Tin tức

Tọa đàm trực tuyến “Kết nối cung - cầu nông - thủy sản giữa các tỉnh, thành ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh”

Thứ Ba, 14/09/2021 | 14:41

Quang cảnh buổi tọa đàm tại điểm cầu Bạc Liêu.

Sáng 14/9, Báo Người Lao Động phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức tọa đàm trực tuyến “Kết nối cung - cầu nông - thủy sản giữa các tỉnh, thành ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh”. Dự và phát biểu tại buổi tọa đàm có ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Tọa đàm được kết nối trực tuyến với một số bộ, ngành Trung ương, TP. Hồ Chí Mình, các tỉnh phía Nam và nhiều hiệp hội ngành nghề, hệ thống phân phối bán lẻ, các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế.

Tại điểm cầu Bạc Liêu, dự buổi tọa đàm có ông Lê Tấn Cận - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan.

Đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho rằng: Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phía Nam đều đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nên đội ngũ công nhân rất hạn chế, phương tiện lưu thông hàng hóa cũng gặp nhiều khó khăn; việc áp dụng phương án “3 tại chỗ”, “một cung đường 2 điểm đến” tuy bước đầu có hiệu quả, song cũng bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân là do kinh phí vận hành tốn kém, nếp sống, thói quen sinh hoạt của đội ngũ lao động chưa thể bắt nhịp được với điều kiện lao động mới. Để giải quyết hàng hóa còn tồn đọng, UBND TP. Cần Thơ đang xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia “một cung đường nhiều điểm đến” ở “vùng xanh” để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.

Còn theo ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Đồng Tháp: Để sớm khôi phục sản xuất và tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông thông suốt trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, các tỉnh, thành trong khu vực nên liên kết lại, lập các chuỗi tiêu thụ nông sản trong khu vực. Đồng thời, cần có hướng dẫn đồng nhất giữa các tỉnh thành, tránh tình trạng chồng chéo khi đề ra các quy định. Qua đó, giúp các doanh nghiệp thuận lợi trong việc thu mua, vận chuyển hàng hóa. Cần phải nhìn nhận và đánh giá thực chất những khó khăn, thiệt hại của doanh nghiệp và người dân do dịch bệnh để có hướng hỗ trợ kịp thời, vực dậy, khôi phục sản xuất.

Nông dân xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long) đóng gói rau cần nước để chuyển lên TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Cùng quan điểm này, đại diện UBND tỉnh Long An cho rằng, việc đóng cửa các chợ đầu mối và chợ truyền thống khiến nông sản bị ùn ứ, lưu thông đình trệ; 90% các cơ sở giết mổ tập trung bị ảnh và phải ngừng hoạt động do không có đầu ra. Cần thống nhất nội dung chỉ đạo trong nội tỉnh và cả các tỉnh, thành lân cận; phải chủ động điều phối tình hình sản xuất, tránh tình trạng sản xuất tập trung dẫn đến cung vượt cầu…

Ông Lê Tấn Cận - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu đóng góp thêm: Để tháo gỡ những khó khăn trong tiêu thụ nông - thủy sản, Bạc Liêu đã chỉ đạo các sở, ngành vận dụng mọi nguồn lực cho phép để hỗ trợ sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông sản. Cụ thể, tỉnh đã tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân, công ty, doanh nghiệp lưu thông cung cấp giống, thức ăn đầu vào phục vụ sản xuất; máy móc phục vụ thu hoạch và vận chuyển, tiêu thụ nông sản để đảm bảo cung ứng lượng thực, thực phẩm cho người dân… Tuy nhiên, ông Lê Tấn Cận cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, việc sản xuất, chế biến, xuất nhập khẩu, lưu thông vận chuyển hàng hóa gặp nhiều rủi ro. Việc tiêu thụ nông - thủy sản ở mức thấp trong khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến người dân đối mặt với nhiều khó khăn. Tỉnh Bạc Liêu đã chủ động xây dựng phương án trong sản xuất, kinh doanh, tránh ứ đọng hàng hóa cục bộ, hỗ trợ doanh nghiệp các phương án duy trì sản xuất, chuẩn bị các điều kiện phục hồi sản xuất, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạng lưới lưu thông, phân phối và bán lẻ hàng hóa trong nội tỉnh. Đồng thời kiến nghị các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ giảm giá điện, giảm phí lưu kho, lưu bãi hàng hóa cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng; hỗ trợ vốn vay ưu đãi lãi suất thấp cho các doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa, gạo…

Buổi tọa đàm cũng dành nhiều thời gian để đại diện các hiệp hội ngành nghề, hệ thống phân phối bán lẻ, các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế… phát biểu đóng góp ý kiến, nhằm giúp các tỉnh, thành nhận diện đúng, kịp thời các tồn tại, vướng mắc để từ đó đề ra các giải pháp trọng tâm, hiệu quả, vừa giúp người dân yên tâm sản xuất, vừa tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung - ứng trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, để giải quyết đầu ra cho nông sản ĐBSCL, các tỉnh, thành và TP. Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia cho rằng, chính quyền cần tạo khung hành chính như: giao thông thuận tiện, các giải pháp về thuế… cho doanh nghiệp thuận lợi vận hành. Các bộ, ngành liên quan nên có hệ thống phần mềm cập nhật liên tục những thông tin tình hình sản xuất ở các vùng, địa phương cũng như nhu cầu tiêu thụ trên thị trường. Mặt khác, các doanh nghiệp lớn phải chủ động tìm kiếm thị trường hoặc ký hợp đồng cung ứng sản phẩm đối với các đối tác nước ngoài. Chính quyền địa phương cũng nên hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách tập hợp các HTX cung ứng các sản phẩm đã có hoặc liên kết với doanh nghiệp để tạo vùng nguyên liệu đủ lớn phục vụ cho chế biến xuất khẩu.

Phát biểu ý kiến tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Để tối thiểu hóa các rủi ro, thiệt hại do tình hình dịch bệnh gây ra, các địa phương cần nhìn nhận khu vực ĐBSCL phải là một thực thể, không nên tư duy theo địa giới hành chính; phải liên kết vùng liền mạch, không rập khuôn, cứng nhắc làm ách tách chuỗi cung ứng hàng hóa, mà cần có sự liên kết vùng mạnh hơn. Các tỉnh cần phối hợp, lắng nghe doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, bàn bạc để đưa ra giải pháp trong tiêu thụ nông - thủy sản, cùng kiến tạo sự phát triển hậu đại dịch.

Tin, ảnh: C.L

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.