Gây nuôi chim yến: Cần sớm có giải pháp công nghệ trong quản lý

Thứ Hai, 04/11/2019 | 16:07

Bạc Liêu có gần 1.000 cơ sở gây nuôi chim yến để lấy tổ. Tiếng ồn từ máy dẫn dụ chim yến trong các khu dân cư đã gây mất tình đoàn kết, ô nhiễm môi trường âm thanh và tiềm ẩn dịch bệnh từ loài động vật hoang dã này. Những hậu quả đó đã được UBND tỉnh nhìn thấy và cảnh báo từ chục năm về trước.

Dãy nhà dẫn dụ, gây nuôi chim yến ở  xã Long Điền Tây (huyện Đông Hải).

BÙNG PHÁT NHÀ NUÔI CHIM YẾN

Từ ngày nhà nuôi chim yến của ông Tuynh (khu dân cư Tràng An - phía sau khu đất quy hoạch chợ phường 7, TP. Bạc Liêu) đưa vào khai thác, cuộc sống người dân ở khu vực này bị đảo lộn.

Ngày 31/10/2019, người dân ở đây điện báo cho chúng tôi đã dán “Thông báo lần thứ 2” tại nhà yến của ông Tuynh. Theo thông báo này, chủ nhà yến phát loa dẫn dụ chim yến quá lớn, thời gian kéo dài từ 4 - 23 giờ trong ngày làm ô nhiễm môi trường tiếng ồn nặng, ảnh hưởng đến giờ giấc sinh hoạt, nghỉ ngơi của những hộ xung quanh. Được biết khu dân cư này được khởi công xây dựng cách nay hơn 5 năm (ngày 11/1/2014), song việc xây dựng mới hoặc cải tạo nhà ở thành nơi cho yến làm tổ chỉ mới diễn ra khoảng 2 năm qua, hiện đã có khoảng 10 nhà yến và tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ các nhà yến này ngày càng trầm trọng. Người dân trong khu phố đã phản ánh vấn đề này đến cảnh sát khu vực khóm 1 trong buổi họp dân do UBND phường 7 tổ chức.

Ở Bạc Liêu, nhiều khu vực đông dân cư cũng có chung tình trạng như khu dân cư Tràng An. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có khoảng 950 nhà nuôi yến, đem lại thu nhập cao cho hộ nuôi, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Phát biểu tại một cuộc họp vào giữa tháng 9/2019, ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, với giá bình quân 1.000 USD/kg tổ yến, mỗi tháng cả tỉnh sẽ thu được 475.000 USD (gần 11 tỷ đồng) từ tiền bán tổ yến. Do lợi nhuận cao, nghề dẫn dụ, gây nuôi yến đang “bùng phát”, nhưng không phải nhà yến nào cũng có chim yến vào làm tổ như mong đợi. Và hầu như không có chủ cơ sở nhà yến nào xin phép việc dẫn dụ, gây nuôi chim yến, mà chỉ đề nghị cấp giấy phép xây dựng, cải tạo công trình nhà ở riêng lẻ, nhà ở liền kề, rồi thay nội thất phù hợp với đặc tính sinh trưởng của loài chim hoang dã này.

“Thông báo lần thứ 2” (ảnh lớn) được dán tại nhà nuôi yến của ông Tuynh (ảnh nhỏ).

CẢNH BÁO PHÁ VỠ QUY LUẬT TỰ NHIÊN

Từ 15 năm trước, quần thể chim yến đã di cư từ những vùng đảo xa theo hơi ấm phương Nam về Bạc Liêu cư trú ngày một đông. Vào năm 2010, UBND tỉnh đã đề cập đến phong trào nuôi chim yến thương phẩm có xu hướng phát triển mạnh, như một nét mới trong kinh tế chăn nuôi trên địa bàn. Người dân trong tỉnh đã tính toán, tìm cách làm giàu từ chim yến, nhiều hộ gia đình đã dành một phần diện tích nhà ở để dẫn dụ yến đến ở, từ đây hình thành nên dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và kinh doanh yến sào.

Trong sách “Thực trạng kinh tế - xã hội 2006 - 2010, hướng tới 2011 - 2015 tỉnh Bạc Liêu” (xuất bản tháng 8/2010), UBND tỉnh đã nhìn thấy “Nhà nhà đua nhau nuôi yến tràn lan, bất chấp quy luật, quy trình kỹ thuật, có thể gây hậu quả thiệt hại cho quá trình sản xuất khi một số hộ sử dụng các chiêu thức không lành mạnh để dẫn dụ yến (…). Dẫn đến phá vỡ quy luật tự nhiên của các loài sinh vật, làm ô nhiễm môi trường tiếng ồn và những tranh chấp đáng tiếc của những hộ nuôi yến liền kề” (trang 41).

Vào thời điểm đó, UBND tỉnh nhận định phong trào nuôi chim yến tự phát gần giống với phong trào nuôi tôm sú vào năm 2001. “Điều này cho thấy một sự không bình thường trong tổ chức nghề nuôi yến”. Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT quy hoạch khu vực nuôi chim yến tập trung, đồng thời thực hiện cơ chế chính sách đầu tư vốn, hỗ trợ kỹ thuật, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất và thành lập Hội Nuôi chim yến để định hướng và xúc tiến các hoạt động tiêu thụ sản phẩm. Một năm sau, tháng 8/2011, trong danh mục 68 dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh có dự án thứ 17 là các khu nuôi chim yến ở TP. Bạc Liêu và huyện Đông Hải, diện tích 1.500ha, 100% vốn nhà đầu tư, vốn đầu tư 10 tỷ đồng/ha; và dự án thứ 18 là nhà máy chế biến sản phẩm tổ chim yến diện tích 2ha tại Khu công nghiệp Trà Kha (TP. Bạc Liêu), chế biến 50kg tổ yến mỗi năm.

Một căn nhà yến đang xây dựng ở ấp Bình Điền (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải). Ảnh: N.Q

CẦN SỚM BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ

Tuy nhiên đến nay, tỉnh vẫn chưa có khu nuôi yến tập trung nên mới có tình trạng nhà yến xen nhà ở, gần trường học và gây ra những phiền phức như đã thấy. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát thực tế về âm thanh, giám sát dịch bệnh tại một số cơ sở dẫn dụ gây nuôi chim yến. Ngày 14/10/2019 vừa qua, tỉnh cũng đã mở hội thảo chuyên đề về quản lý nuôi chim yến. Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết sẽ ban hành văn bản điều chỉnh về việc dẫn dụ chim yến ở địa phương; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp có những chiến lược mới, đột phá thúc đẩy thương mại kinh doanh nhà yến và các sản phẩm chế biến từ tổ yến.

Việc sớm ban hành quy định tạm thời về lĩnh vực dẫn dụ, gây nuôi chim yến là một vấn đề cấp thiết, tạo cơ sở, hành lang pháp lý để kiểm soát, quản lý, tạo thuận lợi cho nghề dẫn dụ, gây nuôi chim yến lấy tổ của tỉnh.

Nguyễn Quốc

-------------------------------------------------------------------------

Trên thị trường hiện đã có thiết bị hỗ trợ đảm bảo độ lạnh, độ ẩm cho chim yến trú ngụ và phát ra âm thanh siêu sóng, không gây tiếng ồn xung quanh nhưng vẫn có thể thu hút, gọi chim về. Người nuôi không cần trực tiếp vào nhà yến, mà chỉ cần cài phần mềm vào điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc máy vi tính là có thể quản lý nhà yến dễ dàng. Đây có thể xem là giải pháp công nghệ dung hòa lợi ích giữa chủ nhà yến và các cư dân xung quanh.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.