Tòa Soạn - Bạn đọc
Chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ
Hỏi: Ông nội tôi là liệt sĩ, chú tôi cũng là liệt sĩ, bà nội tôi được hưởng chế độ đối với vợ, mẹ liệt sĩ. Chú tôi hy sinh khi chưa có gia đình nên trước giờ bà nội tôi vẫn thờ cúng. Nay bà nội tôi đã già yếu, anh em chúng tôi đều đi làm ăn xa, gia đình thống nhất để cho em gái út của tôi nhận trách nhiệm thờ cúng chú tôi, vì em tôi ở tại địa phương. Vậy em tôi có được hưởng chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ không?
Trường hợp vợ liệt sĩ đã tái giá, nhưng trước đó vẫn làm tròn nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ liệt sĩ khi ông bà còn sống, thì có được hưởng trợ cấp dành cho thân nhân liệt sĩ không?
(Nguyễn Văn Nam, huyện Phước Long)
Trả lời: Trước đây, theo quy định tại Điều 22 Nghị định 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ và Thông tư số 12/2000/TT-BLĐTBXH ngày 28/4/2000 của Bộ LĐ-TB&XH quy định về chế độ hưởng trợ cấp một lần cho người đảm nhiệm việc thờ cúng liệt sĩ. Nhưng Nghị định 54/2006/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã thay thế quy định giải quyết chế độ thờ cúng đối với liệt sĩ bằng chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ.
* 4 đối tượng được hưởng ưu đãi:
1. Cha đẻ, mẹ đẻ của liệt sĩ.
2. Vợ hoặc chồng liệt sĩ là người có quan hệ hôn nhân hợp pháp hoặc hôn nhân thực tế được pháp luật công nhận.
Trường hợp vợ hoặc chồng liệt sĩ đã lấy chồng hoặc lấy vợ khác nhưng đã nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha mẹ liệt sĩ khi còn sống được UBND cấp xã công nhận thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng.
3. Con liệt sĩ gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp và con ngoài giá thú theo quy định của pháp luật.
4. Người có công nuôi dưỡng liệt sĩ là người đã thật sự nuôi dưỡng liệt sĩ khi còn dưới 16 tuổi, đối xử như con đẻ, thời gian nuôi từ 10 năm trở lên.
* Chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ:
1. Trợ cấp tiền tuất hàng tháng kể từ ngày liệt sĩ được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định tặng bằng “Tổ quốc ghi công”.
- Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; con liệt sĩ từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học; con liệt sĩ bị bệnh, tật nặng từ nhỏ, khi hết thời hạn hưởng trợ cấp tiền tuất vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng.
- Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ đang sống cô đơn không nơi nương tựa; thân nhân của hai liệt sĩ trở lên; con liệt sĩ mồ côi từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học; con liệt sĩ mồ côi bị bệnh, tật nặng từ nhỏ, khi hết thời hạn hưởng trợ cấp nuôi dưỡng vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng.
2. Trợ cấp tiền tuất một lần khi báo tử.
Trường hợp liệt sĩ không có hoặc không còn thân nhân thì một trong những người thừa kế theo quy định của pháp luật giữ bằng “Tổ quốc ghi công” được hưởng trợ cấp tiền tuất một lần khi báo tử.
3. Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng hoặc trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng mà chết, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; đại diện người thừa kế theo quy định của pháp luật của thân nhân liệt sĩ được hưởng trợ cấp một lần bằng 3 tháng trợ cấp tiền tuất hàng tháng hoặc 3 tháng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng mà thân nhân liệt sĩ được hưởng trước khi chết.
Như vậy, trường hợp bạn hỏi, do bà nội của bạn, tức là mẹ liệt sĩ còn sống nên em gái bạn không được hưởng chế độ ưu đãi dành cho thân nhân của liệt sĩ.
Còn vợ liệt sĩ đã tái giá, nhưng có công nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ liệt sĩ khi còn sống được UBND cấp xã công nhận thì vẫn được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng.
Thân ái!
Luật gia Kim Phượng
- Tự hào, rạng rỡ chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc khải hoàn”
- Khánh thành Dự án trưng bày nội thất Bảo tàng tổng hợp tỉnh
- Kỳ họp 20, HĐND TP. Bạc Liêu khóa XII: Trên 95,7% cử tri tán thành chủ trương sắp xếp thành lập tỉnh Cà Mau trên cơ sở hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Mạng lưới Hỗ trợ học sinh - sinh viên Khởi nghiệp Khu vực ĐBSCL: Bàn “Giải pháp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại trường đại học”
- Gần 100 đoàn viên - thanh niên về nguồn tri ân tại di tích Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh