Tiêu điểm

Tìm đầu ra bền vững cho rau màu: Giải pháp thay “giải cứu”

Thứ Hai, 15/07/2024 | 15:54

So với sản xuất lúa, rau màu mang lại giá trị kinh tế và cho lợi nhuận cao hơn từ 2 - 3 lần. Thế nhưng, đầu ra cho rau màu còn bấp bênh và diện tích được bao tiêu năm qua chỉ dừng ở con số khoảng 7% so với tổng diện tích gieo trồng. Và đằng sau đó là chuyện các ngành, địa phương chung tay “giải cứu” cho rau màu cứ lặp đi lặp lại, thay vì phải tìm giải pháp bền vững cho đầu ra!

Vùng chuyên sản xuất màu của nông dân xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu).

MANG LẠI LỢI NHUẬN CAO

Với tổng diện tích sản xuất hơn 18.000ha và cho năng suất bình quân đạt trên 10 tấn/ha, rau màu đã mang lại nhiều giá trị và giúp nông dân Bạc Liêu tăng thêm thu nhập thay vì chỉ độc canh cây lúa. Thực tiễn đã chứng minh, mô hình trồng rau màu là giải pháp tối ưu đối với những hộ nông dân ít đất sản xuất và tùy theo từng loại rau màu được trồng mà lợi nhuận cao hơn trồng lúa từ 2 - 3 lần, thậm chí gấp 4 lần. Tại huyện Phước Long, sản xuất rau màu đã giúp nhiều nông hộ thoát nghèo, thậm chí làm giàu từ việc đa dạng hóa các mô hình sản xuất. Cũng như, góp phần xây dựng và làm nên thương hiệu cho Phước Long với đặc sản rau cần nước nổi tiếng khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hiện mô hình trồng rau cần nước an toàn được thực hiện trên diện tích hơn 54ha và tập trung chủ yếu ở các xã: Vĩnh Thanh, Vĩnh Phú Đông và Hưng Phú. Trong đó, rau cần nước của Hợp tác xã 8/3 (xã Vĩnh Thanh) được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Loại rau này mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và trồng được quanh năm, với mỗi năm trồng từ 4 - 5 vụ, chi phí sản xuất 160 triệu đồng/ha/vụ, doanh thu khoảng 285 triệu đồng/ha/vụ và mang về lợi nhuận cho nông dân 125 triệu đồng/ha/vụ.

Mô hình trồng rau má với diện tích canh tác 87ha và cũng là mô hình sản xuất có vòng quay ngắn. Với chi phí sản xuất khoảng 5,5 triệu đồng/1.000m2/vụ, sau khoảng 1 tháng trồng sẽ cho thu hoạch, năng suất 1 tấn/1.000m2, giá bán bình quân 10.000 đồng/kg, tổng thu 10 triệu đồng/1.000m2/vụ và cho lợi nhuận 4,5 triệu đồng/1.000m2/vụ (1 năm thu hoạch được 10 vụ). Hoặc mô hình sản xuất các loại rau cải như: cải ngọt, cải xà lách, cải rổ, rau muống… có tổng diện tích thực hiện trên 36ha. Mô hình này cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao, vòng quay ngắn, trong 1 năm trồng từ 5 - 6 vụ (trung bình mỗi vụ khoảng 1,5 - 2 tháng). Chi phí sản xuất khoảng 5,2 triệu đồng/1.000 m2/vụ, tổng thu khoảng 14 triệu đồng/1.000 m2/vụ, lợi nhuận gần 9 triệu đồng/1.000m2/vụ. Với vốn đầu tư thấp, kỹ thuật canh tác đơn giản, dễ thực hiện, tận dụng diện tích vườn tạp để cải tạo trồng rau, mô hình có thể trồng luân canh hoặc xen canh với cây rau trên cùng diện tích đất sản xuất, góp phần giảm sâu bệnh, cải tạo độ phì nhiêu cho đất, sản phẩm làm ra đa dạng, nông dân có thể thay đổi chủng loại cây trồng khi nhu cầu thị trường biến động…

Ngoài ra, còn nhiều loại rau màu khác cũng được trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng bắp, mô hình trồng dưa hấu, mô hình trồng mướp hương…

Sản xuất rau màu tuy mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng từ diện tích sản xuất thực tế cho thấy, quy mô vẫn còn nhỏ, chỉ dừng ở con số vài chục héc-ta. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng nông dân Bạc Liêu chưa thể sản xuất hàng hóa lớn theo đơn đặt hàng từ các đại lý phân phối của TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh vùng ĐBSCL và đưa rau màu vào các siêu thị.

Rau màu nhập từ tỉnh khác được bày bán trong Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu. Ảnh: T.A

CẦN CÓ GIẢI PHÁP

Từ thực trạng sản xuất rau màu của tỉnh cho thấy, cần có những giải pháp chiến lược để khai thác, phát huy thế mạnh này. Đồng thời, tập trung tháo gỡ các khó khăn nhằm khai thông các “điểm nghẽn” trong việc không ngừng nâng cao chất lượng, giá trị và tìm đầu ra bền vững cho sản xuất rau màu.

Lâu nay, nói đến sản xuất rau màu là người ta nghĩ ngay đến “vành đai xanh” có truyền thống sản xuất rau màu lâu đời nhất tỉnh - đó là 3 xã vùng ven của TP. Bạc Liêu gồm: Hiệp Thành, Vĩnh Trạch và Vĩnh Trạch Đông. Thế nhưng, “vành đai xanh” này đang mất dần lợi thế và đẩy người trồng màu vào cảnh khó khăn. Mỗi khi thu hoạch rộ hay dội hàng thì gần như người trồng màu cứ phải nhờ các ngành, địa phương chung tay “giải cứu”, mà gần đây là Thành đoàn TP. Bạc Liêu đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ tiền để giải cứu hơn 2 tấn cải thìa, cải xanh, cải ngọt… của nông dân xã Vĩnh Trạch Đông theo hình thức phát tặng cho người tiêu dùng, vì các loại rau màu này không tìm được đầu ra.

Bàn về câu chuyện đầu ra của rau màu, không chỉ là chuyện tiêu thụ, mà chính là ngành quản lý và các địa phương lâu nay đã thiếu những giải pháp căn cơ trong việc khai thác, phát huy giá trị của cây màu. Hay nói cách khác, sự quan tâm và đầu tư cho rau màu không nhiều so với cây lúa và con tôm. Hiệp Thành là một trong 3 xã có diện tích sản xuất rau màu lớn nhất TP. Bạc Liêu - với hơn 300ha và có cả những xóm được mang tên “xóm rẫy” do chuyên sản xuất rau màu. Với việc chuyên canh các loại rau màu ăn lá như: xà lách, hẹ, cải xanh, cải rỗ, cải thìa, hành… cho năng suất bình quân 15 tấn/ha và nông dân sản xuất 4 - 5 vụ/năm, hằng năm xã Hiệp Thành đã cung cấp cho thị trường trên 20.000n tấn rau cải các loại. Tuy nhiên, việc quy hoạch thành vùng chuyên canh sản xuất rau màu cho xã đến nay vẫn chưa có và qua khảo sát thực tế cho thấy, canh tác cây màu vẫn còn nằm xen lẫn với các khu nuôi tôm công nghiệp. Trong khi đó, con tôm thì cần mặn để phát triển, còn cây màu thì chuộng ngọt để vươn lên. Chính mâu thuẫn và tranh chấp mặn - ngọt đã gây khó trong vận hành thủy lợi cho vùng này, tạo nên một lực cản trong thu hút đầu tư, hoặc liên kết sản xuất, vì chẳng có doanh nghiệp nào lại muốn liên kết sản xuất ở một nơi mà quy hoạch sản xuất chưa được hình thành. Đây cũng là nguyên nhân chính để các xã vùng ven chưa thể hình thành nên các vùng chuyên canh để sản xuất hàng hóa lớn theo nhu cầu thị trường, nông dân mãi sản xuất mang theo kiểu tự phát và thường bị ngập úng khi mưa lớn… Trong khi đó, các siêu thị, cửa hàng bách hóa tiêu dùng và các đại lý kinh doanh mặt hàng rau củ quả lại nhập hàng từ các tỉnh khác về phân phối!

Một bất cập đáng quan tâm khác nữa là công nghệ sau thu hoạch cho rau màu gần như bị bỏ quên. Trên thực tế, rau màu qua sơ chế và đóng gói sẽ làm tăng thêm giá trị và tạo lòng tin cho người tiêu dùng nên việc tiêu thụ cũng dễ dàng hơn. Có nơi sau khi sơ chế rau màu, người ta tuôn thẳng các phế phẩm từ rau màu xuống hệ thống kênh nội đồng gây ô nhiễm môi trường, thay vì tận dụng lại làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Sự lãng phí nguồn tài nguyên từ các phế phẩm này sẽ được giải quyết bằng việc đầu tư công nghệ, máy móc sơ chế sau thu hoạch thông qua việc đẩy mạnh thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã, hay phát triển cao hơn là các doanh nghiệp đầu mối chuyên sơ chế rau màu cung cấp cho các siêu thị và các tỉnh, thành phố ngoài tỉnh Bạc Liêu. Ngoài ra, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng, tổ chức lại sản xuất và trồng màu theo đơn đặt hàng, hướng đến hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, trồng màu trong nhà màng, sản xuất theo GAP… cũng là giải pháp cần được quan tâm thực hiện đồng bộ nhiều hơn nữa.

Đoàn viên - thanh niên TP. Bạc Liêu tham gia “giải cứu” rau màu.

Do đặc thù kinh doanh của siêu thị phải đa dạng hóa các sản phẩm nhưng sản phẩm của nông dân Bạc Liêu chưa đáp ứng được. Đặc biệt, muốn đưa các sản phẩm rau củ quả vào siêu thị kinh doanh, nông dân phải tuân thủ quy định nội bộ như Quy định kỹ thuật rau củ quả (QĐ-55), Quy định kỹ thuật rau ăn lá (QĐ-54) khi kinh doanh trong hệ thống Sài Gòn Co.opmart. Rồi phải thực hiện các chỉ tiêu ngoại quan và cả điều kiện vận chuyển cho đến đóng gói. Cũng như, chỉ tiêu về an toàn kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tuân thủ theo pháp luật hiện hành… Đồng thời, trước khi đưa rau màu vào kinh doanh thì siêu thị sẽ thực hiện khảo sát trực tiếp tại cơ sở trồng trọt như: quy hoạch vùng nuôi, hệ thống thủy lợi và hạ tầng phục vụ cho sản xuất phải đảm bảo sản xuất ra hàng hóa chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

LƯ TRUNG

 

Chủ tịch UBND xã Hiệp Thành - Lâm Vĩnh Chân: Cần hỗ trợ xây dựng trang web bán hàng trực tuyến và vay vốn ưu đãi dài hạn

Thực tế cho thấy, sản xuất rau màu của nông dân xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu) luôn đối diện với nhiều bất cập như: được mùa - mất giá, thương lái thay nhau ép giá, thậm chí không thu mua rau màu của nông dân. Đặc biệt, tình trạng thiếu nước sản xuất vào mùa khô do hạn hán, xâm nhập mặn; tình trạng ngập úng cục bộ khi triều cường dâng cao, mưa lớn kéo dài, tình trạng thiếu vốn đầu tư sản xuất… khiến cho nông dân trồng màu gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng trên, UBND xã Hiệp Thành chỉ đạo các ấp và đã xây dựng được một số mô hình sản xuất như: mô hình trồng cải rỗ, mô hình liên kết trồng ngò rí, trồng bí đao liên kết bao tiêu sản phẩm, xây dựng được 2 mô hình hợp tác xã (HTX) rau màu như: HTX rau sạch Đoàn Kết, HTX sản xuất rau sạch Lê Thành Công. Các HTX này bước đầu đã liên kết với nông dân để sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm rau màu đảm bảo an toàn thực phẩm. Song, sản lượng bao tiêu không nhiều và đầu ra vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Để phát huy giá trị rau màu, UBND xã Hiệp Thành đề xuất một số nhiệm vụ như: Cần hỗ trợ các HTX điểm trưng bày, giới thiệu liên kết tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng trang web bán hàng trực tuyến các loại rau màu. Hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi dài hạn đối với nông dân muốn đầu tư nhà màng, nhà lưới, tưới thông minh, sản xuất an toàn, VietGAP. Tăng cường tập huấn kỹ thuật sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng lộ giao thông vào các khu vực sản xuất, hệ thống điện, nạo vét kênh mương, hạ tầng chống ngập hỗ trợ phục vụ sản xuất. Đầu tư máy móc cho các HTX: sơ chế rau củ quả, đóng gói, bao bì, nhãn mác để cùng một sản phẩm nhưng giá trị được nâng lên, từ đó các sản phẩm của nông dân được giới thiệu bán qua nhiều kênh bán hàng, nhất là vào các siêu thị…

 

Giám đốc Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu - Huỳnh Thanh Điền: Cần xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, khuyến khích nông dân tham gia hợp tác xã

Hiện nay, Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu đang kinh doanh các mặt hàng rau củ quả từ Trung tâm của hệ thống Sài Gòn Co.opmart miền Tây (tỉnh Hậu Giang) phân phối về và các nhà phân phối, HTX đa phương, song phương và đã được Trung tâm ký kết.

Đối với tỉnh Bạc Liêu, Siêu thị trước đây đã ký kết với 2 HTX là HTX Đoàn Kết và HTX rau sạch Lê Thành Công. Tuy nhiên, hiện tại các HTX này đã giao trực tiếp cho hệ thống và không còn là nhà cung cấp riêng cho Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu.

Một trong những khó khăn trong sản xuất và liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị hiện nay chính là người nông dân còn e ngại trong việc làm các giấy tờ pháp lý để có thể khi đưa rau màu vào siêu thị kinh doanh và cả chi phí xin cấp mã, chi phí kiểm nghiệm định kỳ 1 năm/lần. Do vậy, số lượng rau màu tiêu thụ mỗi ngày cho nông dân của tỉnh đưa vào siêu thị còn rất ít, chỉ vài kí-lô-gam/ngày.

Để khai thác, phát huy giá trị rau màu của nông dân tỉnh Bạc Liêu và đưa rau màu vào siêu thị kinh doanh, nông dân Bạc Liêu ngoài tuân thủ và thực hiện các quy chuẩn trong sản xuất hàng hóa của Sài Gòn Co.opmart, kiến nghị Sở NN&PTNT Bạc Liêu chỉ đạo các địa phương tích cực xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và khuyến khích nông dân tham gia HTX để sản xuất hàng hóa lớn và đảm bảo về chất lượng. Đặc biệt là hỗ trợ nông dân về vốn để đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất cho sản xuất hàng hóa chất lượng. Mở các lớp tập huấn cho bà con về giống cây trồng, kỹ thuật trồng trọt, sản xuất hàng chất lượng cao. Mở các buổi tọa đàm để bà con được các kỹ sư hay các chuyên gia tư vấn và chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm giữa các hộ dân sản xuất với nhau…

K.T (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.