Bị ép ký giấy nhận nợ, có phải trả nợ không?

Thứ Tư, 10/04/2013 | 19:57

Hỏi: * Chị gái tôi thiếu nợ người ta số tiền gần 2 tỷ đồng, nhưng chưa trả được. Chị ấy đã có gia đình và ở riêng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vì nợ vây siết, chị tôi mới sang nhà cha mẹ tôi ở tạm. Mấy chủ nợ kéo đến nhà cha mẹ tôi, gây áp lực và ép buộc cha mẹ tôi phải ký giấy lãnh nợ thay cho chị tôi. Vì sợ hãi, mẹ tôi đã miễn cưỡng ký giấy nhận nợ của chị gái tôi, dù trên thực tế, mẹ tôi không dính líu gì đến việc vay mượn kia. Có giấy nợ, mấy chủ nợ kiện mẹ tôi ra tòa để đòi nợ, vì cha mẹ tôi có tài sản có thể trả hết nợ cho họ. Điều này có đúng không?

Nguyễn Ngọc Hòa (phường 5, TP. Bạc Liêu)

* Hợp đồng chuyển nhượng đất của gia đình tôi bị tòa tuyên vô hiệu, tòa tuyên hai bên trả lại cho nhau những gì đã nhận. Lúc nhận chuyển nhượng, gia đình tôi nhận 50 triệu đồng. Giờ nếu chúng tôi nhận đất lại, thì giá trị tiền chúng tôi phải hoàn trả như thế nào?

Lyphong28…@yahoo.com.vn

Trả lời: * Nếu mẹ bạn thật sự bị người khác ép buộc để ký giấy nhận nợ trái ý muốn của bà ấy, trong khi thực chất không hề nhận tiền, thì mẹ bạn sẽ có nhiều căn cứ để chứng minh. Nhất là việc nhận nợ có giao nhận tiền hay không.

Việc nhận nợ do bị ép buộc, do gian dối, nếu chứng minh được không có việc giao nhận tiền giữa hai bên thì người ép viết giấy nhận nợ cũng khó thắng kiện. Tòa án khi xét xử sẽ dựa vào nhiều yếu tố, không chỉ đơn giản chỉ là một tờ giấy nhận nợ.

Nếu khó khăn, bạn có thể nói mẹ bạn làm đơn yêu cầu cơ quan điều tra can thiệp. Bởi cũng đã có nhiều trường hợp, qua điều tra đã xác định được, đối phương dùng nhiều cách để uy hiếp người khác phải ký giấy nhận nợ, trong khi trên thực tế, họ không phải là đối tượng vay mượn nợ. Nếu chứng minh được, có thể những người đó còn dính líu tới tội phạm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản của người khác.

Tuy nhiên, vì nợ của chị bạn là có thật, nên cách tốt nhất là thỏa thuận với chủ nợ để có cách giải quyết đúng. Bởi nợ thì phải trả, chứ nếu chị bạn cứ trốn tránh, thì cũng có thể bị khởi tố hình sự.

* Theo Điều 137 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

Như vậy, trường hợp xác định lỗi hỗn hợp, các bên đều có lỗi ngang nhau nên không bên nào phải bồi thường, các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên bán phải trả cho bên mua số tiền đã nhận và bên mua phải giao lại đất cho bên bán. Khi gia đình bạn trả lại số tiền 50 triệu đồng cho bên mua còn phải trả thêm khoản tiền chênh lệch giữa giá trị quyền sử dụng đất do các bên thỏa thuận tại thời điểm bán với giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm xét xử sơ thẩm. Giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm xét xử sơ thẩm do Hội đồng định giá quyết định.

Thân ái!

Luật gia Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.