thông báo danh mục đấu thầu dự án nhà ở xã hội, trong đó nêu rõ nhà đầu tư được chọn làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ được tỉnh hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án nhà ở xã hội.
Cùng với đó, đề nghị các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị khẩn trương hoàn thành việc đầu tư kết cấu hạ tầng đúng theo quy hoạch được duyệt để sớm triển khai các dự án nhà ở xã hội của quỹ đất 20%, hoặc giao lại cho tỉnh để kêu gọi đầu tư.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh Bạc Liêu - Lê Văn Măng: Tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp cận và cho vay theo quy định
Thực hiện chương trình cho vay xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực. Trong đó, có chương trình tín dụng gói 120.000 tỷ đồng đối với chủ đầu tư, người mua nhà và các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng chung cư cũ vay lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2%.
Đến nay, Hội sở các ngân hàng thương mại đã có văn bản hướng dẫn cho vay đối với chương trình này và các chi nhánh ngân hàng thương mại đã chuẩn bị đầy đủ các thủ tục vay vốn cho các dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu chưa phát sinh dư nợ cho vay, do chưa có dự án nhà ở đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng để nắm bắt kịp thời các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn được UBND tỉnh phê duyệt để chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp cận và cho vay theo quy định.
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh