Bài học từ thu mua cây bần ổi: Tiền mất, môi trường sinh thái bị phá hủy

Thứ Tư, 01/08/2012 | 16:36

Cách đây vài tháng, thông tin cây bần ổi có giá trị rất cao, chặt cây bán kiếm tiền rất dễ đã khiến người dân các xã ven biển, bà con vùng sông nước các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng đua nhau “tàn sát” cây. Không bao lâu sau, khi cây bần đã bị chặt hàng trăm tấn, thì mới biết, thông tin thu mua chỉ là… tin vịt. Tiền mất, môi trường sinh thái bị phá hủy. Một bài học thật đau.

Phát hiện đối tượng Võ Thị Nga (SN 1967, ngụ ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) thu mua cây bần ổi để bán lại cho thương lái. Người đặt mua là ông Nguyễn Chí Thanh (SN 1960, ngụ số 41/1, đường Võ Thị Sáu, khóm 4, phường 7, TP Bạc Liêu).

Vào khoảng tháng 3/2011, ông Thanh xuống nhà bà Võ Thị Nga mua cá kèo giống, từ đó hai người quen biết nhau. Đến tháng 1/2012, ông Thanh trực tiếp xuống nhà bà Nga đặt vấn đề thu mua cây bần ổi với số lượng 100 tấn, giá thỏa thuận như sau: lá, trái: 50 ngàn đồng/kg, thân cành 100 ngàn đồng/kg. Ông Thanh đề nghị bà Nga làm đại lý thu mua, có bao nhiêu cũng mua hết.

Thấy món hời, lại thêm cây bần ổi mọc đầy theo các tuyến kênh rạch chẳng ai quan tâm, giờ có giá như thế, bà Nga đồng ý. Theo đó, ông Thanh đề nghị bà Nga cố gắng thu mua trước khoảng 40 tấn (cần gấp), nếu nhiều hơn càng tốt. Hàng chuyển tới đâu sẽ thanh toán tiền tới đó. Việc thỏa thuận mua bán cây bần ổi giữa ông Thanh và bà Nga không có hợp đồng mua bán, chỉ thỏa thuận miệng.

Hàng đống cây bần ổi bị chặt bán nhưng không ai mua. Ảnh: K.P

Trong vòng 1 tháng, bà Nga huy động thêm bà con của mình, thông báo việc mua cây bần ổi rộng rãi với giá lá, trái 15 ngàn đồng, thân cành 30 ngàn đồng. Người dân ở các xã ven biển Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hậu ùn ùn đi chặt cây bần ổi để bán vì giá cao quá sức tưởng tượng. Tin đồn bay xa, bà con nông dân ở các huyện khác trong tỉnh cũng đua nhau chặt cây bần ổi. Rồi nhiều người cũng góp vốn để đi thu mua hòng bán lại kiếm lời. Đã có lúc, nhất là thời điểm đầu năm 2012, ở các vùng thôn quê, cây bần ổi bị chặt không thương tiếc. Nó trở thành cây có giá hơn cả nhiều loại cây khác trong vùng.

Khi thu mua được tổng cộng 43 tấn, trong đó bản thân bà Nga thu mua 13 tấn, những người thân của bà Nga thu mua được thêm 30 tấn, tổng số vốn bỏ ra để mua là khoảng 400 triệu đồng. Y hẹn, bà Nga chuyển xe tải lên cho ông Thanh khoảng 13 tấn nhưng ông Thanh không nhận hàng. Tuy nhiên, bà Nga nhất quyết không chịu chở về, đưa hàng để tại nhà ông Thanh ở khóm 2 phường 7. Vì ông Thanh không thực hiện theo thỏa thuận nên phía bà Nga cùng một số người khác kéo đến nhà yêu cầu phải thanh toán tiền mua bần ổi. Vợ ông Thanh là bà Lý Thị Thiệt đã đưa cho bà Nga 2 lần với tổng cộng 40 triệu đồng, coi như là tiền vận chuyển và thuê mướn nhân công và không đưa nữa.

Qua điều tra, cơ quan chức năng đã xác định được, ông Thanh tổ chức thu mua cây bần ổi là nghe theo yêu cầu của người anh rể Phạm Tuấn Kiệt (SN 1953, ngụ đường Nguyễn Tri Phương, quận 6, TP. HCM). Ông Kiệt khai mình được một người tên Phan Ngọc Long (ngụ xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) đặt mua cây bần ổi với số lượng lớn để chế biến thuốc điều trị bệnh và xuất khẩu sang Mỹ. Ông Long tự giới thiệu hiện đang làm việc tại Công ty cổ phần quốc tế Việt Am, tại số 27A, Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình, TP. HCM, số thẻ thành viên là 1616).

Việc đặt hàng mua bán giữa ông Kiệt và ông Long cũng không có hợp đồng, chỉ thông qua thỏa thuận miệng. Khi ông Kiệt đã đặt và nhờ nhiều người quen đi thu gom cây bần ổi và liên lạc tìm ông Long thì không tìm được. Đến Công ty Việt Am thì mới biết, ông Long không phải là nhân viên tại đây. Biết bị lừa, ông Kiệt đã thông báo cho ông Thanh hay, kêu đừng thu mua cây bần ổi nữa. Sau đó, ông Thanh thông báo lại cho bà Nga nhưng việc thu mua đã diễn ra trước đó một thời gian và nhiều người dân vẫn tiếp tục thu mua bần ổi vì tin đồn lan xa, trong khi việc ngưng thu mua chỉ có ông Kiệt và ông Thanh biết. Ông Long thì đã cao chạy xa bay, hiện Công an tỉnh Bạc Liêu đã chuyển hồ sơ cho Công an TP. HCM để tiếp tục điều tra để làm rõ.

Bần ổi không ai mua bị đổ đống làm củi. Ảnh: K.P

Chúng tôi tìm đến nhà ông Thanh trên đường Võ Thị Sáu (TP. Bạc Liêu), gặp vợ ông Thanh là bà Lý Thị Thiệt. Bà Thiệt rất chân tình khi trình bày lại sự việc, và rất khổ sở vì chuyện “cây bần ổi”. Bà kể: Khi biết mình bị lừa, rồi cảnh mấy người thu mua lên nhà tôi “nằm vạ” bởi vốn liếng mất vào đó, họ khóc lóc đủ thứ khiến chúng tôi cũng mất ăn mất ngủ. Tôi cũng ráng vay mượn để hỗ trợ cho họ vài chục triệu đồng trong khả năng của mình.

Hỏi lý do vì sao lại tin những người đó đến thế, có biết việc chặt cây bần ổi một cách tràn lan như vậy là ảnh hưởng đến môi trường sinh thái hay không, bà Thiệt đều lắc đầu buồn bã. Được biết, để tạo sự tin tưởng, những đối tượng này khi tiếp xúc với ông Kiệt, ông Thanh đều ăn mặc quần áo của Công ty Dược phẩm, có bảng tên, xuất trình giấy tờ, kể cả giấy CMND. Và làm quy trình rất công phu, chẳng hạn như yêu cầu phía ông Thanh tìm đúng cây bần ổi, lấy nhánh, lá, trái đóng gói theo quy chuẩn rồi gửi lên TP. HCM để kiểm nghiệm. Sau đó, đối tác điện thoại xuống Bạc Liêu, thông báo đúng là giống cây bần ổi họ đang tìm và đặt hàng, có bao nhiêu cũng mua hết.

Việc đặt mua cây bần ổi mà không rõ mua đi đâu, để làm gì, cái hại trước mắt là thiệt hại về kinh tế đối với hộ bà Nga và những trường hợp thu gom bần ổi, còn cái hại về lâu dài là việc chặt và tàn sát cây bần ổi một cách không thương tiếc. Rất nhiều người dân các tỉnh khu vực ĐBSCL đổ xô đi chặt cây bần ổi. Chưa biết cây bần ổi có tác dụng trị bệnh như thế nào nhưng giá trị của chúng trong việc cân bằng hệ sinh thái, chống sạc lở đất là hiện hữu. Trong dự án chống biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cây bần ổi đang được nghiên cứu để đưa vào trồng xen kẽ với các loại cây khác nhằm đảm bảo tính đa dạng sinh học.

Không chỉ tiền thu mua mất hết, công sức của rất nhiều hộ dân đi tìm kiếm, chặt cây, rồi chuyên chở cũng đổ nhiều mồ hôi, nước mắt. Nhưng đáng lo hơn, trong khi hàng trăm tấn cây bần ổi giờ chịu số phận làm củi mục, thì dọc theo các tuyến kênh, sông rạch chỉ còn lại những gốc bần trơ trọi. Ông Tạ Văn Ninh (xã Long Điền Tây) than thở: Nghe cây bần có giá, ai cũng đua nhau chặt bần để bán. Tiền đâu không thấy, chỉ thấy thiệt hại cho chính mình. Giờ mất những cây có thể chắn sóng, chắn gió và hủy hoại luôn môi trường sống tự nhiên của con tôm vùng này. Bởi theo nhiều nông dân, nuôi tôm sinh thái dưới tán bần (tôm vừa có bóng mát, vừa có thức ăn dưới những rễ bần) nên tôm phát triển rất tốt. Chính vì hám cái lợi trước mắt mà một số người đã tự tay phá hoại cuộc sống của mình, của bà con.

Trong quá trình thụ lý vụ án này, điều khiến những người làm án hết sức băn khoăn là việc bà con mình rất cả tin. Toàn bộ giao dịch giữa bà Nga - ông Thanh, ông Thanh - ông Kiệt, ông Kiệt - ông Long chỉ bằng miệng. Trong khi những việc họ làm, xét về giá trị kinh tế cũng không nhỏ. Còn xét về yếu tố xã hội, trước một việc bất thường như vậy, chỉ bằng lời nói suông, sao lại dễ tin đến thế. Để khi xảy ra chuyện, có yêu cầu khiếu nại cũng rất khó để giải quyết, và thiệt thòi trước nhất vẫn thuộc về bà con mình. Đã có quá nhiều bài học về những thương lái trôi nổi, không rõ nguồn gốc lại thu mua những thứ… lạ lùng. Mong rằng bà con mình hãy cảnh giác trước những chiêu lừa như thế này, bởi thiệt hại không chỉ là tiền mà đôi khi phải trả giá bằng chính môi trường sống của chúng ta.

KIM PHƯỢNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.