Tòa Soạn - Bạn đọc
Luật Thuế bảo vệ môi trường: Điều kiện giúp phát trển kinh tế gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ môi trường
Ngày 15/11/2010, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Thuế bảo vệ môi trường và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012.
Trong thời gian qua, tăng trưởng kinh tế, quá trình công nghiệp hóa và phát triển đô thị tăng nhanh đã tác động xấu đến môi trường sinh thái như sự gia tăng phát thải nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt; gia tăng số lượng chất thải rắn trong sinh hoạt và trong công nghiệp; gia tăng phát thải các chất gây ô nhiễm không khí từ các quy trình sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải; ô nhiễm ngày càng gia tăng cả trên mặt đất, trong lòng đất, sông hồ và trong không khí.
Các giải pháp tài chính để ngăn ngừa ô nhiễm và khôi phục hậu quả môi trường bao gồm chính sách chi ngân sách cho đầu tư khôi phục môi trường, khắc phục hậu quả môi trường; thu phí bảo vệ môi trường nhằm huy động thêm nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường.
Liên quan đến các giải pháp về thu ngân sách, đến ngày Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực Chính phủ mới ban hành các nghị định quy định các khoản phí bảo vệ môi trường như phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản và quy định một số ưu đãi về thuế đối với nhà đầu tư vào các dự án trực tiếp xử lý vấn đề về môi trường như: thuế sử dụng đất, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp. Song, chúng ta vẫn chưa có một sắc thuế thu vào sản phẩm hàng hóa gây ô nhiễm khi sử dụng để hạn chế sản xuất hoặc tiêu dùng.
Các khoản thu phí bảo vệ môi trường đã tạo thêm nguồn thu, góp một phần chi đầu tư giải quyết các vấn đề về môi trường. Đồng thời góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của tổ chức, cá nhân trong việc giữ gìn môi trường, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, các chính sách thuế, phí hiện hành cũng có một số hạn chế. Bởi, các chính sách thuế và phí hiện hành như nêu trên chưa điều chỉnh các hoạt động sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có tác động xấu đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người. Đồng thời chưa góp phần giảm thiểu các tác nhân sẽ gây tác động xấu đến môi trường tại nguồn gốc phát sinh.
Luật Thuế bảo vệ môi trường với mục tiêu nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội. Từ đó, góp phần làm thay đổi hành vi của tổ chức, cá nhân; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong đầu tư, sản xuất và tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân; khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; giảm bớt các tác động tiêu cực của sản xuất, tiêu dùng đến môi trường; giảm thiểu ô nhiễm, suy thoái về môi trường và tạo thêm nguồn thu cho hoạt động khôi phục môi trường. Đó là những yếu tố rất cần thiết và phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại của Việt Nam và xu hướng phát triển kinh tế của thế giới.
Nhuận Phát
- Tự hào, rạng rỡ chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc khải hoàn”
- Khánh thành Dự án trưng bày nội thất Bảo tàng tổng hợp tỉnh
- Kỳ họp 20, HĐND TP. Bạc Liêu khóa XII: Trên 95,7% cử tri tán thành chủ trương sắp xếp thành lập tỉnh Cà Mau trên cơ sở hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Mạng lưới Hỗ trợ học sinh - sinh viên Khởi nghiệp Khu vực ĐBSCL: Bàn “Giải pháp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại trường đại học”
- Gần 100 đoàn viên - thanh niên về nguồn tri ân tại di tích Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh