Dứt tình mẹ kế - con chồng

Thứ Sáu, 08/01/2021 | 17:07

Mọi chuyện xảy ra bắt nguồn từ sau cái chết của ông Huỳnh Văn Dững (ấp 10, xã Tân Phong, TX. Giá Rai). Trong lúc tang gia bối rối, bà Lê Thị Tại (vợ kế) phát hiện cuốn sổ đỏ thửa đất mà chồng để lại cho mình bằng tờ di chúc bỗng không cánh mà bay. Rồi kể từ đó, hành trình đi tìm sổ đỏ cũng như thể hiện quyền làm chủ mảnh đất đó vô cùng gian nan.         

CÓ DẤU HIỆU CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN 

Rất nhiều nhân chứng (có cả người thân của ông Huỳnh Văn Dững) đều thể hiện sự không hài lòng trước cách đối xử thiếu tình người của hai người con của ông Huỳnh Văn Dững với người vợ trước là Huỳnh Văn Cọp và Huỳnh Văn Hùm. Sau khi người vợ đầu qua đời, năm 1997, ông Dững gá nghĩa với bà Tại, sống với nhau suốt 19 năm nhưng không có con. Sau lần lâm bệnh nặng, ngày 27/11/2009, ông Dững tự tay viết tờ di chúc bày tỏ ý nguyện để lại 18 công đất (tương đương 37.430m2); nhà trước, nhà sau và đất thổ cư (tọa lạc tại ấp 10, xã Tân Phong) cho bà Tại thừa hưởng toàn bộ khi ông qua đời để phụng thờ, cúng kiến, không có thừa kế thứ hai (theo di chúc viết). Di chúc có xác nhận của Chủ tịch UBND xã Tân Phong thời điểm đó.

Năm 2016, khi ông Dững qua đời, di chúc bắt đầu có hiệu lực thì cũng là lúc bà Tại bị con cháu chồng đánh đập, xua đuổi không thương tiếc. Trong một lần bị đe dọa giết và thủ tiêu, thân già lụm cụm đành phải cuốn gói bỏ lại nhà cửa, đất đai chạy về Tắc Vân (tỉnh Cà Mau) nương náu bên cạnh người thân. Giờ đây, bà phải vác đơn đi tìm công lý khi sổ đỏ mất, đất thừa kế bị con riêng của chồng chiếm toàn bộ. Ông Hùm đã làm thay đổi hiện trạng ranh bờ, đất vuông từ 3 thửa đất ghi trong sổ đỏ gộp thành một thửa chung với đất mình, sau đó cho người khác thuê 40 triệu đồng/năm, mặc cho cuộc sống của người mẹ kế lâm vào cảnh khó khăn, vất vả.      

Bà Lê Thị Tại buồn bã: “Chỉ một hộ khẩu ghi tên vợ chồng, khổ cực, nhọc nhằn, đau ốm có nhau, tôi lo cho ổng (chồng) một mình chẳng con cái nào ngó tới. Nên di chúc ấy cũng như một cách mà ổng đối đãi nghĩa tình với tôi. Vậy mà con cháu của ổng đành đoạn hành xử với tôi như thế”. Những người kế cận, hiểu biết về nguồn gốc đất này bức xúc cho rằng, đây là hành vi vi phạm pháp luật, cần được xử lý nghiêm túc. 

Bà Lê Thị Tại đứng nhìn thửa đất quen thuộc tại ấp 10 (xã Tân Phong, TX. Giá Rai) bị người khác chiếm đoạt và làm thay đổi toàn bộ hiện trạng. Ảnh: P.V

NHÙNG NHẰNG CÁCH XỬ LÝ

Công an xã Tân Phong xác nhận, sự việc mà bà Lê Thị Tại mất sổ đỏ do ông Huỳnh Văn Dững để lại là có thật. Ngày 24/9/2020, UBND xã Tân Phong đã có Thông báo niêm yết tại trụ sở xã đề nghị trong thời gian 30 ngày kể từ ngày niêm yết thông báo, nếu không có gia đình, cá nhân, tổ chức nào khiếu nại thì xã sẽ tiến hành làm thủ tục xin cấp lại sổ đỏ mới cho bà Lê Thị Tại là người thừa kế theo di chúc… Ông Bùi Minh Cảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong sau đó đã ký xác nhận hết thời gian niêm yết kể từ ngày 24/10/2020. Trong lúc bà Tại ký kết hợp đồng đo đạc với Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TX. Giá Rai, đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, thì cũng chính ông Bùi Minh Cảnh lại ký một công văn khác đề nghị Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã ngừng thực hiện thủ tục đo đạc thửa đất để cấp cho bà Lê Thị Tại. Lý do mà xã Tân Phong đưa ra là ngày 2/11/2020, UBND xã có tiếp nhận đơn của ông Huỳnh Văn Hùm ngăn cản việc làm sổ đỏ của bà Tại. Trong khi bà Tại đã bỏ ra chi phí để thực hiện việc đo đất, và đơn của ông Hùm nằm ngoài thời gian niêm yết.

Theo luật sư Nguyễn Duy Sơn - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Thái Sơn (TP. Bạc Liêu), quyền được hưởng tài sản thừa kế theo di chúc của mọi công dân luôn được pháp luật tôn trọng và bảo vệ, cho nên bà Tại có quyền kiện đòi tài sản đến cùng. Trong trường hợp này, cho dù nguồn gốc đất đó được hình thành trước thời kỳ hôn nhân giữa ông Dững với bà Tại thì bà Tại vẫn được chia thừa kế thỏa đáng theo quy định của pháp luật. Do đó, ông Hùm không có quyền chiếm đoạt toàn bộ tài sản ghi trong di chúc. Đó là chưa kể, bà Tại còn được bù đắp phần công cán bỏ ra trong quá trình cải tạo, sử dụng nhằm làm tăng giá trị đất nuôi tôm cũng như các loại cây lâu năm mà bà trực tiếp trồng. Bà Tại cho biết, số cây do bà trồng đã bị chặt phá, bán đi, thiệt hại cho bà có thể lên đến cả trăm triệu đồng, gốc tích vẫn còn đầy đủ.

Quá trình xác minh vụ việc này, chính quyền địa phương ấp 10 (xã Tân Phong) đều thừa nhận bà Lê Thị Tại là người phụ nữ hiền lành, chịu thương chịu khó, gắn bó với ông Dững đến cuối đời. Do đó, bà có đủ tư cách pháp lý để đòi lại tài sản thừa kế do ông Dững để lại mà không ai có quyền ngăn cản, tước đoạt, từ chối... 

P.V

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.