Tòa Soạn - Bạn đọc
Khắc phục những vướng mắc trong việc xác định tỷ lệ thương tật người bị hại
Thời gian qua, tình hình tội phạm diễn biến khá phức tạp, nhất là tội cố ý gây thương tích cho người khác có chiều hướng gia tăng. Song, việc xử lý gặp khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến công tác điều tra, xử lý tội phạm.
![]() |
Cán bộ phòng kỹ thuật hình sự giám định hung khí trong một vụ án cố ý gây thương tích. Ảnh: M.N |
Đơn cử như trường hợp của bà T. (phường 2, TP. Bạc Liêu) bị đối tượng ngụ kế cận đánh gây thương tích nhưng cơ quan chức năng không thể xử lý hình sự do kết quả giám định tỷ lệ thương tật là 0%. Hay như trường hợp của ông N. (xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai) bị ông N.T.N đánh gây thương tích lại còn thách thức thưa kiện, nhưng đã hơn 13 tháng chưa được cơ quan chức năng xử lý.
Đại tá Phạm Quang Chung, Trưởng Công an TP. Bạc Liêu, cho biết: “Có nhiều vụ, đối tượng sử dụng hung khí nguy hiểm như dao, mã tấu… để tấn công gây thương tích cho người khác. Nhưng khi Cơ quan Cảnh sát điều tra quyết định trưng cầu giám định tỷ lệ thương tật thì kết quả giám định không đủ điều kiện để tính tỷ lệ thương tật (0%) do bị thương ở phần mềm. Do vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra không có căn cứ để xử lý hình sự đối với người vi phạm, mà phải chuyển hồ sơ để xử phạt vi phạm hành chính, xử lý dân sự (nếu hai bên thỏa thuận không thành) theo quy định của pháp luật. Do đó, chưa phát huy được tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm, gây tâm lý hoang mang, thiếu tin tưởng, hoài nghi đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật”.
Trong khi đó, Điều 104 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11 - 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc trường hợp dùng hung khí nguy hiểm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Để tháo gỡ những bất cập trên, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2014) quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần; Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư liên tịch số 21/2014/TTLT-BYT-BLĐTBXH sửa đổi khoản 1, Điều 1 Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 27/9/2013 của Bộ Y tế - Bộ LĐ-TB&XH quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích, bệnh tật và bệnh nghề nghiệp. Theo đó, sẹo vết thương phần mềm với số lượng sẹo ít (dưới 5 sẹo), kích thước sẹo nhỏ (chiều dài dưới 3cm; chiều rộng dưới 0,3cm) tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể là từ 1 - 3%.
Mặt khác, tại khoản 3, Điều 2 Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế quy định: Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể được xác định tại thời điểm giám định. Như vậy, đối với vụ cố ý gây thương tích trước đây đã có trưng cầu giám định nhưng kết quả giám định xác định là không đủ điều kiện để tính tỷ lệ thương tật (0%) do bị thương ở phần mềm (nhưng chưa chuyển hồ sơ để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, còn thời hiệu), thì người bị hại có quyền yêu cầu giám định lại và đề nghị xử lý hình sự đối với người gây thương tích.
Với những quy định mới này, việc xử lý đối với các đối tượng cố ý gây thương tích sẽ có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm, tạo niềm tin cho quần chúng nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật về công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Mỹ Nghi
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
- Tọa đàm kỷ niệm Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam
- 21 thí sinh tham gia Hội thi Chỉ huy Đội giỏi cấp thành phố năm học 2024 - 2025
- Gần 100 vận động viên tranh tài tại Giải vô địch cầu lông các CLB tỉnh Bạc Liêu năm 2025
- Xây dựng dữ liệu cho bản đồ du lịch thông minh tại Bạc Liêu