Tòa Soạn - Bạn đọc
Con bất hiếu với cha mẹ, xử lý như thế nào?
Hỏi: Em tôi là con út trong nhà nên cha mẹ tôi rất mực cưng chìu từ nhỏ. Vì thế tính tình em tôi rất ngang bướng, tối ngày nhậu rồi quậy phá, khi say thì chửi cả cha mẹ tôi. Có lần nó còn vác cây rượt đòi đánh và đuổi cha mẹ ra khỏi nhà.
Mấy anh chị tôi rất bức xúc, không biết có cách nào để nhờ sự can thiệp của pháp luật nhằm giáo dục, cải tạo cho nó sửa đổi? Cha mẹ tôi khi giận quá đòi từ mặt nó luôn. Việc từ con có phải làm giấy tờ hay chỉ cần tuyên bố bằng miệng. Cha mẹ tôi có làm di chúc chia tài sản cho các anh em, phần của nó cha mẹ có chia, nhưng không cho nó giữ mà giao cho anh Hai của tôi quản lý vì sợ nó ăn chơi, phá hết. Như vậy có được không?
N.T.B (TP. Bạc Liêu)
Trả lời: Em trai bạn đã vi phạm nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ được quy định tại Điều 35, Luật Hôn nhân và Gia đình, cụ thể như sau:
- Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.
- Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.
- Nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ.
Như vậy, nếu em trai bạn có những hành vi như quậy phá, chửi mắng, thậm chí đe dọa tính mạng, sức khỏe của cha mẹ thì gia đình bạn nên báo sự việc lên UBND phường (xã) để nơi này lập biên bản vụ việc. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà em bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, phạt cải tạo không giam giữ hoặc nghiêm trọng hơn, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về vấn đề từ con, đây là quan hệ xã hội nhưng pháp luật không điều chỉnh bởi nó đi ngược lại với các quy định về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ với con cái. Không thể vì con mình hư hỏng, mà mình có thể phủi bỏ trách nhiệm giáo dục, nuôi dưỡng… Do đó, cha mẹ bạn dù có tuyên bố từ con, thì về mặt pháp lý, em trai bạn vẫn là con của ông bà bởi luật không quy định việc từ con.
Về việc lập di chúc, theo bạn trình bày thì cha mẹ có chia cho em trai bạn nhưng lại giao cho người khác quản lý. Di chúc là thể hiện ý chí của một cá nhân về tài sản của mình khi chết, do đó, nếu ý chí đó không trái với những quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Dân sự… thì vẫn có hiệu lực.
Trong trường hợp này, phần tài sản chia cho em trai bạn theo như bạn nói là có kèm điều kiện. Nếu điều kiện không trái đạo đức xã hội, không trái quy định của pháp luật thì vẫn được chấp nhận. Tuy nhiên, việc giao người quản lý tài sản trong trường hợp người đã thành niên thì khi điều kiện được đáp ứng, người quản lý phải giao tài sản lại cho người được thừa kế.
Thân ái!
Luật gia Kim Phượng